Đổi mới tư duy của người dân về nỗ lực vươn lên thoát nghèo

Nhờ các giải pháp đồng bộ, tư duy, nhận thức của người dân Bắc Quang (Hà Giang) về nỗ lực vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống đã dần thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Thông tin từ Hội nghị chuyên đề Bàn giải pháp giảm nghèo năm 2024 tại huyện Bắc Quang, Hà Giang, cho thấy thực hiện công tác giảm nghèo, huyện đã quyết liệt, chủ động xây dựng kế hoạch. Trong đó lĩnh vực đào tạo nghề, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất đã được triển khai theo hướng hỗ trợ thiếu hụt và nhu cầu của người dân.

Trong năm 2023, tổng số hộ nghèo toàn huyện giảm 1.351 hộ, tương đương giảm tỷ lệ 4,67%, đạt 222,2% so với chỉ tiêu kế hoạch tỉnh Hà Giang giao. Tổng số hộ cận nghèo giảm 690 hộ, giảm tỷ lệ 2,39%. Huyện Bắc Quang cũng giải quyết việc làm cho trên 3.300 lao động, xuất khẩu 69 lao động; đào tạo nghề cho trên 2.300 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 66%.

Người dân nghèo ở Hà Giang và các tỉnh miền núi được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững.

Người dân nghèo ở Hà Giang và các tỉnh miền núi được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững.

Các dự án, tiểu dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai đúng tiến độ. Huyện đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đầy đủ các chế độ chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Đặc biệt, tại địa phương này, việc thực hiện Chương trình giảm nghèo triển khai đồng bộ với các chương trình mục tiêu quốc gia khác như xây dựng nông thôn mới và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp tối ưu hóa nguồn lực dành cho người dân.

Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đưa cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tạo thêm việc làm cho người nông dân, giúp cho nông dân tăng thêm thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, huyện Bắc Quang tập trung triển khai dự án trồng dâu nuôi tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Cùng đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, căn cứ vào đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng để xây dựng kế hoạch cụ thể hóa, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm đem lại thu nhập ổn định cho người dân theo hướng bền vững.

Để chương trình đạt hiệu quả cao, huyện mở hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật gắn với chuyển đổi số và xây dựng vườn mẫu mang lại hiệu quả kinh tế để tạo điểm nhấn, tăng động lực cho người dân.

Đến nay, toàn huyện đã có khoảng 2.500 mảnh vườn tạp được cải tạo với tổng diện tích đạt gần 877.000 m2, trong đó, 194 hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn. Bình quân thu nhập của hộ nghèo, cận nghèo sau chương trình đạt hơn 23 triệu đồng/năm.

Điều quan trọng là chương trình đã đổi mới nhận thức của người dân trong cấu trúc lại không gian vườn, cải thiện môi trường và không gian sống, áp dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất. Cấp ủy Đảng, chính quyền cũng có thêm kinh nghiệm định hướng giúp người dân lấy sức lao động và tiềm năng, lợi thế đất đai để nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Bắc Quang thể hiện tính bài bản, đúng quy trình trong triển khai chương trình cải tạo vườn tạp, đặc biệt là khâu lựa chọn hộ thực hiện. Theo đó, việc khảo sát chọn hộ, tư vấn xây dựng kế hoạch, tổ chức cải tạo và kiểm tra giám sát phải được bàn bạc, thảo luận kỹ với từng gia đình để đề xuất nội dung, hạng mục cải tạo và bố trí kinh phí, nguồn lực để thực hiện.

Huyện cũng tư vấn đến các thôn, xã có điều kiện thuận lợi nên hướng tới nhóm hộ cùng sở thích (cùng chăn nuôi, cùng trồng trọt 1 loại cây, con) để hình thành vùng nguyên liệu, giảm chi phí đầu vào, dễ chăm sóc, phòng dịch bệnh.

Việc sản xuất, gắn với bao tiêu sản phẩm đầu ra cũng được tổ chức lại theo hướng liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương để trồng trọt, chăn nuôi một số cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có thời gian sinh trưởng ngắn, như nuôi gà (gà ri lai; gà mía; nuôi gà đẻ trứng); chăn nuôi lợn; trồng nhân trần; trồng dâu nuôi tằm...

Cán bộ phụ trách, hướng dẫn, giúp đỡ đồng hành với hộ dân nghèo tham gia chương trình cũng đóng vai trò quan trọng. Bắc Quang còn vận động hộ trung bình, hộ khá triển khai thực hiện và xây dựng vườn, chuồng chăn nuôi mẫu để hộ nghèo học tập, làm theo...

Ông Hà Việt Hưng, Bí thư Huyện ủy Bắc Quang, nhấn mạnh địa phương xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân và cộng đồng gắn với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu.

Tới đây, huyện cũng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất hàng hóa nông lâm nghiệp theo hướng tập trung đối với các sản phẩm có thế mạnh của huyện theo phương thức gia trại, trang trại; Triển khai thực hiện có hiệu quả việc cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doi-moi-tich-cuc-tu-duy-cua-nguoi-dan-ve-no-luc-vuon-len-thoat-ngheo-2320293.html