Đổi mới tư duy để phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững
'Nhiều bạn trẻ bỏ phố, về làng, khởi nghiệp bằng nông nghiệp. Nhưng nếu làm nông nghiệp không có niềm đam mê sẽ không có thành công' - Tô Linh Bình, chàng trai vừa đoạt Giải thưởng Lương Định Của cấp Trung ương mở đầu cuộc trò chuyện làm nông nghiệp sạch của mình chỉ đơn giản như vậy.
Tô Linh Bình năm nay vừa tròn 30 tuổi. Sinh ra và lớn lên ở xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, suốt những năm tháng ấu thơ của Bình đều gắn bó với cây cà phê. Không ít lần, Bình cùng cha mẹ cầm đèn pin, ra rẫy bắt bọ cánh cứng cắn phá ngọn cà phê. Cũng không ít lần, Bình nhìn thấy những cô, những bác trong làng nén tiếng thở dài khi hàng cà phê vừa tái canh đã vàng lá, khô cành bởi bị côn trùng và nấm phá rễ. Cũng từ đó, chàng trai Tô Linh Bình tự hỏi: “Có cách nào để canh tác nông nghiệp vừa sạch, lành, vừa hiệu quả?”.
Sau nhiều lần thử nghiệm, tìm hướng khởi nghiệp, năm 2011, Tô Linh Bình quyết tâm gắn bó với nông nghiệp. Bình được gia đình giao cho quản lý 4ha cà phê tại thôn Đăk Tin, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà. Có tư liệu sản xuất trong tay, anh bắt đầu giấc mơ làm nông nghiệp sạch. 7 năm ròng rã, Bình đi khắp nơi tìm hiểu, học hỏi các phương thức sản xuất an toàn. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, Tô Linh Bình đã không ít lần gặp thất bại. Thiệt hại cho mỗi lần thất bại lên đến hàng chục triệu đồng.
Năm 2018, anh chuyển đổi 1ha cà phê già cỗi sang trồng cây ăn trái. Trên diện tích sầu riêng, cam, quýt, anh bắt đầu áp dụng hướng canh tác hữu cơ. Cỏ được để mọc tự nhiên để giữ độ ẩm và tạo mùn quanh gốc. Phân bón, thuốc trừ sâu được làm từ củ quả. Trải lòng về những tháng ngày khởi sự, Tô Linh Bình nói: “Tôi đã từng dùng rất nhiều loại phân thuốc khác nhau và gặp rất nhiều vấn đề và thất bại, sử dụng các dòng sinh học nhưng chưa đủ mạnh, chưa đủ phù hợp cho môi trường đất của mình, năm 2019, tôi tìm được dòng sản phẩm phù hợp. Tôi cũng học thêm về kỹ thuật để tự ủ phân bón”.
Hiện tại, anh Bình đã ủ thành công được những loại phân bón từ trứng, rau, củ thải loại thu gom tại chợ. Bên cạnh đó, anh Bình cũng sử dụng hệ thống tưới tự động trên toàn bộ diện tích sản xuất để tiết kiệm nhân công. Sau 3 năm, cây trồng trong vườn của anh Bình đã thích ứng với hướng trồng hữu cơ, sinh trưởng và phát triển tốt. Với phương pháp sản xuất này, anh Bình tiết kiệm được 50% chi phí thuốc, phân bón cho mỗi vụ mùa. Để tiếp sức cho hành trình khởi nghiệp của Tô Linh Bình, Huyện đoàn Đăk Hà đã hỗ trợ anh trong khâu giới thiệu và bày bán tại quầy thực phẩm sạch của huyện.
Nhận định về hướng đi với nông nghiệp sạch của Bình, anh Hà Quốc Mạnh, Bí thư Huyện đoàn Đăk Hà cho rằng, anh Tô Linh Bình là một đoàn viên, thanh niên với tinh thần dám nghĩ, dám làm. “Đến nay,anh Bình đã có những sản phẩm cây ăn trái sạch, được sự tiếp nhận tích cực của người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế gia đình, tiếp theo là tạo động lực cho thanh niên xã Đăk Ngọk học tập, làm theo phát triển kinh tế” - anh Hà Quốc Mạnh cho biết.
Ngoài việc sản xuất tại nông trại của mình, anh Tô Linh Bình còn nhiệt tình hướng dẫn cho bà con nông dân trong khu vực kinh nghiệm sản xuất cây ăn trái bằng phân bón, thuốc trừ sâu hữu cơ. Bên cạnh đó, hiện nay, anh cũng tiếp tục liên kết với 20 hộ dân trong khu vực tạo vùng sản xuất trái cây sạch với tổng diện tích trên 40ha. Vùng sản xuất được hình thành, anh tiếp tục thành lập Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Liên Minh Farm. Các sản phẩm của hợp tác xã đáp ứng tiêu chuẩn sạch, an toàn và được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Anh Bình tự tin chia sẻ về những dự định sắp tới: “Tôi sẽ đăng ký để sản phẩm của gia đình cũng như một số sản phẩm của bà con đang sử dụng theo hướng hữu cơ vi sinh và sẽ truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận theo quy định. Sau đó, mới lan tỏa rộng rãi hơn, thậm chí ra toàn cả tỉnh, cả nước, cùng nhau phát triển cây nông nghiệp, trái cây của mình ngày càng chất lượng hơn”.
Vừa qua, Tô Linh Bình vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của cấp Trung ương, đồng thời được vinh danh là Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Kon Tum năm 2022. Với những thành công bước đầu của mình, anh đã chứng minh được việc sản xuất nông nghiệp sạch là hướng đi đúng. Và ngoài niềm đam mê, bí quyết để đi đến thành công còn cần đến sự kiên trì để theo đuổi ước mơ.
Chị Lê Thị Hiền, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đăk Ngọk tự hào: Trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, Đoàn Thanh niên xã Đăk Ngọk thành lập Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp có 18 thành viên để cùng nhau trao đổi trong phát triển kinh tế. Anh Tô Linh Bình là thành viên tích cực ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của anh Tô Linh Bình được Đoàn Thanh niên xã tổ chức cho các đoàn viên tham quan, học tập kinh nghiệm để mở rộng ứng dụng sản xuất ở địa phương.
Đánh giá cao về mô hình nông nghiệp hữu cơ và phong trào thanh niên khởi nghiệp ở địa phương, ông Nguyễn Đức Ngọc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đăk Ngọk khen ngợi: Anh Tô Linh Bình là đoàn viên nói đi đôi với làm, năng động, sáng tạo và tích cực ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sạch, an toàn cho người sử dụng. Mô hình của anh Bình được nhiều đoàn viên, người dân trong và ngoài vùng học, làm theo vì mở ra hướng sản xuất bền vững ở địa phương.