Đổi mới tư duy phát triển giáo dục Đại học trong cách mạng 4.0
Sự can thiệp sâu của cơ quan chủ quản hay việc áp đặt 'quan hệ cha – con' cho mối quan hệ giữa nhà trường – cơ quan chủ quản đã kìm hãm sự phát triển.
Ngày 21/7, tại Phú Yên, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông (thuộc Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức tọa đàm khoa học: “Đổi mới tư duy phát triển giáo dục Đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”.
Tham dự tọa đàm có Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Giáo sư Trình Quang Phú – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông cùng nhiều chuyên gia, hiệu trưởng các trường đại học.
Đổi mới tư duy
Giáo sư Trình Quang Phú – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông chia sẻ, đất nước ta nếu tính đến công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo Việt Nam thì đã là cuộc cách mạng, cuộc cải cách giáo dục lần thứ 4 (lần đầu là năm 1950, rồi 1956, 1979 và 2013).
Như Nghị quyết của Đại hội Đảng đã khẳng định, cuộc đổi mới lần này là căn bản và toàn diện, là một đột phá chiến lược cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước.
Tuy nhiên, đến nay sau 6 năm thực hiện Nghị Quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, vẫn còn thiếu những điều cốt lõi để làm cuộc đột phá, cuộc cải cách toàn diện cho nền giáo dục mà nhất là giáo dục đại học Việt Nam.
“Luật Giáo dục sửa đổi vừa mới có hiệu lực, nhưng cái gốc, cái nền của sự đột phá đổi mới là từ đâu? Có người nói đó là tự chủ, chúng tôi cho rằng tự chủ là chìa khóa.
Giáo dục tư thục cần được đối xử bình đẳng với công lập
Bởi việc tự chủ vẫn chưa toàn diện, có phần chậm lại. 14 năm trước Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ đã rất quyết liệt về đổi mới giáo dục đại học giai đoạn 2016-2020.
Trong đó nêu rõ: “chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính”.
Nghị quyết cũng xác định xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản. Vậy những năm 2016 - tức 11 năm sau, Nghị quyết 89/NQ-CP của Chính phủ lại khẳng định “giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản”.
Vậy thì cách gì để đột phá chiến lược cho cuộc cách mạng này. Chúng tôi cho rằng phải tính từ tư duy.
Cũng có người đặt ra việc đổi mới tư duy e rằng sẽ đụng chạm, đây là vấn đề có tính nhạy cảm.
Giáo sư Phú cũng dẫn lại câu nói của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, tư duy không đúng, không mạch lạc, không hệ thống thì việc thực hiện đổi mới giáo dục sẽ chắp vá, đi sai đường và tất nhiên không thành công.
Hội thảo đã tập trung thảo luận vào 5 nội dung chính đó là: Đổi mới tư duy về quản lý nhà nước với giáo dục đại học; Đổi mới tư duy về hệ thống và mô hình tổ chức đào tạo đại học;
Đổi mới tư duy về tự chủ đại học; Đổi mới tư duy về quốc tế hóa đại học ở Việt Nam; Đổi mới tư duy về người thầy trong giáo dục đại học.
Giáo sư Trần Hồng Quân cho biết, tư duy tự chủ không phải mới, mà cách đây 20-30 năm đã nêu ra rồi như: tự quản hay phân cấp quản lý...
Để giao quyền tự chủ đại học, nhà trường phải đạt kiểm định chất lượng
Dù nêu ra như thế nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì rất khó. Ví dụ xã hội hóa giáo dục, chúng ta nêu ra sớm nhưng vướng cái tư duy là cái gì của công lập, của nhà nước mới chính thống, mới tốt... nên đến giờ vẫn chưa hoàn thiện.
Chủ tịch Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng nêu lên thực tế tại các nước phát triển có đến hơn 70% sinh viên là học ở trường tư, chứ không phải trường công.
Ngay Malaysia cũng có đến 600 trường tư thục, chỉ có vỏn vẹn khoảng 20 trường công để đào tạo một số ngành, lĩnh vực. Sau 20 năm thì Việt Nam chúng ta trở thành đất nước có số sinh viên trường tư thấp nhất Châu Á.
“Vậy tại sao? Tại sao chúng ta với một đất nước có truyền thống hiếu học, nằm trong môi trường như vậy, tại sao ngành giáo dục phát triển chậm?
Trong cuộc cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, lẽ ra về phía nhà nước chúng ta phải có chương trình thích ứng, hội nhập. Còn giáo dục đại học phải thích nghi, phải khai thác cái gì. Tất cả cần chúng ta phải đổi mới tư duy”, Giáo sư Quân nói.
“Nóng” chuyện tự chủ đại học
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã dẫn ra câu chuyện của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (lùm xùm giữa nhà trường và cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – phóng viên) để chỉ ra vấn đề tự chủ đại học vẫn còn nhiều gai góc, phức tạp.
Sự can thiệp sâu của cơ quan chủ quản hay việc áp đặt “quan hệ cha – con” cho mối quan hệ giữa nhà trường – cơ quan chủ quản, từ đó kìm hãm sự phát triển của nhà trường đã tạo nên những bức xúc.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng, quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho Hội đồng trường, không thể trao cho Hiệu trưởng.
Hiệp hội đề nghị tạo mọi điều kiện để Đại học Tôn Đức Thắng thực hiện tự chủ
Trường hợp ngược lại Hiệu trưởng rất dễ trở thành nhà độc tài. Do đó, chỉ có các trường đại học công tự chủ mới thực sự cần có Hội đồng trường.
Phải từng bước xóa bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý của cơ quan chủ quản theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền.
Nếu chưa xóa bỏ được cơ chế này thì cho dù có thành lập Hội đồng trường thì nó cũng không phát huy được tác dụng.
Việc vẫn tồn tại “Bộ chủ quản” tức là vẫn khẳng định sự tồn tại song hành mà thực chất là đóng vai trò quyết định của cơ chế kiểu tập quyền), làm cho các Hội đồng trường đã thành lập hoạt động rất khó khăn, mang tính hình thức và buộc phải chuyển dần qua chức năng tư vấn.