Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới
Sáng 1-11, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm với chủ đề: 'Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới'.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng luật là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thời gian tới nhằm tạo đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi mới đây, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu: Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Trong chương trình, các đại biểu tham dự đã đề xuất cách làm mới trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Theo TS Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, sau 40 năm đổi mới, cùng với những kết quả đạt được, đất nước ta cũng phát hiện điểm nghẽn trong thể chế pháp luật. "Để đạt được mục tiêu 21 năm tới trở thành nước phát triển, vấn đề thể chế là then chốt", ông Nhị Lê khẳng định.
Theo nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, thể chế được xây dựng từ hai nhân tố pháp trị và đức trị. Nghĩa là, thể chế được xây dựng từ luật pháp thống nhất với truyền thống xã hội, dư luận xã hội, pháp lý quốc tế và thông lệ quốc tế, nhằm định hướng và bảo đảm mọi sự phát triển kinh tế - xã hội một cách thống nhất và cân bằng. Hơn lúc nào hết, Đảng ta phải tiếp tục chủ động, chủ động hơn và kiên định nắm chắc luật pháp để cầm quyền, bảo đảm thống nhất vai trò lãnh đạo, trách nhiệm lịch sử; bảo đảm thượng tôn pháp luật nhằm nâng cao vị thế, vai trò và sức mạnh lãnh đạo của Đảng đối với đất nước thông qua Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cùng quan điểm, GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, trong điều kiện mới, hoạt động lập pháp phải đổi mới, phải bảo đảm quyền của nhân dân, giá trị cốt lõi, không thể ban hành luật một cách tùy tiện.
“Theo đó, một mặt phải đảm bảo quyền lập pháp của Quốc hội, và Quốc hội xem xét ủy quyền cho Chính phủ, Quốc hội có thể ủy quyền nhiều hơn cho Chính phủ. Nhưng sự ủy quyền này phải rất chặt chẽ. Quốc hội chỉ ủy quyền cho Chính phủ, không ủy quyền cho Bộ và chính quyền địa phương", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
Bày tỏ tán thành các ý kiến các đại biểu đã phát biểu, PGS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng trung ương cho rằng, quá trình hoàn thiện thể chế, cần phân tích rõ hơn vai trò lãnh đạo và quản lý của Đảng, không bao biện làm thay và không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo đảm nhân dân là gốc, nhân dân là chủ, bảo đảm lợi ích hợp pháp của nhân dân; bảo đảm nguyên tắc xây dựng pháp luật chặt chẽ, khoa học, dân chủ. Luật phải tiếp tục khơi thông sự phát triển, thu hút nguồn lực phát triển, bảo vệ được cán bộ, tạo linh hoạt trong phản ứng chính sách…; luật phải là luật khung, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền...
Theo Ban tổ chức, tham luận tại tọa đàm sẽ là nguồn cứ liệu quý báu để Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để triển khai ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.