Đổi mới và sáng tạo công nghệ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tại Việt Nam, đổi mới công nghệ và hấp thụ công nghệ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ KH-CN, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng, tăng từ 33,6% (giai đoạn 2011-2015) lên 45,2% (giai đoạn 2016-2020), tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa tăng từ 19% (năm 2010) lên khoảng 50% (năm 2020).
Nhà máy Trường Hải đã tự động hóa nâng cao năng lực sản xuất nhíp ô tô - Ảnh: Bộ KH-CN
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) tăng 17 bậc trong giai đoạn 2016-2020, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, đứng đầu trong số các quốc gia ở mức thu nhập trung bình thấp.
Theo kết quả nghiên cứu của Bộ KH-CN gần đây, trong giai đoạn từ 2001-2019, đổi mới công nghệ và hấp thụ công nghệ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam. Giai đoạn 2001-2019, đầu tư thực tế vào ứng dụng, đổi mới công nghệ trên lao động tại Việt Nam tăng gần 250%.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, tại Việt Nam có nhiều hơn các doanh nghiệp mở rộng hoạt động R&D. Đổi mới và sáng tạo công nghệ là chìa khóa để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững và đi tắt đón đầu trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4 đang tăng tốc, Bộ KH-CN cho rằng cần tăng cường đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp. Cụ thể, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, đổi mới trong tổ chức thông qua thay đổi cơ cấu, chiến lược và văn hóa.
Để hỗ trợ đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp, các chính sách cần hướng tới hỗ trợ theo từng nhóm công nghệ nhất định. Điển hình như xây dựng chiến lược hỗ trợ đổi mới công nghệ theo ngành kinh tế; khuyến khích và hỗ trợ nhập khẩu công nghệ; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0; tăng cường tác động "lan tỏa" và liên kết thuận/ngược…
Tiếp đó, nâng cao hiệu quả kỹ thuật của các doanh nghiệp. Trọng tâm của hoạt động này là tối ưu hóa việc áp dụng các công nghệ đang được đổi mới. Một yếu tố quan trọng chính là tăng cường năng lực cho các đơn vị hỗ trợ, bao gồm các Viện về đo lường, tiêu chuẩn, thử nghiệm và chất lượng, các Trường đại học và Tổ chức nghiên cứu và các cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, hoạt động R&D giúp tăng khả năng hấp thụ công nghệ. Trọng tâm hiệu quả nhất của nỗ lực R&D là thúc đẩy áp dụng và thích ứng công nghệ trong tất cả các giai đoạn và các ngành, như nhập khẩu, kỹ nghệ đảo ngược, áp dụng và thích ứng.
Về phát triển nguồn nhân lực, Bộ KH-CN cho rằng sự phát triển các kỹ năng và năng lực của con người là điều kiện tiên quyết đối với đổi mới và sáng tạo công nghệ.
Đặc biệt, cần có nhiều hơn nữa các công cụ chính sách như khuyến khích tài chính về các khoản trợ cấp để phát triển kỹ thuật tiên tiến, thiết kế sản phẩm, đổi mới sản phẩm, quy trình, tiếp thị và R&D như ở Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, công nghệ ngày càng có vai trò thiết yếu để doanh nghiệp cạnh tranh và thịnh vượng. Do vậy, ứng dụng và đổi mới công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao được hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.