Đổi mới việc xây dựng và hoàn thiện thể chế theo hướng thực chất
Các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội thực hiện những giải pháp đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 3796/UBND-NC (ngày 29/10) về triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 273/TB-VPCP, ngày 22/10/2021, của Văn phòng Chính phủ tại Hội nghị của Chính phủ về “công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế”.
Theo đó, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các sở, ban, ngành TP; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện những giải pháp đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa về nội dung trên.
Cụ thể, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thi hành pháp luật theo hướng thực chất hơn, bám sát và phù hợp với thực tiễn. Tăng cường đội ngũ cán bộ có năng lực, trách nhiệm và đầu tư thỏa đáng cho công tác này. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cụ thể và việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong tư duy xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó cần xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng pháp luật. Đánh giá toàn diện kết quả thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng. Chú trọng lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của pháp luật.
Đối với các vấn đề lớn, phức tạp cần kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế. Tiếp tục nghiên cứu, hiện đại hóa kỹ thuật lập pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác này.
Tiếp tục rà soát pháp luật về tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật. Chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này. Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Xác lập quy trình tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật. Công tác thẩm định, thẩm tra, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phải gắn kết chặt chẽ với công tác theo dõi, tổ chức thi hành pháp luật.
Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần tiếp tục đổi mới, đặt trọng tâm vào các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật và các điều ước quốc tế, bảo đảm pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ Nhân dân.
Trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật tại cơ quan, đơn vị. Đầu tư hơn nữa nguồn lực cho công tác này. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này tại đơn vị mình.