Cứ độ tháng 6, tháng 7 hàng năm là vào mùa thu hoạch gon của người dân xã Hưng Hòa, TP Vinh, Nghệ An. Đây là một trong số ít địa phương có nghề dệt chiếu cói truyền thống của tỉnh Nghệ An.
Theo ông Hồ Viết Quế (SN 1956, xóm Phong Thuận), cây gon (nhiều nơi còn gọi là cây cói) dễ sống, không cần nhiều công chăm sóc và cho thu hoạch hàng năm trong thời gian dài mà không phải trồng lại mới. Tuy nhiên, diện tích trồng gon ngày càng bị thu hẹp do nghề làm chiếu cói không còn thịnh hành như trước. Mặt khác, phần lớn diện tích trồng gon đã được quy hoạch, chuyển đổi sang mục đích khác.
Đội nắng mót gon đút túi nửa triệu mỗi ngày
Số diện tích gon đang cho thu hoạch là những đám ruộng bị bỏ hoang sau khi thu hồi, chuyển đổi mục đích nhưng chưa sử dụng. Tận dụng phần diện tích này, một số hộ dân tại xóm Phong Thuận, xã Hưng Hòa ra đồng "mót" gon.
Một phần nhỏ gon được số ít hộ dân còn dệt chiếu ở Hưng Hòa sử dụng. Còn chủ yếu gon thành phẩm được bán sang Nga Sơn, Thanh Hóa - nơi có làng nghề dệt chiếu nổi tiếng hoặc bán cho các thương lái thu gon để xuất đi Trung Quốc. Gốc gon cứng, chiều cao lý tưởng để thu hoạch là vào khoảng từ 1-1,5m. Bởi vậy, thu hoạch gon là công việc khá mất sức đối với người dân. Cây gon sau khi được chặt khỏi gốc bằng một chiếc dao rựa sắc lẹm, phải giũ mạnh để loại bỏ phần "áo" gốc hay những cây hỏng, chiều cao không đạt. Phần việc này thường do những người đàn ông đảm nhận.
Gon đạt chuẩn để sử dụng dệt chiếu là những cây cao, khỏe, cứng cáp, đặc biệt là có màu sắc đẹp. Theo ước tính của bà Trần Thị Huệ, hiện có khoảng chưa đầy 20 hộ dân còn gắn bó với công việc liên quan đến nghề dệt chiếu cói, trong đó có việc thu hoạch cây gon.
Sau khi được cắt, giũ sạch để lấy những cây đạt tiêu chuẩn, gon được chẻ làm đôi. Công đoạn này phải được thực hiện khi cây gon còn tươi.
Hiện nay chẻ gon được thực hiện bằng máy, năng suất hơn và chẻ đều, đẹp hơn. Công đoạn chẻ gon mặc dù được làm bằng máy nhưng phải có 2 người tham gia, một người có nhiệm vụ đẩy gon qua máy để tách thân gon ra làm đôi theo chiều dọc, người còn lại sẽ thu sợi gon sau khi chẻ. Theo ông Đình Khánh hai vợ chồng ông mỗi ngày thu hoạch được từ 50-70kg gon thành phẩm, nếu thời tiết thuận lợi thì có thể hơn.
Giá gon thời điểm hiện tại 90.000-100.000 đồng/10kg. Có ngày cao điểm vợ chồng ông Quế có thể thu hoạch, sơ chế được 70kg, tính ra được khoảng 700.000 đồng. "Công việc này không mất chi phí đầu tư, chỉ mất sức thôi nhưng phải chịu khó. Chúng tôi phải ra đồng từ lúc gần 5h hoặc sau 15h, khi thời tiết còn mát mẻ. Từ 9-15h là thời điểm thích hợp để phơi gon, nếu được nắng gon nhanh khô, màu đẹp, được giá hơn", ông Quế cho biết.
Nếu thời tiết thuận lợi, gon phải trải qua 2 lần phơi phóng, đảm bảo đủ khô nhưng sợi gon không bị giòn, màu sắc tươi sáng. Sau một ngày phơi ngoài đồng, gon sẽ được gom lại, đưa về nhà phơi "trở" một lần nữa trước khi nhập cho thương lái.
Công việc nặng nhọc, chỉ kéo dài khoảng 2 tháng trong năm, vào giữa hè và cuối đông nên đây chỉ là lựa chọn mang tính thời vụ của người dân. "Người trẻ thì làm việc khác, có tiền hơn. Giờ chỉ có người già, không biết làm gì nữa thì tranh thủ đi cắt gon kiếm đôi đồng thôi. Nhưng cũng vì ít người làm nên dễ bán hơn, được giá hơn", ông Đinh Khánh lí giải.
Tối đi biển, ngày anh Đặng Văn Hùng cùng mẹ ra đồng "mót" gon. Anh cũng là người trẻ nhất trên cánh đồng gon mà tôi gặp. "Ngày hôm nay hai mẹ con cắt được 70kg gon, giá như hiện nay là được 700.000 nghìn đồng, chia cho hai mẹ con, tính ra mỗi người được 350.000 đồng. Có hôm thuận lợi hai mẹ con làm túc tắc cũng có thể đút túi nửa triệu bạc mỗi người. Thực ra phụ hồ hay đi biển khó kiếm được từng đó tiền trong một ngày nên phải tranh thủ thời điểm này để còn có đồng ra, đồng vô hay lo cho con học hành", anh Hùng cho hay.
Họ có thể là những người "mót" cói cuối cùng ở đây, bởi khi các dự án đã được quy hoạch và thu hồi đất để triển khai đi vào xây dựng, đồng nghĩa những thửa ruộng cói cũng biến mất. Không còn tự chủ được nguyên liệu cùng với thị trường ngày càng bị thu hẹp, nghề làm chiếu cói ở đây vốn đã rất khó duy trì nay đứng trước nguy cơ thất truyền.