Đối ngoại nâng tầm vị thế
Công tác đối ngoại đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực cho phát triển; đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước đến bạn bè quốc tế. Chính vì lẽ đó, đẩy mạnh công tác đối ngoại là nhiệm vụ đang được đặt ra cho từng địa phương, đơn vị, nhằm góp phần nâng cao uy tín, vị thế của tỉnh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân được xác định là “thế chân kiềng”; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Xuất phát từ yêu cầu đó, nhiều năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh công tác đối ngoại, ngoại giao trên tất cả các lĩnh vực. Điển hình phải kể đến việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế. Năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã ký kết 13 thỏa thuận quốc tế, bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự quy định tại Luật Thỏa thuận quốc tế và các quy định khác có liên quan; đồng thời, việc triển khai thực hiện thỏa thuận bảo đảm đúng cam kết, không xảy ra sự cố, tranh chấp giữa các bên. Năm 2023, dự kiến sẽ có 14 thỏa thuận quốc tế với các đối tác nước ngoài sẽ được ký kết (gồm 3 thỏa thuận cấp tỉnh, 3 thỏa thuận của các tổ chức cấp tỉnh, 8 thỏa thuận cấp sở, ngành, địa phương) trên các lĩnh vực như hợp tác chính quyền, đầu tư, quốc phòng - an ninh, giáo dục và đào tạo...
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cũng chủ động tổ chức các hoạt động đối ngoại bằng nhiều hình thức đa đạng, góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các địa phương trên thế giới. Cụ thể là đẩy mạnh quan hệ hợp tác với tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào (năm 1967), thành phố Seongnam, tỉnh Goyeonggi-do, Hàn Quốc (năm 2013); bang Mittelsachsen, CHLB Đức (năm 2013); tỉnh Farwaniyah, Cô-oét (năm 2018). Điển hình trong đó phải kể đến quan hệ hợp tác với tỉnh Hủa Phăn, Lào cả về chính trị, ngoại giao; đầu tư cơ sở hạ tầng và viện trợ; giáo dục, y tế, nông nghiệp, quốc phòng - an ninh và các nội dung hỗ trợ khác... Đặc biệt, năm 2022, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn đã phối hợp tổ chức thành công Tuần lễ văn hóa hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn, thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào và 55 năm ngày ký kết hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn...
Năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã ký kết 13 thỏa thuận quốc tế, bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự quy định tại Luật Thỏa thuận quốc tế và các quy định khác có liên quan...
Năm 2023, dự kiến sẽ có 14 thỏa thuận quốc tế với các đối tác nước ngoài sẽ được ký kết...
Trong công tác ngoại giao kinh tế, bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư ở nước ngoài, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kết nối cơ hội đầu tư kinh doanh với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài thông qua các hội nghị trực tiếp, trực tuyến do các bộ, ngành Trung ương tổ chức. Kết quả, năm 2022, công tác ngoại giao kinh tế của tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng, hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì mức tăng trưởng khá: tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 5.518,4 triệu USD; tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 9.272,8 triệu USD. Hàng hóa, dịch vụ của tỉnh Thanh Hóa đã có mặt tại nhiều thị trường “khó tính”, trong đó, một số thị trường có vai trò chủ đạo như các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan và một số thị trường mới, giàu tiềm năng như Mỹ và các nước châu Âu. Cùng với đó, việc thu hút các dự án đầu tư FDI, dự án ODA cũng đạt nhiều kết quả khả quan, khi năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI. Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ, du lịch cũng có bước chuyển đáng kể, khi tổng lượt khách du lịch đến Thanh Hóa năm 2022 đạt 11,01 triệu lượt.
Cùng với kinh tế, công tác đối ngoại văn hóa cũng đã và đang góp phần thực hiện tốt các mục tiêu đối ngoại, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh, văn hóa của tỉnh Thanh Hóa đến với bạn bè quốc tế. Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công nhiều sự kiện ngoại giao văn hóa lớn như: Hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc tại tỉnh Thanh Hóa; chương trình biểu diễn nghệ thuật, triển lãm ảnh, chiếu phim của Ấn Độ và ngày quốc tế Yoga lần thứ 8 tại tỉnh Thanh Hóa, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ; chương trình giao lưu nghệ thuật, thể thao, triển lãm ảnh về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào, hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào và 55 năm ngày ký kết hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn... Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực triển khai trình tự, thủ tục lập hồ sơ Di tích khảo cổ hang Con Moong đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Thanh Hóa có đường biên giới dài, giáp với tỉnh Hủa Phăn, do đó công tác biên giới lãnh thổ luôn được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Cụ thể, các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quốc phòng - an ninh, biên giới lãnh thổ. Phối hợp với tỉnh Hủa Phăn triển khai có hiệu quả nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Lào. Đồng thời, lực lượng chức năng hai tỉnh đã tăng cường phối hợp tổ chức tuần tra song phương 49 lượt/1.176 người tham gia bảo vệ biên giới; thực hiện tốt công tác nắm tình hình và trao đổi thông tin, tập trung vào hoạt động phỉ, phản động, lợi dụng dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”, di cư tự do, tuyên truyền đạo trái phép; mua bán, vận chuyển ma túy, tái trồng thuốc phiện và các hành vi vi phạm pháp luật khác...
Hàng hóa, dịch vụ của tỉnh Thanh Hóa đã có mặt tại nhiều thị trường “khó tính”, trong đó, một số thị trường có vai trò chủ đạo như các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan và một số thị trường mới, giàu tiềm năng như Mỹ và các nước châu Âu. Cùng với đó, ...Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI. Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ, du lịch cũng có bước chuyển đáng kể, khi tổng lượt khách du lịch đến Thanh Hóa năm 2022 đạt 11,01 triệu lượt.
Trên cơ sở những kết quả toàn diện đạt được, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác đối ngoại đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Thanh Hóa ở nước ngoài để triển khai các hoạt động đối ngoại, gắn với xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Tăng cường đấu mối, phối hợp, tham gia các đoàn công tác của Trung ương tại một số địa bàn trọng điểm để xúc tiến, vận động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn vào tỉnh Thanh Hóa.
Tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố có mối quan hệ truyền thống, các đại sứ quán, cơ quan, tổ chức quốc tế lớn. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận hợp tác Thanh Hóa - Hủa Phăn giai đoạn 2021-2025 và Thỏa thuận hợp tác năm 2023. Tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Thanh Hóa và thành phố Seongnam, tỉnh Goyeonggi-do (Hàn Quốc) để tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023-2025 và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ hợp tác hai bên. Duy trì hoạt động hợp tác với tỉnh Mittelsachsen, CHLB Đức và tỉnh Farwaniyah, Cô-oét; đồng thời, tiếp tục xúc tiến thiết lập, mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương đang giữ mối liên hệ với tỉnh Thanh Hóa như tỉnh Toyama, Nhật Bản; tỉnh Tula, Liên bang Nga. Tăng cường tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân kỷ niệm năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước lớn trên thế giới trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại Nhân dân, nhằm mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với các tỉnh, thành phố nước ngoài và thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó ưu tiên bảo hộ công dân, triển khai các biện pháp tổng thể hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào Thanh Hóa có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống và hội nhập vào nước sở tại; đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ kiều bào gìn giữ tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc; huy động các nguồn lực của kiều bào Thanh Hóa hướng về quê hương đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, làm cho đối tác, bạn bè quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng về tình hình trong nước và tỉnh Thanh Hóa, nhất là những vấn đề liên quan đến tiềm năng phát triển kinh tế, đối ngoại, văn hóa, du lịch... Qua đó, tiếp tục khẳng định tỉnh Thanh Hóa là điểm đến an toàn, hấp dẫn về môi trường và cơ hội đầu tư, nhằm thu hút đầu tư từ các đối tác truyền thống, cũng như các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/thoi-su/doi-ngoai-nang-tam-vi-the/26875.htm