Đối ngoại quốc phòng năm 2024: Nhiều nội dung hoàn thành tốt và xuất sắc
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng (HNQT và ĐNQP) năm 2024; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, tháng 12-2024, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá nhiều nội dung công tác HNQT và ĐNQP đã hoàn thành tốt và xuất sắc, điển hình là tổ chức thành công và đón nhiều đoàn khách quốc tế sang Việt Nam tham dự các sự kiện lớn của Quân đội.
Năm 2024, bám sát phương châm đối ngoại quốc phòng “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”, đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác HNQT và ĐNQP đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở đó, đã xử lý quan hệ quốc phòng với các nước, nhất là các nước lớn bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn, không để quan hệ quốc phòng với nước này làm ảnh hưởng đến quan hệ với nước kia; chủ động, tích cực triển khai các mặt hợp tác với nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt được kết quả toàn diện trên cả bình diện song phương và đa phương, tiếp tục khẳng định là một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
Hợp tác quốc phòng song phương thực chất, đối ngoại biên giới tiếp tục là điểm sáng
Năm 2024, quan hệ hợp tác quốc phòng song phương tiếp tục được củng cố, tăng cường, thúc đẩy, đạt hiệu quả thiết thực, nhất là với các nước láng giềng và các đối tác quan trọng; xử lý hài hòa, cân bằng quan hệ giữa các nước, góp phần xây dựng lòng tin, duy trì quan hệ hữu nghị với các nước, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
Trong đó, tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước láng giềng liền kề, góp phần tăng cường quan hệ quốc phòng gắn bó, đoàn kết, hữu nghị và tin cậy, đảm bảo vững chắc vành đai an ninh trực tiếp của đất nước. Quan hệ quốc phòng với với các nước lớn, các nước Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện tiếp tục được duy trì và thúc đẩy thông qua các chuyến thăm ở các cấp, nhất là đoàn cấp cao.
Đặc biệt, đối ngoại biên giới tiếp tục là điểm sáng, đạt hiệu quả cao, góp phần tăng cường quan hệ gắn bó, đoàn kết, hữu nghị và tin cậy với các nước có chung đường biên giới. Nổi bật là, phối hợp tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 8 (tháng 4-2024); Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 2 (tháng 10-2024); Giao lưu sĩ quan trẻ Bộ đội Biên phòng Việt Nam và cán bộ trẻ Cục Quản lý Di dân Quốc gia Trung Quốc (tháng 8-2024)…
Cùng với đó, các đơn vị của Quân khu, Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng Việt Nam và các đơn vị Quân đội Lào, Campuchia đã tổ chức đoàn sang thăm, chúc Tết lẫn nhau. Đồng thời, các lực lượng chức năng của Việt Nam thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý và bảo vệ biên giới của Lào, Campuchia, Trung Quốc tổ chức tuần tra chung, phối hợp giải quyết các vấn đề về biên giới, xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống tội phạm qua biên giới và kết nghĩa đồn, trạm, thôn, bản.
Với các nước ASEAN, tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như: Trao đổi đoàn, đào tạo, hợp tác quân, binh chủng, qua đó góp phần củng cố đoàn kết, gắn bó, đồng thuận trong Cộng đồng ASEAN; xây dựng lòng tin chính trị, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, thúc đẩy hợp tác khu vực trong các lĩnh vực khác.
Quan hệ với các nước bạn bè truyền thống tiếp tục được củng cố, thúc đẩy thông qua những hoạt động tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác và khẳng định tình cảm thủy chung, “trước sau như một” của Việt Nam.
Trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, cơ quan chức năng của Việt Nam đã phối hợp với phía USAID (Mỹ) bàn giao một phần diện tích đất đã được xử lý tại sân bay Biên Hòa cho Trung đoàn 935 sau khi đã tẩy rửa xong chất độc dioxin; khởi công Dự án “Hành động bom mìn vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” tại 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định và kiểm tra khu vực ô nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định. Việt Nam và Mỹ tiếp tục phối hợp tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA) theo kế hoạch đã đề ra.
Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Quân đội tiếp tục được đẩy mạnh, hiệu quả, nhiều dự án còn làm tốt nhiệm vụ chính trị, trở thành hình mẫu cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước. Tiêu biểu có thể kể đến như Thương hiệu Unitel, liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lao Asia Telecom thuộc Bộ Quốc phòng Lào.
Đối ngoại quốc phòng đa phương được triển khai hiệu quả
Đối ngoại quốc phòng đa phương tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần củng cố đoàn kết, gắn bó, đồng thuận trong Cộng đồng ASEAN; xây dựng lòng tin chính trị, tranh thủ sự ủng hộ của các nước; thúc đẩy hợp tác khu vực trong các lĩnh vực khác; nắm bắt quan điểm của các nước và bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương lớn.
Trong năm 2024, Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn, hội nghị đa phương quan trọng, như: Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tại Lào; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và các Hội nghị quân sự - quốc phòng tại Lào; Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 tại Singapore, Hội nghị Thứ trưởng Quốc phòng ASEAN - Nhật Bản lần thứ 13; Hội nghị nhóm làm việc ADSOM và ADSOM+ tại Lào; Hội nghị Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố các bên về Ứng xử trên Biển Đông (JWG-DOC) lần thứ 42 và 43 tại Indonesia và Thái Lan… Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã đồng chủ trì Đối thoại Chính sách/Chiến lược quốc phòng với 11 nước.
Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tiếp tục được triển khai hiệu quả. Theo đó, Việt Nam đã triển khai 21 sĩ quan luân phiên, thay thế đi thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Khu vực Abyei; duy trì triển khai 2 sĩ quan tại Phái bộ huấn luyện của EU ở Cộng hòa Trung Phi; triển khai Đội Công binh số 3 (184 người) và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 (63 người) đi làm nhiệm vụ tại phái bộ Nam Sudan.
Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đã tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, thu hút sự tham gia của 66 đoàn khách quốc tế/39 nước và 242 tập đoàn, doanh nghiệp quốc phòng các nước tham dự. Trong khuôn khổ triển lãm, các doanh nghiệp Quân đội đã tận dụng tốt cơ hội để trao đổi, làm việc với các công ty, doanh nghiệp nước ngoài. 1.872 cuộc tiếp xúc, làm việc song phương đã được tổ chức để giới thiệu sản phẩm, trao đổi về lĩnh vực quan tâm. Một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng đã được các bên thảo luận; công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã nhận được nhiều đơn hàng của các đối tác nước ngoài về những sản phẩm như: Súng bộ binh; đạn con, đạn cối, đạn pháo; các loại tàu kinh tế; thuốc phóng - thuốc nổ dùng trong lĩnh vực quốc phòng và dân sự; các sản phẩm kinh tế khác... Nhiều hợp đồng đã được ký kết với tổng giá trị hơn 286 triệu USD.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang phấn khởi, vững tin trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều này cũng đặt ra những yêu cầu mới cho lĩnh vực đối ngoại nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng. Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, năm 2025 các cơ quan, đơn vị toàn quân cần tiếp tục đổi mới, nâng cao tính chủ động và nhạy bén cũng như hiệu quả thực chất trong triển khai công tác HNQT và ĐNQP, cả song phương và đa phương; chủ động chuẩn bị và triển khai thực hiện tốt các hoạt động ĐNQP nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến HNQT và ĐNQP; tiếp tục phát huy hiệu quả và đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đối ngoại…