Đối ngoại và hợp tác quốc tế đưa VQG thành địa danh được biết đến trên khắp thế giới
Kết quả của sự hợp tác quốc tế và phối hợp nghiên cứu đã góp phần đưa VQG trở thành địa danh được biết đến trên khắp thế giới không chỉ vì các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ với nhiều hang động đẹp nổi tiếng mà còn biết đến bởi sự đa dạng và độc đáo với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu.
Trong lĩnh vực thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế, 20 năm qua, BQL Vườn đã tham mưu cho UBND tỉnh và kêu gọi hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện thành công 24 chương trình/ dự án quốc tế trên nhiều lĩnh vực; tham gia 17 kỳ họp thường niên của Ủy ban Di sản thế giới; 21 diễn đàn quốc tế, các hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài về bảo tồn Di sản; ngoài ra, phối hợp tạo điều kiện cho hàng chục đoàn làm phim, nhiếp ảnh, báo chí nước ngoài đến hoạt động, quảng bá tại VQG với hơn 567 lượt. Một trong những thành công tạo điểm nhấn phải kể đến đó là sự kiện hãng truyền hình ABC News của Mỹ thực hiện chương trình Good Morning America phát sóng trực tiếp từ hang Én và Sơn Đòng vào ngày 13/5/2015; Bộ phim King Kong lấy một số bối cảnh của hình ảnh VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (2016); Đoàn đại sứ 6 nước tham quan hang Sơn Đoòng vào tháng 5/2016... đã tạo tiếng vang mới cho Phong Nha - Kẻ Bàng.
Năm 2008 để kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin, BQL Vườn đã thành lập trang Website điện tử của VQG với địa chỉ: www.phongnhakebang.vn; các năm sau đó trang Website được nâng cấp và đồng thời thành lập Website của các đơn vị trực thuộc với nhiều thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời; đã biên tập trên 1.573 tin/bài, 109 video/clip quảng bá; đến nay đã có 5.049,032 lượt truy cập, 215 thành viên tham gia, 14.500.000 kết quả khi tìm kiếm trên Google.
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, kết quả của sự hợp tác và phối hợp nghiên cứu đã góp phần đưa VQG trở thành địa danh được biết đến trên khắp thế giới không chỉ vì các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ với nhiều hang động đẹp nổi tiếng mà còn biết đến bởi sự đa dạng và độc đáo với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu.
Việc thực hiện Công ước quốc tế 1972 và các Nghị quyết của Ủy ban Di sản thế giới được xác định là một trong những yếu tố quan trọng cho việc thực hiện đúng những cam kết đối với thế giới trong việc bảo tồn di sản, đồng thời xác định đúng hướng phát triển cho di sản. 20 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BQL Vườn luôn thực hiện nghiêm túc các nội nội dung theo Công ước, Nghị quyết của Ủy ban Di sản thế giới; chủ động xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, quy chế quản lý dựa trên Công ước quốc tế và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam; chú trọng tổ chức việc quản lý, giám sát các hoạt động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; triển khai thực hiện nghiêm túc những khuyến nghị của UNESCO tại các kỳ họp (đặc biệt là các khuyến nghị tại các kỳ họp 41, 43 về dự án cáp treo và các dự án cơ sở hạ tầng trong phạm vi VQG; tăng cường các hoạt động thực thi pháp luật và giám sát động vật hoang dã nhằm ngăn chặn sự suy giảm đáng kể quần thể các loài thú lớn cũng như các loài săn mồi tại VQG; giám sát, tăng cường các biện pháp diệt trừ đối với sự xâm lấn của các loài ngoại lai; quản lý theo sức chứa các hang động du lịch...). BQL Vườn luôn kịp thời thông tin, báo cáo trả lời những yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới về những tác động liên quan đến việc bảo tồn di sản.
Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, ông Phạm Hồng Thái cho biết, BQL Vườn đã đề ra một số giải pháp, định hướng thực hiện trong thời gian tới nhằm phát huy có hiệu quả hơn nữa đối với lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn và hợp tác quốc tế, cụ thể như sau:
Đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ thông tin gắn với công tác quản lý tài nguyên; ứng dụng các giải pháp quan trắc và giám sát diễn biến rừng qua hệ thống GIS và RS, quản lý nền tảng dữ liệu tài nguyên VQG. Tăng cường công tác cứu hộ, bảo tồn các loài thực vật, động vật hoang dã trên địa bàn VQG, thực hiện bảo tồn ngoại vi quần thể Hổ, xã hội hóa nguồn lực bảo tồn Di sản...
Đồng thời, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, các Bộ ngành Trung ương, sự hỗ trợ và đồng thuận của nhà khoa học, các tổ chức quốc tế để xây dựng hồ sơ di sản lần thứ ba theo tiêu chí cảnh quan thiên nhiên, phấn đấu đưa VQG Phong Nha-Kẻ Bàng là di sản đầu tiên đạt 4/4 tiêu chí về Di sản thiên nhiên thế giới, hoàn thiện các nội dung hồ sơ Danh lục Xanh (GREEN LIST) của IUCN.
Tăng cường công tác hợp tác quốc tế; xây dựng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhằm không ngừng trao đổi thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo tồn và phát triển; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công ước quốc tế về Di sản và Đa dạng sinh học, Nghị quyết của Ủy ban Di sản thế giới và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam; triển khai thực hiện nghiêm túc những khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới; luônkịp thời tham mưu UBND tỉnh thông tin, báo cáo đầy đủ các yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới về những hoạt động liên quan đến việc bảo tồn di sản.