Đội ngũ hộ sinh đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh

Người hộ sinh đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm sức khỏe và sự an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Họ không chỉ là người đỡ đẻ, mà còn là điểm tựa tinh thần, là người bạn đồng hành đáng tin cậy trong suốt hành trình làm mẹ của sản phụ.

Hiểu thế nào về hộ sinh?

Hộ sinh là một trong những ngành nghề y tế có vai trò quan trọng trong chăm sức khỏe sinh sản.

Nhiệm vụ của nữ hộ sinh được quy định Tại Mục 67 Phần II Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định 1895/1997/QĐ-BYT có quy định về chức năng nhiệm vụ của nữ hộ sinh, cụ thể:

Nữ hộ sinh thực hiện tiếp nhận, hướng dẫn sản phụ hoặc người bệnh đến khám bệnh, điều trị theo đúng quy chế chăm sóc của cơ sở y tế.

Thực hiện thăm khám thai, đồng thời chuẩn bị đầy đủ dụng cụ đỡ đẻ, theo dõi chuyển dạ trước khi sản phụ sinh, ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo cáo bác sĩ chuyên khoa để được xử lý nhanh chóng, kịp thời.

Tham gia phụ bác sĩ thực hiện những ca sinh khó của sản phụ.

Nữ hộ sinh trung cấp thực hiện kỹ thuật chăm sóc sản phụ, người bệnh; bảo quản các trang thiết bị y tế chuyên khoa theo sự phân công hoặc sau khi vận hành.

Cử nhân nữ hộ sinh thực hiện những kỹ thuật chăm sóc phức tạp khi nữ hộ sinh trung cấp không thực hiện được.

Thực hiện theo đúng y lệnh của bác sĩ điều trị, đồng thời cần theo dõi tình trạng sản phụ và trẻ sơ sinh, ghi đầy đủ thông tin vào phiếu theo dõi, phiếu chăm sóc, báo cáo bác sĩ ngay khi xảy ra những tình huống bất thường.

Nhận và bàn giao tình trạng sản phụ, người bệnh, thuốc, công việc, tài sản đầy đủ với kíp thường trực trước và sau.

Bảo quản tài sản, thuốc và các thiết bị y tế, hồ sơ bệnh án; vệ sinh buồng bệnh và buồng thủ thuật trong phạm vi được phân công.

Nữ hộ sinh thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cho các sản phụ và người bệnh tại khoa.

Hộ sinh là một trong những ngành nghề y tế có vai trò quan trọng trong chăm sức khỏe sinh sản. Ảnh: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai

Hộ sinh là một trong những ngành nghề y tế có vai trò quan trọng trong chăm sức khỏe sinh sản. Ảnh: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai

Gần 25.000 nữ hộ sinh đang lặng thầm cống hiến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh tại Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Y tế, vào ngày 5/5 hằng năm, cộng đồng quốc tế cùng nhau kỷ niệm Ngày Quốc tế Hộ sinh, nhằm tôn vinh những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng to lớn của đội ngũ hộ sinh trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, bà mẹ và trẻ em.

Năm 2025, với chủ đề "Vai trò quan trọng sống còn của Hộ sinh trong thiên tai, thảm họa", Ngày Quốc tế Hộ sinh nhấn mạnh vị thế không thể thay thế của đội ngũ hộ sinh trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những cuộc khủng hoảng chưa từng có – từ biến đổi khí hậu, thiên tai đến xung đột và các tình trạng khẩn cấp nhân đạo.

Được khởi xướng từ năm 1992 bởi Liên đoàn Hộ sinh Quốc tế (ICM), ngày này đã trở thành dịp để nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò thiết yếu của nghề hộ sinh trong hệ thống y tế và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ sơ sinh.

Bộ Y tế cho biết theo nghiên cứu về thực trạng nhân lực các chức danh y tế, tính đến tháng 10/2024, cả nước có 24.983 hộ sinh đang làm việc tại các cơ sở dịch vụ công lập trên toàn quốc. Đây là lực lượng nòng cốt trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Với đặc thù thường xuyên xảy ra bão, lũ, hạn hán và sạt lở đất, đội ngũ hộ sinh nước ta không chỉ đảm nhiệm công việc chuyên môn trong điều kiện thuận lợi, mà còn kiên trì bám trụ khi hệ thống y tế bị gián đoạn do thiên tai.

Các hộ sinh đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo sinh nở an toàn, phát hiện và xử trí kịp thời biến chứng thai kỳ, tư vấn tâm lý và duy trì dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cộng đồng.

Hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ và sinh nở là vai trò cốt lõi nhất của người hộ sinh. Ảnh minh họa: Vĩnh Long Online

Hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ và sinh nở là vai trò cốt lõi nhất của người hộ sinh. Ảnh minh họa: Vĩnh Long Online

Vai trò của nữ hộ sinh trong hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh vùng cao

Tổ chức Y tế thế giới WHO đã đưa ra đánh giá về tầm quan trọng ngành hộ sinh: Dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho sản phụ từ các nữ hộ sinh cung cấp là một trong những dịch vụ trụ cột của hệ thống y tế dù là ở bất cứ quốc gia nào. Vai trò của những nữ hộ sinh là chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé, đồng thời bảo vệ sức khỏe thai phụ được an toàn, mạnh khỏe.

Có thể thấy rằng nữ hộ sinh sẽ đóng vai trò quan trọng không thể thiếu đối với các cơ sở y tế, thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định ngành nghề. Nhiệm vụ của nữ hộ sinh tại trạm y tế hay các cơ sở y tế tuyến xã, nơi cơ sở vật chất còn chưa hoàn thiện thì vai trò của họ đặc biệt quan trọng hơn. Người hộ sinh có thể trở thành bác sĩ trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ và đảm bảo an toàn cho sản phụ trong quá trình sinh nở.

Ở giai đoạn chăm sóc trước sinh (khám thai), người hộ sinh thực hiện việc khám thai định kỳ, theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, phát hiện sớm các nguy cơ hoặc biến chứng. Họ tư vấn về dinh dưỡng, lối sống lành mạnh, chuẩn bị tâm lý cho quá trình sinh nở và giáo dục về các dấu hiệu nguy hiểm cần lưu ý.

Hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ và sinh nở là vai trò cốt lõi nhất của người hộ sinh. Họ theo dõi sát sao quá trình chuyển dạ, hỗ trợ sản phụ vượt qua cơn đau, động viên và hướng dẫn cách rặn đẻ đúng cách. Người hộ sinh có trách nhiệm thực hiện các thủ thuật cần thiết trong quá trình sinh như: Đỡ đẻ thường, cắt tầng sinh môn (nếu cần), khâu vết rách và xử trí các tình huống cấp cứu ban đầu. Khả năng nhận biết và xử lý kịp thời các biến chứng sản khoa là yếu tố then chốt giúp cứu sống mẹ và bé.

Sau khi sinh, người hộ sinh tiếp tục theo dõi sức khỏe của sản phụ, kiểm tra tình trạng tử cung, sản dịch, vết khâu và tư vấn về dinh dưỡng, vệ sinh, cách cho con bú. Đối với trẻ sơ sinh, họ thực hiện các biện pháp chăm sóc ban đầu như cắt dây rốn, ủ ấm, theo dõi nhịp thở, tim thai, sàng lọc các dị tật bẩm sinh ban đầu; hướng dẫn sản phụ cách chăm sóc trẻ sơ sinh, nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của bé.

Ngoài việc chăm sóc trực tiếp, người hộ sinh còn là những người tư vấn đáng tin cậy về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, các biện pháp tránh thai và tư vấn về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, những kiến thức thiết yếu nhưng đôi khi bị bỏ sót. Điều này góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe sinh sản và giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng, với đặc thù địa hình đồi núi phức tạp, giao thông đi lại còn nhiều hạn chế và tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, vai trò của người hộ sinh càng được khẳng định rõ nét.

Toàn tỉnh Cao Bằng có hơn 1.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên và nữ hộ sinh đang làm việc tại các bệnh viện và cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Về tổ chức xã hội nghề nghiệp, do địa phương không có Hội Nữ hộ sinh của tỉnh nên nhiều hộ sinh tại Cao Bằng đã đăng ký tham gia sinh hoạt cùng Hội Điều dưỡng tỉnh để có cơ hội giao lưu chuyên môn, cập nhật kiến thức và nâng cao tay nghề.

Trong bối cảnh thiên tai, thảm họa hoặc dịch bệnh, khi hệ thống y tế có nguy cơ quá tải hoặc bị gián đoạn, vai trò của người hộ sinh lại càng trở nên nổi bật. Nhất là tại các địa phương vùng sâu vùng xa như Cao Bằng, nơi còn nhiều xóm, bản có địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, người hộ sinh tại các trạm y tế xã có thể là nhân lực y tế duy nhất còn trụ lại tuyến đầu trong những thời điểm khẩn cấp.

Họ không chỉ hỗ trợ sinh nở trong điều kiện thiếu thốn về trang thiết bị, mà còn đảm nhận việc sơ cứu, cấp cứu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, xử trí các tình huống nguy cấp bằng kinh nghiệm thực tế và tinh thần chủ động. Trong đại dịch COVID-19, đội ngũ hộ sinh không chỉ tiếp tục công việc chuyên môn mà còn kiêm nhiệm giám sát phòng dịch, hướng dẫn sản phụ tự chăm sóc sức khỏe tại nhà…

Hộ sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, đặc biệt với phụ nữ mang thai, nhóm đối tượng dễ tổn thương nhưng thường ít chủ động tiếp cận thông tin. Nhờ sự tận tâm và linh hoạt, người hộ sinh góp phần duy trì liên tục các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, trẻ sơ sinh ngay cả trong điều kiện khó khăn nhất.

Nữ hộ sinh không chỉ hỗ trợ sinh nở trong điều kiện thiếu thốn về trang thiết bị, mà còn đảm nhận việc sơ cứu, cấp cứu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, xử trí các tình huống nguy cấp bằng kinh nghiệm thực tế và tinh thần chủ động. Ảnh: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai

Nữ hộ sinh không chỉ hỗ trợ sinh nở trong điều kiện thiếu thốn về trang thiết bị, mà còn đảm nhận việc sơ cứu, cấp cứu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, xử trí các tình huống nguy cấp bằng kinh nghiệm thực tế và tinh thần chủ động. Ảnh: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai

Trong nỗ lực xây dựng hệ thống y tế cơ sở vững mạnh, giảm thiểu tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, Sở Y tế Cao Bằng xác định hộ sinh là lực lượng nòng cốt trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, bà mẹ và trẻ em. Ngành Y tế tỉnh luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ hộ sinh cũng như điều dưỡng và kỹ thuật viên.

Ngoài công tác đào tạo chuyên môn, ngành Y tế tỉnh cũng chú trọng bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, đạo đức nghề nghiệp và hỗ trợ tâm lý cho lực lượng hộ sinh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân.

Chị Hà Thị Thuẫn (xã Quảng Uyên, Cao Bằng) chia sẻ: "Cả hai bé nhà tôi đều sinh tại BVĐK huyện Quảng Hòa. Trong quá trình từ lúc đi khám thai, sinh đẻ và chăm sóc sau sinh, các nữ hộ sinh đều rất tận tâm và chu đáo. Các chị hướng dẫn đầy đủ từ chế độ dinh dưỡng đến cường độ vận động, nghỉ ngơi hợp lý để tôi có một thai kỳ khỏe mạnh và đón con chào đời thuận lợi. Đặc biệt, sau sinh, các chị còn hướng dẫn kỹ lưỡng cách chăm con, vệ sinh, theo dõi sức khỏe và cả cách chăm sóc bản thân, điều mà tôi thật sự trân trọng. Với tôi, các nữ hộ sinh không chỉ là nhân viên y tế mà còn như những người đồng hành đầy yêu thương trong hành trình làm mẹ".

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, nữ hộ sinh chị Nguyễn Thị Thu Thủy - Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) cho hay, nữ hộ sinh không chỉ là người có sự linh hoạt trong công việc mà phải là người giỏi tay nghề. Khi các thai phụ vào nhập viện, nữ hộ sinh phải nhanh chóng khai thác được tiền sử bệnh của thai phụ, trong phòng sinh phải chăm sóc, theo dõi thai phụ từ tim thai, sức khỏe, tự đánh giá cuộc chuyển dạ này có bình thường hay bất thường như tiền sản giật, dọa vỡ tử cung hay không để chuẩn bị các phương án xử lý... Khi sản phụ bắt đầu "vượt cạn" các nữ hộ sinh phải theo dõi rất sát sao vì chỉ cần lơ là trong theo dõi chuyển dạ, thai phụ có thể bị suy tim thai hoặc tai biến, rau thai quấn cổ mà không biết. Nếu không phát hiện sớm, can thiệp kịp thời thì em bé sinh ra có thể bị ngạt, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.

"Trong quá trình "vượt cạn", để thai phụ đỡ sợ và lo lắng, chúng tôi thường động viên, cỗ vũ họ cố gắng thực hiện theo hướng dẫn và hợp tác tốt hơn trong quá trình chuyển dạ. Khi nhìn thấy em bé chào đời khỏe mạnh, sức khỏe sản phụ ổn định, đó là niềm vui rất lớn của chúng tôi", chị Thủy nói.

L.Vũ (t/h)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/do-ngu-ho-sinh-dong-vai-tro-quan-trong-trong-cham-soc-suc-khoe-ba-me-va-tre-so-sinh-169250709170506429.htm