Đội ngũ trí thức hiến kế để 'đầu tàu' TP Hồ Chí Minh bứt phá

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, dù thành phố vẫn duy trì được các mục tiêu tăng trưởng và vị thế 'đầu tàu' cả nước, nhưng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng để tháo gỡ, quyết liệt giải quyết từng bước, từng việc trọng tâm, cụ thể. Vì thế, chương trình hành động của thành phố sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, để xây dựng đội ngũ trí thức đủ về số lượng và mạnh về chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện thành phố…

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ thông tin trên tại Hội nghị gặp gỡ trí thức năm 2024 do TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/12. Sự kiện thu hút gần 300 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ và chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực tiêu biểu trên địa bàn thành phố.

Hội nghị gặp gỡ trí thức năm 2024 có sự tham dự của gần 300 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ và chuyên gia.

Hội nghị gặp gỡ trí thức năm 2024 có sự tham dự của gần 300 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ và chuyên gia.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến, đề xuất, hiến kế của các đại biểu trí thức trên các lĩnh vực đã được nêu ra. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, trí thức kiều bào tiêu biểu cho rằng, đã đến lúc TP Hồ Chí Minh cần trực tiếp và tích cực vận động, thu hút, sử dụng người tài cho giai đoạn bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình dân tộc.

GS.TS Đặng Lương Mô, Giáo sư Danh dự Đại học Hosei, Tokyo (Nhật Bản), cố vấn Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chỉ ra các "điểm nghẽn" đang cản trở phát triển. Theo GS.TS Đặng Lương Mô, có 80% kiều bào hiện đang sinh sống ở các nước tiên tiến về khoa học công nghệ, về phát triển công nghiệp, đây là nguồn lực to lớn và quý giá.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

Hai năm sau khi Nghị quyết 36-NQ/TW ra đời, GS.TS Đặng Lương Mô tham gia đề xuất thành lập Câu lạc bộ Khoa học Kỹ thuật Việt kiều nhằm làm cầu nối giữa các nhà khoa học kỹ thuật Việt kiều trên khắp thế giới với các tổ chức khoa học kỹ thuật và giáo dục đại học trong nước.

Từ hoạt động của câu lạc bộ này là cơ sở để TP Hồ Chí Minh thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều đầu ngành trên nhiều lĩnh vực về nước cống hiến. Thành phố đã trao cơ chế để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC), trực thuộc Khu Công nghệ phần mềm của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

GS.TS Đặng Lương Mô cho biết, trải qua những khó khăn ban đầu, ICDREC đã thiết kế được những con chip đầu tiên của Việt Nam, ghi tên Việt Nam lên bản đồ vi mạch thế giới, một nhân tố quan trọng trong sự ra đời của Chương trình phát triển công nghệ bán dẫn vi mạch của TP Hồ Chí Minh các giai đoạn về sau.

Tuy nhiên, GS.TS Đặng Lương Mô cho rằng, các thành quả phát triển khoa học công nghệ của thành phố đến nay còn chưa tương xứng với nội lực và vị thế của thành phố. Do đó, đã đến lúc Nhà nước cần trực tiếp và tích cực tham gia vào công tác vận động, thu hút, sử dụng tài năng Việt kiều.

Lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Hồ Chí Minh tặng hoa chúc mừng các trí thức tiêu biểu thành phố.

Lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Hồ Chí Minh tặng hoa chúc mừng các trí thức tiêu biểu thành phố.

GS.TS Võ Văn Sen (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy những góc khuất khác của đời sống kinh tế - xã hội ở thành phố. Kể từ năm 1991, thành phố bắt đầu xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất có sự tập trung lao động cao. Kéo theo đó là làn sóng di cư từ các địa phương đổ dồn về thành phố, gây nên áp lực lớn về cơ sở hạ tầng, về hệ thống giáo dục, y tế và nhà ở. Dù tập trung lao động rất lớn nhưng việc xây dựng các khu lưu trú, nhà ở cho công nhân tại thành phố hết sức hạn chế.

GS.TS Võ Văn Sen góp ý quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố hiện nay không chỉ đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền phải giải quyết các vấn đề về phát triển, tăng trưởng kinh tế, mà còn phải giải quyết nhiều bài toán đặt ra về mặt xã hội, nhất là giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ các nhóm yếu thế, xây dựng văn hóa đô thị...

Có thể nói, đội ngũ trí thức đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của TP Hồ Chí Minh. Thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các trí thức có thể sáng tạo, đóng góp và tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội của thành phố; cần đánh giá thường xuyên và điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ trí thức cống hiến và phát huy vai trò của mình trong sự phát triển chung của thành phố. Thành phố cũng cam kết sẽ luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến, đóng góp từ đội ngũ trí thức, từ đó hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các chính sách, giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, mục tiêu của chương trình hành động của thành phố mong muốn phát triển đội ngũ trí thức có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, gắn bó vững chắc giữa Đảng và chính quyền với trí thức; trí thức có vai trò quan trọng trong tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng vị thế "đầu tàu" cả nước đề ra, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho thành phố và đất nước.

Thay mặt lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã trân trọng ghi nhận và mong muốn tiếp nhận nhiều ý kiến góp ý, hiến kế của đại biểu trí thức cho sự phát triển chung của thành phố, nhất là các giải pháp để thành phố cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình dân tộc.

Phú Lữ

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/doi-ngu-tri-thuc-hien-ke-de-dau-tau-tp-ho-chi-minh-but-pha-i754169/