Đối phó thách thức hạt nhân Trung Quốc, Mỹ cần đầu tư mạnh vào tên lửa
Để thuyết phục Trung Quốc đồng ý với các thỏa thuận hạn chế hạt nhân, Mỹ cần đầu tư vào lực lượng tên lửa.
Trước đại dịch toàn cầu Covid-19, Tổng thống Donald Trump đã nói rõ ý định đưa cả Trung Quốc và Nga vào một thỏa thuận mới nhằm hạn chế các tên lửa hạt nhân tầm xa và liên lục địa.
Tuy nhiên, đứng trước lập trường lâu nay của Trung Quốc về việc từ chối tham gia các cuộc đàm phán giới hạn năng lực hạt nhân; duy trì ưu thế áp đảo khu vực hiện nay của quân đội nước này (PLA) về các hệ thống hạt nhân và có thể mang theo hạt nhân; và việc đầu tư rộng rãi vào các hệ thống hạt nhân liên lục địa mới và hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược mới, thì Washington cần nhận thấy rằng họ phải tăng cường ưu tiên phát triển năng lực hạt nhân chiến lược mới và đầu tư bổ sung vào hệ thống phòng thủ tên lửa để chống lại sức mạnh đang gia tăng này.
Trung Quốc hướng đến vị thế hạt nhân lớn mạnh
Theo The Diplomat, lí do cho điều trên là dễ hiểu khi Trung Quốc dường như đang hướng đến vị thế tương đương về hạt nhân, thậm chí có thể là ưu thế, so với Hoa Kỳ.
Dường như chính tốc độ phát triển năng lực tên lửa hạt nhân nhanh chóng của Trung Quốc đã thúc đẩy chính quyền Trump rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung 1987 (INF) với Nga. Lực lượng tên lửa của PLA (PLARF) hiện sở hữu tên lửa có khả năng tấn công mặt đất và chống hạm chính xác, tầm hoạt động 4.000 km như Dong Feng (DF) -26 và tầm bắn 2.000 km như DF-17, tên lửa có gắn thiết bị siêu thanh đầu tiên trên thế giới HGV.
Tuyên bố ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, Trung tướng Robert P. Ashleytại Viện Hudson nói rằng: Trong thập kỷ tới, Trung Quốc có thể tăng gấp đôi kích thước của kho dự trữ hạt nhân, có thể đạt tới khoảng 600 đầu đạn hạt nhân. Đây được một số nhà phân tích coi là một đánh giá quá cao nhưng cũng có thể là một sự đánh giá thấp khi xem xét sự đa dạng của các tên lửa liên lục địa mới hiện đang được triển khai hoặc đang phát triển.
PLARF có thể có ba lữ đoàn sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5 chạy bằng nhiên liệu lỏng (ICBM), có lẽ là hai lữ đoàn sở hữu tên lửa 3 đầu đạn DF-5B. Trong khi đó, tên lửa 10 đầu đạn DF-5C đang trong quá trình phát triển nhưng có thể thành công nhờ phiên bản DF-41, tên lửa 10 đầu đạn sử dụng nhiên liệu rắn. Một phiên bản cơ động của DF-41 có thể đã trang bị nhiều lữ đoàn và một phiên bản dựa trên đường sắt cũng đang được phát triển.
Trong khi đó, Hải quân PLA (PLAN) được cho là đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-3 có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân (SLBM). Và có thể vào giữa thập kỉ này, máy bay ném bom chiến lược Xian H-20 sẽ hoàn thành kế hoạch phát triển bộ ba chiến lược của PLA.
Giữa bối cảnh Trung Quốc tăng cường phát triển tên lửa, lực lượng hạt nhân và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang bị rơi vào tình trạng khó khăn, đáng chú ý là việc nước này nâng cấp các thiết bị đánh chặn mặt đất (GBI) để tiêu diệt các ICBM tấn công nếu chúng nắm vào Mỹ.
Chương trình tên lửa Mỹ rơi vào thế khó
Chương trình phát triển thiết bị đánh chặn ngoài tầng khí quyển – RKV – bản kế thừa từ EKV, đã phải giảm tốc vào năm 2019 do cắt giảm ngân sách. Thay vào đó, Lầu Năm Góc hướng đến phát triển Thiết bị đánh chặn thế hệ tiếp theo (NGI) để chống lại các mối đe dọa từ ICBM. Tuy nhiên, dự án này còn trong giai đoạn phát triển dài hơi và sẽ chưa thể vận hành ít nhất là đến năm 2026. Một số chuyên gia còn ước tính NGI có thể không hoạt động trong khoảng 12 năm – điều tạo ra một khoảng cách lớn về năng lực chiến lược. Do đó, Mỹ nên đầu tư ngay vào năng lực tên lửa để chống lại các mối đe dọa hiện tại từ Trung Quốc.
Việc tăng cường hỗ trợ cho các chương trình phòng thủ tên lửa và tên lửa chiến lược mang lại cho Mỹ các phương tiện hiệu quả nhất để ngăn chặn Trung Quốc. Việc phát triển các tên lửa tầm trung mới để phục vụ lực lượng lục quân và hải quân Mỹ, các tên lửa siêu thanh phóng từ trên không, tên lửa hành trình hạt nhân chiến thuật và pháo chiến lược tầm xa 1.000 dặm là cần thiết để đối trọng với Trung Quốc. Khi tính tới hợp tác phòng thủ tên lửa chiến lược, Mỹ cũng cần xem xét khả năng hợp tác "tấn công" tên lửa hạt nhân của Nga và Trung Quốc để từ đó đánh giá việc tăng cường hiện đại hóa bộ ba hạt nhân.
Bên cạnh đó, việc lấp đầy khoảng trống trong khi NGI đang được phát triển cũng là điều cần thiết. Các thiết bị đánh chặn như tên lửa SM-3 và SM-6 của Hải quân Mỹ, các hệ thống như Aegis trên tàu và Aegis ngoài khơi, và bản mở rộng của hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối THAAD là những ví dụ điển hình và hiệu quả về chi phí mà Mỹ có thể tiếp cận ngay lúc này để đối phó các mối đe dọa hiện tại, đồng thời đầu tư vào các công nghệ tiên tiến để đáp ứng với các nhu cầu quân sự ngày càng tăng.
Những cam kết như vậy là rất cần thiết để đối phó với sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc và là nền tảng để thuyết phục Bắc Kinh xem xét tham gia các thỏa thuận hạn chế hạt nhân có thể kiểm chứng được.