Đối phó tình trạng dân số già hóa tại các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 13-11, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố 'Báo cáo tổng hợp Kinh tế châu Á 2019-2020 (AEIR): Thay đổi nhân khẩu học, năng suất và vai trò của công nghệ'. Báo cáo chỉ ra rằng: Dân số già hóa có thể là một lợi ích đối với các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương nếu các chính phủ áp dụng chính sách công nghệ giúp cải thiện sức khỏe của người cao tuổi, tăng cường kỹ năng, mở rộng thời gian làm việc và hỗ trợ tìm việc làm phù hợp.
Theo đó, tuổi thọ trung bình người dân tại các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã tăng gần 7 năm, từ 57,2 lên 63,8 tuổi trong giai đoạn từ năm 1990 tới 2017. Trong bối cảnh đó, những quốc gia có tỷ lệ lão hóa nhanh và trình độ học vấn trên mức trung bình sẽ có lợi từ việc triển khai công nghệ tự động hóa và nâng cao năng suất lao động để bổ sung cho nguồn nhân lực.
Về tình hình kinh tế chung, báo cáo cho rằng, hợp tác kinh tế khu vực vẫn được duy trì mạnh mẽ ở châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra vùng đệm chống đỡ những tác động của căng thẳng thương mại toàn cầu. Trong đó, Đông Á và Đông Nam Á là những tiểu vùng hội nhập nhiều nhất với châu Á. Dự kiến, thương mại của châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm tốc hơn nữa trong năm 2019, giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.