Đời sống Chia sẻ với người trồng chè
Trong cuốn “Trà Kinh”, chuyên luận về thuật thưởng trà trong lịch sử và văn hóa phương đông, Vũ Thế Ngọc khai bút: “Người Việt ta dường như mở mắt chào đời đã thấy trà, uống trà trọn đời, cho đến khi chết vẫn còn được tẩm liệm bằng trà”. Ông dành một chương viết về trà Việt để tập trung các cứ liệu chứng minh rằng Việt Nam là quê hương của cây trà.
Người Việt uống trà đã ngót 4 ngàn năm. Bên Trung Quốc trà cũng đã xuất hiện hàng ngàn năm trước công nguyên. Nhưng đó là trà xanh, chè xanh nguyên chất, hoặc được sao theo kiểu thủ công; không phải là trà sản xuất theo công nghệ hiện đại. Ở Trung Quốc cuốn ký sự đầu tiên về trà được viết từ trước công nguyên. Thời nhà Đường có Lục Vũ được tôn bậc “trà thần”. Ông viết cuốn “Trà kinh” đúc kết, đánh giá một trình độ tinh vi về nghệ thuật uống trà của người Trung Quốc. Người Trung Quốc tự hào rằng họ đã dạy cho cả thế giới uống trà. Nhưng người Việt đã biết trồng trà trước người Trung Quốc và dạy cho người Trung Quốc uống trà. Tuy nhiên, kiểu uống trà của người Việt rất đơn giản.
Ở phương Tây khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII mới có trà xanh, do tàu buôn của người Hà Lan nhập về từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản. Thị trường châu Âu ngày càng lớn mà trà xanh do tàu buôn của người Hà Lan độc quyền nên không đáp ứng kịp và đủ nhu cầu. Các nhà buôn phương Tây nhận ra rằng, cách trồng chè trong những nương - vườn theo hộ gia đình và chế biến trà kiểu thủ công của người Trung Quốc đã không đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng. Hải trình dài cả nửa năm, tàu về đến châu Âu chất lượng trà bị giảm. Vì thế thương trường trà xanh làm nảy sinh một cuộc cách mạng về trồng chè và chế biến, bảo quản trà. Một công ty của Anh đã sản xuất được một loại trà từ giống trà của người Ấn Độ.
Tuy nhiên, những cánh đồng chè của Ấn Độ rộng mênh mông nên khi chuyển được hết lá chè hái trong ngày về đến xưởng sản xuất thì đã bị lên men; màu xanh của trà biến thành màu đen; lúc pha trà nước có màu đỏ và mùi vị khác hẳn với trà xanh. Trong khi các loại trà xanh được chế biến đơn giản và giữ được mọi phẩm chất quý giá của trà. Chè xanh hái xong được chế biến ngay trong ngày. Được sấy trên bếp nhỏ lửa để làm khô ngay tất cả các dược chất của trà, không để cho nó ứa ra. Trà xanh không ướp bất kỳ một loại thảo mộc, hương hoa nào khác. Vì thế nó giữ được hương vị và màu xanh của chè, giữ nguyên mùi vị của đất trời đã nuôi dưỡng nó.
Thiền sư người Nhật Bản Eisai nói rằng: “Hễ nơi nào có trồng trà thì ở đó người ta trường thọ”. Các cụ nhà ta ngày xưa cũng đã tổng kết: Dạ bán tam bôi tửu/ Bình minh sổ trán trà/ Nhật nhật cứ như thử/ Lương y bất đáo gia. Các nhà khoa học đông - tây đã có nhiều công trình nghiên cứu về tính năng, tác dụng của trà xanh và chứng minh được rằng, nếu như uống thường xuyên trà xanh thì loại trà này giúp cho con người có các khả năng: Tăng tuổi thọ; giảm bệnh tim và đột quỵ; tăng miễn dịch; ngăn chặn hình thành các tế bào ung thư; hạ thấp colesterol xấu trong máu; giảm đường trong máu; giảm huyết áp; kiềm chế tăng cân; tiêu diệt vi trùng, nấm và các loại vi khuẩn gây độc trong thức ăn; tiêu diệt các loại vi khuẩn ở miệng, răng làm hôi miệng và sâu răng; làm chậm quá trình lão hóa…
Trà xanh chứa nhiều thành tố có tác dụng tích cực đến sức khỏe. Uống trà xanh có thể giúp người ta sống khỏe mạnh và trường thọ. Nhưng trà xanh cũng có tác dụng phụ. Trà xanh có chứa vitamin K, loại vitamin có khả năng tạo ra các cục máu đông. Vì vậy những người đang dùng thuốc làm tan máu đông không nên uống nhiều trà xanh để đề phòng máu vón cục gây tắc nghẽn thành mạch máu. Uống trà xanh nóng có liên quan tới nguy cơ ung thư thực quản. Vì thế, chỉ nên uống trà ở nhiệt độ vừa phải và không nên uống quá nhiều. Phụ nữ uống trà xanh thường có tác dụng tốt hơn là nam giới do họ không hút thuốc lá. Các thành tố của thuốc lá đã làm giảm khả năng hấp thu những hoạt chất có lợi cho sức khỏe của trà xanh.
Anh Nguyễn Quốc Vọng là cựu học sinh Trường Hàm Nghi, Trường Quốc Học Huế. Anh tốt nghiệp tiến sĩ Nông nghiệp Sinh vật học Đại học Tokyo và làm việc ở Nhật trước khi cùng gia đình sang định cư ở Úc. Từ năm 2007, anh được mời về Việt Nam làm cố vấn “Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP”, đồng thời làm chuyên gia cho nhiều dự án khác. Năm 2019 anh làm tư vấn cho Dự án “Chè Shan bền vững ở các vùng miền núi Việt Nam”. Dự án kết thúc nhưng trước và sau dự án anh đã cất công về Việt Nam nhiều lần để đi thực tế, và đã hoàn thành công trình nghiên cứu về chè Shan của rừng Việt Nam, đặc sản của các tỉnh miền núi phía tây bắc.
Trong cuốn “Cây chè Shan rừng Việt Nam”, tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng cho biết, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu trà hàng đầu thế giới. Nhiều vùng nguyên liệu chè đã và đang tiếp tục hình thành, diện tích trồng chè cũng ngày càng tăng. Nhưng tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu doanh thu không được như mong muốn. Trong đó có lý do là chất lượng trà Việt Nam trước các đối thủ kỳ phùng. Gần đây sản lượng trà xuất khẩu có chững lại, tiêu thụ trong nước cũng không tăng trưởng. Tác giả có dẫn khá đầy đủ số liệu do Hiệp hội chè Việt Nam cung cấp. Các số liệu và thực trạng này đã lý giải vì sao ở nhiều vùng người trồng chè đã thanh lý vườn chè từ vài chục năm đến cả trăm năm tuổi để chuyển đổi những loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, dễ tiêu thụ hơn. Những cây chè cổ thụ có dáng đẹp thì được bán cho người chơi cây cảnh.
Ở Huế nhiều vùng gò đồi có trồng chè. Đặc biệt có “thương hiệu” chè Truồi và chè Tuần. Nhưng diện tích chè đang thu hẹp dần do người trồng cắt đi chợ bán lỗ công. Thương lái mua tại vườn thì giá quá rẻ. Ấy là vì Huế không có những cơ sở chế biến trà quy mô lớn để khai thác tiềm năng chè Tuần, chè Truồi, và những vùng chè nổi tiếng như Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị.
Là nhà khoa học, tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng tập trung nhiều hơn cho công việc phân tích đánh giá chất lượng trà Shan về cả hương vị và dược tính, đặc biệt là trà Shan tuyết chế biến từ loại chè cổ thụ sinh trưởng ở độ cao từ trên 700 mét đến trên 1.500 mét. Cây chè Shan tuyết mọc hoang thành rừng cổ thụ, và cũng trồng được bằng cách gieo hạt. Trà Shan tuyết có mùi vị đặc trưng của núi rừng. Nước trà hơi chát lúc mới uống nhưng sau đó có vị ngọt, nước thứ 3 là ngon nhất. Trà Shan tuyết pha được nhiều nước (người uống chè hay dùng từ lợi nước). Một lượng trà như nhau, trà Shan tuyết pha được 5-7 nước, trong khi các loại trà khác chỉ pha được 2 hoặc 3 nước. Tác giả cũng phân tích các tác dụng phụ của trà để khuyến cáo người uống trà cần lưu ý. Tiếp đó tác giả chỉ dẫn cách thức uống trà khoa học nhất như: Độ PH trong nước =7; nước pha trà nóng 80 độ; trà pha sau 5 phút mới uống, uống trà khi nước còn 60 độ là tốt nhất…
Bài, ảnh: Thanh Tùng
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chia-se-voi-nguoi-trong-che-a123010.html