Đời sống của vua 130 năm trước qua ghi chép của nhà thám hiểm Pháp

Dưới quan sát của Marcel Monnier, nhà vua sống giữa thái hậu, thái phi; công việc của ngài thì quá nhiều.

Trong những năm gần đây, nhờ những cuốn sách của các tác giả người Pháp viết về Việt Nam nói chung và kinh thành Huế nói riêng hàng trăm năm trước, được dịch, xuất bản. Bạn đọc hôm nay có thêm nguồn tư liệu để đi sâu khám phá về đời sống Hoàng cung triều Nguyễn qua cái nhìn từ bên ngoài.

Thêm một tư liệu về Hoàng cung Nguyễn

Chẳng hạn như qua tác phẩm Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX của Michel Đức Chaineau chúng ta biết được diện mạo của kinh thành Huế và các vùng lân cận, cũng như đời sống sinh hoạt từ hoàng cung đến chúng dân tại đây gần 200 năm trước.

 Sách Vòng quanh Châu Á - Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Ảnh: APB.

Sách Vòng quanh Châu Á - Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Ảnh: APB.

Qua cuốn sách, chúng ta cũng có thể hình dung một số nét về ngoại hình, tính cách của vua Gia Long cũng như không khí cung cấm bên trong Tử Cấm Thành - một vũ trụ chỉ toàn những cung phi, bên cạnh là các hoạn quan, những nàng hầu sống trong nhung lụa nhưng cũng thật rối rắm.

Hoặc qua tác phẩm Một chiến dịch Bắc Kỳ của bác sĩ quân y Pháp Charles-Édouard Hocquard, chúng ta biết được diện mạo kinh thành Huế thời vua Đồng Khánh, chuyện ăn Tết của vua quan triều Nguyễn xưa, bộ máy tổ chức ăn uống của nhà vua và đời sống của các hậu phi trong Tử Cấm Thành...

Và mới đây, với tư liệu lần đầu công bố là cuốn sách Vòng quanh Châu Á - Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ - Du ký xuất bản tại Paris năm 1899 - của tác giả Marcel Monnier, một nhà thám hiểm, một phóng viên, một nhiếp ảnh gia đồng thời là một nhà văn, chúng ta tiếp tục có những trang viết giàu thông tin về Hoàng cung Nguyễn dưới triều vua Thành Thái.

Trước hết, nói về tác phẩm, Vòng quanh Châu Á - Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ là tập 1 của bộ sách viết về hành trình du ký của Marcel Monnier đến với nhiều quốc gia tại châu Á. Bộ sách này tên là Vòng quanh Châu Á gồm 3 tập: Tập 1: “Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ”; Tập 2: “Đế chế Trung Hoa”; Tập 3: “Châu Á theo đường chéo - Từ Seoul đến Bagdad”. Chỉ riêng tập 1 xuất bản năm 1899, Marcel Monnier đã được Hàn Lâm Viện Pháp Quốc trao giải thưởng Marcelin Gúerin năm 1900.

Trong Vòng quanh Châu Á - Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, với những trang viết đậm chất du ký, Marcel Monnier đã làm sống dậy những năm tháng rất xa xưa của người Việt mà rất ít người ngày nay có thể hình dung được, khi ông lần lượt kể lại chuyến đi khám phá An Nam - một quốc gia vẫn còn lạ lẫm với nhiều người Pháp khi đó.

Và trong hành trình khám phá này, Marcel Monnier đã lần lượt đi từ Nam Kỳ tới Trung Kỳ lên Bắc Kỳ, ông tiếp xúc với nhiều thành phần, nhiều giới trong xã hội (từ vua - quan tới thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám) và không ngừng ghi lại những quan sát, nhận xét rất giá trị về cuộc sống, nét đẹp văn hóa, con người ở từng vùng miền.

 Sân chầu Điện Thái Hòa (ngày nay). Ảnh: Tim Doling.

Sân chầu Điện Thái Hòa (ngày nay). Ảnh: Tim Doling.

Cung điện và đời sống phi tần ở hậu cung

Khoảng giữa tháng 3 năm 1896, Marcel Monnier đặt chân đến Huế - kinh đô nước Nam và các vùng phụ cận. Trong thời gian lưu tại đây (đến tháng 5), ông có dịp khám phá kiến trúc hoàng gia (mà theo ông gồm cung điện của vua tại vị và lăng tẩm nơi an nghỉ của các vị vua tiền triều) và đời sống của vua ở tư cung (Điện Càn Thành), các phi tần ở hậu cung.

Marcel Monnier cho biết cung điện của nhà vua nằm bên trong Hoàng thành Huế - tòa thành được xây dựng vào cuối thế kỷ 18. Đó là một hình tứ giác rộng lớn, mỗi cạnh dài gần 3 cây số - có bờ thành, hào, bờ hào bao quanh.

Theo miêu tả của Monnier, lối vào cung điện là cổng lớn (Ngọ Môn), bên trên có hai tầng lầu, sân chính (Đại Triều Nghi), cuối sân là Điện Thái Hòa (điện đặt ngai vàng), với trụ bằng gỗ tếch sơn son thếp vàng. Đó là nơi vua thiết triều; vào những dịp đại lễ, chừng hai đến ba bốn lần mỗi năm, quan lại xếp hàng ngay ngắn trước điện, hành lễ với vua.

Qua sân chầu, là sân thứ hai hẹp hơn, rồi đến điện Cần Chánh và các phòng nhỏ liền kề được dùng làm phòng chờ cho các Thượng thư và thơ lại. Qua điện Cần Chánh là một bức tường bao hình tròn trổ hai cửa, có thái giám canh gác, rồi tới bức tường thứ hai và cuối cùng là một hành lang dài vây quanh, bảo vệ lối vào hậu cung. Ở trung tâm của hệ thống này là tư cung của vua (Điện Càn Thành) được ngăn cách với hậu cung bằng nhiều ao hồ rộng rãi.

Đề cập đến đời sống của các phi tần nơi đây, Marcel Monnier cho biết mỗi phi tần có một viện riêng, một khu vườn trang trí lộc bình và hòn non bộ, cơ ngơi nhỏ do hai cung nữ đứng tuổi trông coi.

Phi tần chỉ được vào tẩm điện của vua khi có lệnh của ngài. Khi đó, thái giám chuyên trách truyền lệnh theo cách sau: ở lối vào hậu cung dựng một cái chòi, trong chòi treo khung chứa thẻ bài bằng ngọc khắc tên các phi tần. Thái giám im lặng lật một thẻ bài, và nhóm cung nữ lập tức đi tìm người được chọn. Phi tần nọ được tắm rửa, xức dầu thơm, quấn lụa vàng, rồi được đưa đến chỗ vua. Việc này được trưởng nhóm thái giám ghi chép vào sổ, chi tiết đến ngày giờ.

 Tranh Đại Nam Hoàng đế sắc tại vị (Hoàng đế nước Nam với đại triều phục). Nguồn: sách Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.

Tranh Đại Nam Hoàng đế sắc tại vị (Hoàng đế nước Nam với đại triều phục). Nguồn: sách Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.

Thời gian biểu của nhà vua

Đề cập đến cuộc sống của nhà vua tại vị, Monnier cho rằng nhà vua có cuộc sống hoàn toàn đơn điệu. Công việc của ngài thì quá nhiều, nhưng thời gian biểu lại sắp xếp một cách máy móc, ngày nào cũng như vậy, cùng một giờ vẫn những khuôn mặt ấy, cùng những cuốn sách khó đọc.

Theo thời gian biểu này, nhà vua thức dậy ngay khi bình minh ló rạng vào cuối canh năm. Cung nữ hầu vua sẽ mặc quần áo cho ngài. Nhà vua dùng bữa ăn nhẹ rồi sang phòng làm việc, nơi các giảng quan đang đợi. Tại đây, họ tra cứu các cuốn sách khó của các tác giả kinh điển, Mạnh Tử, Lão Tử, Trình Di và làm thơ.

Sau đó, nhà vua trở về phòng, nghỉ giải lao 30 phút. Từ 7h30 - 9h, các giảng quan bình luận về Kinh Dịch và Kinh Lễ. Từ 9 đến 10h, là bữa ăn trưa theo kiểu An Nam. Tuy nhiên, trên thực đơn luôn có món ăn Pháp. Vua ăn một loại gạo đặc biệt, gọi là lúa ngự, được lựa từng hạt. Vua dùng đũa được làm từ một loại tre đặc biệt được chặt vào dịp Lễ Nghinh Xuân.

Sau bữa trưa, vua về phòng nghỉ ngơi trong khoảng một giờ. Từ 2 đến 3h (chiều), vua học chữ Hán, từ 3 đến 5h học luật và lễ nghi, và cứ hai ngày lại thay bằng một bài học tiếng Pháp. Từ 5-6h, vua tập luyện thể thao, phi ngựa tại trường luyện ngựa hoặc trong vườn. Sau đó ăn tối và 8h đi ngủ.

Ba ngày một lần, chương trình lại được Hội đồng Thượng thư tăng cường thêm và năm ngày một lần, vua tới thăm các thái hậu và thái phi. Khi đến thăm thái hậu, nhà vua cũng phải đi chân đất và quỳ gối để thưa chuyện.

Sống giữa phi tần, giảng quan, thái hậu, thái phi, nhà vua cảm thấy dài đằng đẵng, khao khát được hòa mình với thiên nhiên và được tự do.

Không dừng lại ở đó, cuộc sống của nhà vua còn được Monnier cho rằng mỗi năm vua chỉ được ra ngoài ba bốn lần, không nhiều hơn, thường vào các dịp Lễ Nghinh xuân, Lễ tịch điền, Lễ thăm viếng lăng mộ các vị vua tiền triều mang tính bắt buộc… Và mỗi chuyến đi như vậy đã trở thành niềm vui mà vua mong chờ từ lâu và vua đếm từng ngày không khác gì một cậu học sinh khi kỳ nghỉ đến gần.

Tóm lại, qua những ghi chép của Marcel Monnier, dù đôi chỗ mang thiên kiến chủ quan của tác giả, nhưng với việc phản ánh những điều mắt thấy, tai nghe một cách cởi mở theo phong cách của người phương Tây, chúng ta có thêm nguồn tài liệu để đi sâu khám phá về đời sống Hoàng cung triều Nguyễn.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/doi-song-cua-vua-130-nam-truoc-qua-ghi-chep-cua-nha-tham-hiem-phap-post1494076.html