Đời sống Đời sống Người đàn ông tâm nguyện 100 lần hiến máu
Bất kể đêm ngày, bất kể nắng mưa, cứ có tiếng chuông điện thoại reo vang, 'hiệp sĩ' Văn Sinh lại cùng các 'chiến hữu' lên đường.
Hiệp sĩ… sợ kim
Nhớ lại những lần hiến máu, anh Văn Sinh (thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) kể: “Mình hiến máu trong các chiến dịch là 54 lần. Ngoài ra, lúc cần kíp, hình như mình hiến cũng được 9 lần”.
Lần đầu tiên anh Sinh biết đến hiến máu là vào năm 1997, đây là năm đầu anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn Tân Xuân Lai. Nhớ lại dấu mốc ấy, anh cười nói: “Thú thật rất là hồi hộp. Cũng vào lúc đó mình biết nhóm máu O của mình có thể cho tất cả các nhóm máu khác…”.
Anh Sinh rất sợ kim, cứ thấy kim tiêm là mặt mày tái xám. Thế mà mỗi đợt hiến máu, những lúc khẩn cấp, người đàn ông 47 tuổi vẫn luôn có mặt. "Chỉ cần ngoảnh mặt đi chỗ khác, cố gắng không để ý là được”, anh Sinh "bật mí".
“Nhiều lần đi chăm sóc người thân, thăm người thân đau ốm tại bệnh viện, mình mới thấy giá trị, ý nghĩa của câu nói “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Thế là từ đó, mình luôn tâm niệm, ước muốn hiến máu đủ 100 lần”, anh nói.
Giải đáp thắc mắc vì sao phải đến 100 lần, anh chia sẻ: “Các con của mình cũng rất thích hiến máu, đến sang năm là có thêm một thành viên trong nhà có thể tham gia”. Thì ra là thế, công việc thầm lặng mà anh làm suốt bao năm đã gieo mầm tình thương, khi anh nghỉ sẽ có người bước tiếp.
Đồng đội
Không chỉ là người tiên phong trong phong trào hiến máu, anh Văn Sinh là “đầu tàu” của đội hiến máu tình nguyện. Một đồng đội của anh, chị Lê Thị Mộng Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Quảng Thọ cho biết: “Anh Văn Sinh là tấm gương tiêu biểu cho phong trào hiến máu tình nguyện của xã nhà. Đến nay, tổng cộng anh đã hiến 54 lần trong các chiến dịch, chưa kể những lúc cấp bách”.
Năm 2015, đội hiến máu cứu người được thành lập với 7 thành viên. Đến nay, thành viên của đội đã vượt qua con số 20. Không chỉ ở xã Quảng Thọ, các thành viên phân bố rải rác ở các xã khác thuộc huyện Quảng Điền. Nguyên tắc của nhóm là không nhận tiền hay bất cứ quà cáp gì (trừ hoa quả) vì đối với họ, hiến máu là việc nhân ái, không phải là cuộc mua bán. Hơn nữa, như lời anh nói: “Người nhà bệnh nhân đã rất quẫn bách mới tìm đến mình. Trong cơn hoạn nạn thì giúp đỡ được nhau đã là rất quý”.
Phương tiện liên lạc của đội là điện thoại. Khi người nhà bệnh nhân liên hệ, anh Sinh sẽ gọi điện cho các thành viên, tìm nhóm máu và số lượng người thích hợp. Nhiều lúc quá cấp bách, anh cùng đồng đội bỏ dở cả buổi cắt lúa để rong xe về bệnh viện hiến máu cứu người.
Niềm vui của “hiệp sĩ làng” này rất đơn giản. Đó là được nhìn thấy gương mặt bớt lo âu của người nhà bệnh nhân. Đó là những lúc đồng đội kề vai sát cánh ăn chung bữa cơm, uống chén nước chia sẻ với nhau những câu chuyện nho nhỏ. Niềm vui của anh còn đến từ người vợ thảo hiền, chị Hồ Thị Nở và các con chăm ngoan, học giỏi.
Trong hàng loạt những phần thưởng, giấy khen, bằng khen nhận được, anh tự hào nhất là Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" vì đã có nhiều thành tích trong phong trào hiến máu nhân đạo, do Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng năm 2008.
Bài, ảnh: Mai Huế