Đời sống Đời sống Vượt lên nỗi đau da cam

TTH - Là những nạn nhân chất độc da cam, nhưng họ đã vượt lên nỗi đau, đóng góp cho cộng đồng, quê hương A Lưới.

Ông Lê Văn Tá chăm sóc đàn gà, vịt

Ông Lê Văn Tá chăm sóc đàn gà, vịt

Hồ nước rộng mênh mông. Người đàn ông độ tuổi bảy mươi đứng trên chiếc bè kết bằng tre nứa, chống sào tiến ra giữa hồ “thăm” đàn cá suýt soát 1 năm tuổi. Đó là ông Quỳnh Nhật, chủ nhân trang trại trù phú ở thôn KaLeng Abung, xã Quảng Nhâm (A Lưới). Ông Hồ Sỹ Bình, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin huyện A Lưới và thiếu tá Lê Khắc Tuấn, Thượng úy Hồ Minh Phú, bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Nhâm, những người gắn bó, sát cánh với dân địa phương, gọi ông Quỳnh Nhật là “tỷ phú” nghị lực, bởi ông Nhật- nạn nhân chất độc da cam, nhưng đã vượt lên nỗi đau để lao động, trở thành giàu có.

Những cơn co giật chốc chốc lại “tái phát” trên gương mặt sạm nắng gió, ông Quỳnh Nhật giải thích, đó là di chứng của chất độc da cam mà ông phải sống chung mấy chục năm qua. Di chứng của chất độc cũng khiến sức khỏe ông bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, nỗi đau tinh thần quá lớn khi những người con ông sinh ra, có hai người chẳng được lành lặn, mang căn bệnh “đầu to” (căn bệnh khiến một người mất lúc mới 5 tuổi). Cuộc sống muôn vàn khó khăn.

Nhưng người du kích năm xưa của mảnh đất A Lưới không chịu “thua” nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, quyết tâm khai hoang để trồng trọt. Mồ hôi thấm xuống bao nhiêu, đất cằn cỗi mùi đạn bom, di chứng của chiến tranh “mềm” lại, để từ đó ông Nhật gieo xuống sự sống của lúa, sắn, ngô, phủ xanh rừng cà phê và bây giờ là rừng keo, là ao cá…

“Khi cà phê không còn được giá, tôi chuyển qua trồng keo. Hai vụ thu hoạch keo mang lại lãi ròng tầm 70 triệu đồng. Rừng keo bây giờ đã 4 năm tuổi, sang năm thu hoạch được rồi. Bỏ ra 37 triệu đồng thuê máy múc để làm hồ cá diện tích 6 sào, tôi đã thả 50kg cá giống chép, trắm cỏ, cá mè, rô phi… Đến nay, lứa cá đầu tiên tầm 1- 1,2 kg/con. Lúc cá 3kg, sẽ thu hoạch. Bây giờ cứ lấy ngắn nuôi dài, tôi mới xuất bán lứa gà 100 con”. Ông Nhật kể.

Lão nông đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi ngày vẫn rời nhà, vào trang trại từ lúc tinh sương cho đến khi mặt trời đi ngủ, với “vòng quay” chăn bò, cắt cỏ, cắt lá chuối rừng về làm thức ăn cho cá. 6 sào ruộng lúa đủ phục vụ cuộc sống và thức ăn cho gà vịt. “Chất độc da cam đã tàn phá vùng đất này, tàn phá sức khỏe của không biết bao nhiêu người. Nỗi đau trên cơ thể mãi mãi còn đó, nhưng chúng ta không thể vì thế mà lùi bước. Trái lại phải cố gắng tiến về phía trước bằng cuộc sống có ích, có ý nghĩa” - Lão nông nơi núi rừng A Lưới, người từng 3 lần vinh dự ra Thủ đô Hà Nội dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, nở nụ cười mộc mạc. Nụ cười đượm mùi sương nắng, mùi đất, mùi mồ hôi, tỏa ra nguồn năng lượng tích cực và gieo vào lòng người niềm tin về sự diệu kỳ, nếu kiên cường vượt qua nỗi đau để vươn lên.

Nụ cười đó, chúng tôi cũng “gặp” ở cuộc đời vợ chồng cụ Trễ (thôn Ta Lo A Hố, xã Hồng Vân, A Lưới). Từng là công dân hỏa tuyến, vợ cụ Trễ bị nhiễm chất độc da cam, ảnh hưởng sức khỏe rất nhiều, nhưng bà luôn sát cánh cùng chồng trên “mặt trận” sản xuất, phát triển kinh tế. Kể về vợ bằng tình cảm yêu thương xen lẫn tự hào, cụ Trễ nói rằng, những giọt mồ hôi của vợ bao giờ cũng “mặn” hơn, khi nỗ lực góp sức tưới tắm mảnh vườn, để cà phê và những loài cây ăn trái giá trị cao vụ nào cũng trĩu hạt, trĩu quả. Tinh thần nỗ lực của vợ chính là động lực để cụ Trễ cố gắng gấp nhiều lần, làm ra của cải, xây dựng nhà cửa, cơ ngơi khang trang, nuôi dạy các con trở thành những người lao động chăm chỉ, có ích cho xã hội.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin huyện A Lưới, ông Hồ Sỹ Bình thông tin, rất nhiều nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn đã vượt lên nỗi đau, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, đóng góp xây dựng quê hương, đồng thời là tấm gương cho con cháu, cho cộng đồng. Ông Lê Văn Tá (thôn A năm, xã Hồng Vân, A Lưới), người có 50 năm tuổi Đảng, từng được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Hai, là một tấm gương. Tường nhà ông Tá giấy khen treo san sát. Đó là sự ghi nhận của chính quyền địa phương đối với rất nhiều hoạt động xã hội mà ông Tá đã tích cực tham gia.

Ông Tá thì bộc bạch rằng, ông vượt lên nỗi đau da cam, trước hết là bằng những việc làm thiết thực để nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình. Bao nhiêu năm qua, ông luôn duy trì liên tục đàn gà, vịt cả nghìn con, cung cấp cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, không quản ngại thức khuya dậy sớm, thu mua măng tre, măng nứa, muối măng chua bỏ mối cho các tiểu thương chợ A Lưới. Tinh thần nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, đóng góp sức lực cho xã hội của những người như ông Tá, ông Nhật… lan tỏa trong cộng đồng. Vậy nên, người dân trên địa bàn sẵn sàng học theo, nghe theo khi được vận động tham gia các phong trào phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới…

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/vuot-len-noi-dau-da-cam-a103085.html