Đời sống đồng bào các dân tộc đổi thay rõ rệt ở Sông Hinh

Khởi nguồn từ vùng đất hoang hóa cách đây 40 năm, đến nay, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) là nơi hội tụ, cùng chung sống, sản xuất của 22 dân tộc anh em. Quá trình phát triển vượt bậc đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh sống động bởi hạ tầng thiết yếu, màu xanh của núi rừng, nương rẫy, đời sống đồng bào các dân tộc cũng vì thế mà đổi thay rõ rệt.

Năm nay, giá keo rừng trồng đạt ngưỡng cao nhất, người dân Sông Hinh phấn khởi mở rộng diện tích trên đất kém hiệu quả.

Năm nay, giá keo rừng trồng đạt ngưỡng cao nhất, người dân Sông Hinh phấn khởi mở rộng diện tích trên đất kém hiệu quả.

Từng bước chuyển mình

Ngày mới thành lập, Sông Hinh có 6 xã với 16.857 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 49,5%. Thời điểm đó, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, đời sống nhân dân còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, hủ tục lạc hậu khá phổ biến; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp theo kiểu tự cung, tự cấp, người dân thiếu ăn giáp hạt thường xuyên; các tuyến giao thông huyết mạch toàn là đường đất, đá cấp phối, quanh năm nắng bụi, mưa lầy. Trong khi đó, cơ sở vật chất phục vụ cho y tế, giáo dục còn quá đơn sơ, tạm bợ, đội ngũ cán bộ, giáo viên, y, bác sĩ vừa thiếu, vừa yếu. Cả huyện chỉ có 1 bác sĩ và 3/6 xã có trạm y tế.

Theo Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Nay Y Blung, vùng đất khó năm xưa đã có giá trị sản xuất các ngành tăng bình quân từ 13-15%/năm. Hướng đến năm 2025, phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất các ngành hơn 11.200 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với 10 năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ ngày càng tăng. Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 2.006 tỷ đồng, chiếm 17,9%; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 6.089 tỷ đồng, chiếm 54,34% tỷ trọng các ngành, tăng 41% so với năm 2000. Đáng mừng hơn là tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 130 tỷ đồng, tăng 55 lần so với năm 2000.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn chia sẻ thêm: “Sản xuất công nghiệp cũng dần trở thành động lực trong phát triển kinh tế, đặc biệt là các nhà máy chủ động thu mua, chế biến nông sản tại chỗ cho bà con, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng được mùa mất giá. Trên bức tranh kinh tế sống động này, chúng tôi phấn đấu trong năm 2025 đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với 2015”.

Trở thành vùng đất hứa

Trước mắt chúng tôi là bạt ngàn những cánh đồng mía, sắn rộng hơn 16.000 ha đang kỳ thu hoạch, trải dài tít tắp dưới chân đồi bạt ngàn rừng keo phủ kín. Từ vùng đất hoang hóa, đến nay, trung bình mỗi gia đình có ít nhất 1 ha đất chuyên canh hai loại cây nông sản chủ lực này, hộ nhiều thì có cả chục héc-ta, thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Bar Hoàng Đức Kiên vui vẻ kể: “Giờ nông dân chỉ cần có đất, giữ đất là có tiền vì toàn bộ được các nhà máy đường, nhất là nhà máy đường KCP đầu tư hết. Hai năm trở lại đây, nông sản được mùa, giá cao, nhất là mía, người dân vui lắm, trong khi đó giá keo rừng trồng cũng đạt ngưỡng cao nhất từ trước tới nay, thật không còn gì bằng”.

Cách phố núi Hai Riêng, trung tâm hành chính, thương mại của huyện Sông Hinh chừng 10 km, ruộng mía 1,1 ha của anh Ra Y Trung ở buôn Quen, xã Ea Bar có tới hơn 10 người tất bật chặt, vác lên xe để kịp chở về nhà máy tiêu thụ. Vụ này, mía năng suất đạt 100 tấn, giá 1,35 triệu đồng/tấn, tăng 20 nghìn đồng so với vụ trước, sau khi trừ chi phí, anh Trung cầm chắc ít nhất 60 triệu đồng, một số tiền không nhỏ đối với người dân miền núi. “Trước đây, muốn đầu tư cho cây mía, phải bán bò hoặc đi vay ngân hàng, nay có nhà máy đầu tư không tính lãi, bà con hết khổ rồi, chỉ cần bỏ công chăm sóc là có lãi”, anh Trung phấn khởi nói.

Mặc dù được thành lập sau hai huyện miền núi Sơn Hòa và Đồng Xuân, nhưng miền đất hứa Sông Hinh lại là điểm sáng nổi bật với hệ thống đường giao thông cứng hóa phủ khắp các cánh đồng mía, sắn và sầu riêng, do Nhà nước và nhân dân cùng làm. “Buôn chúng tôi có đến 70% tuyến giao thông chính đến tận nương rẫy, con số này sẽ đạt 100% trong nay mai. Mấy năm gần đây, nông sản, kể cả rừng trồng được mùa, giá cao và tương đối ổn định, nhiều hộ còn tự bỏ tiền làm đường bê-tông đến tận chân rẫy, nhiều cánh đồng mía như trải thảm, đẹp như đất mặt phố, thật đáng mừng”, Bí thư, Trưởng buôn Trinh, xã Ea Bar, anh Ksor Y Véo chia sẻ.

“Hạ tầng giao thông trên phạm vi toàn huyện đã cơ bản được bê-tông và nhựa hóa, nhất là các tuyến liên xã, liên thôn được mở rộng, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản và lưu thông hàng hóa của nhân dân, nhất là trong mùa mưa lũ. Trong khi đó, hệ thống thủy lợi cũng được đầu tư mở rộng hằng năm với tổng cộng 35 công trình, 167 km kênh mương, tỷ lệ kiên cố hóa đạt tới khoảng 85%, chủ động tưới ổn định cho 3.600 ha đất canh tác”, Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Nay Y Blung cho biết thêm.

Khoảng 10 năm trở lại đây, Sông Hinh được người dân các huyện miền núi khác đánh giá là có tốc độ đô thị hóa nhanh, không gian đô thị mở rộng, sầm uất bậc nhất, nhì về thương mại, dịch vụ so với các huyện miền núi của tỉnh, dần đưa thị trấn Hai Riêng ngang tầm với đô thị loại IV. Trong xây dựng nông thôn mới, huyện cũng có 6/10 xã đạt chuẩn, 1 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao, 3 khu dân cư kiểu mẫu và 6 vườn mẫu. Đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn 4,58%, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được đầu tư ăn học, không còn bỏ học giữa chừng như trước đây.

Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc huyện Sông Hinh được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Độc lập hạng ba; Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-song-dong-bao-cac-dan-toc-doi-thay-ro-ret-o-song-hinh-post868721.html