Đời sống Huế mỗi ngày một mới
TTH - Trong dịp họp mặt mừng Xuân của nhóm thân hữu Nhớ Huế tại Washington DC sau mùa đại dịch COVID-19, anh chị em gốc Huế cũng như bà con có quan hệ gia đình, thân tộc với Huế gặp nhau để thăm hỏi, chúc Tết và chia sẻ những tin tức về bản thân, bằng hữu và quê nhà. Vị niên trưởng của nhóm mở đầu lời chào mừng bằng một lời xác định thoạt nghe qua vừa như có vẻ hợp lý mà cũng vừa mâu thuẫn rằng: 'Huế mình chẳng có gì mới mà cũng rất mới!'
Ai cũng hỏi nhau: “Anh chị có chi lạ không; Huế mình có chi mới không…” ngay sau câu chào hỏi xã giao về sức khỏe, gia đạo. Cái lạ, cái mới của cá nhân người Huế, nhất là các vị cao niên thì thật là một chuỗi dài biến đổi nhanh chóng khi thế hệ đàn anh ra đi hay rút lui dần để nhường cho thế hệ đàn em tiếp bước. Bẵng đi chừng hai, ba năm, những người Huế sống ở nước ngoài không có dịp về thăm quê hương khi gặp nhau thường quan tâm đến sự thay đổi “Huế có gì mới”.
Một cư dân gốc Huế đang ở Washington DC so sánh rằng, Huế (1802) và Washington DC (1790) được xây dựng gần như cùng thời, nhưng thủ đô nước Mỹ đã bước đi mỗi ngày một mới như tổng thống Roosevelt đã gợi ý để đời: “Một ngày mới đến với sức mạnh cùng những tư duy mới” (With the new day comes new strength and new thoughts). Trong lúc đó Huế vẫn êm đềm, thầm lặng và ngại đổi thay như nàng công chúa ngủ trong rừng… nên Huế trở thành Cố đô bảo tồn và Washington thành Thủ đô bão nổi. Có vẻ như đây chỉ mới là động cơ tâm lý của hai dân tộc và hai nền văn hóa trong hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau của mười lăm thế kỷ trước. Khi có điều kiện và phương tiện khách quan tác động, Huế đã vươn mình lên mỗi ngày một mới. Thật vậy, trong vòng vài ba chục năm trở lại, quy mô và bộ mặt Huế đã đổi thay mỗi ngày một nhanh.
Ngày xưa khi nói đến không gian Huế, tầm liên tưởng của mọi người chỉ đi một vòng tròn giới hạn từ An Hòa, Bao Vinh, Gia Hội, Đập Đá, An Cựu, Nam Giao, Cầu Lòn, Bạch Hổ và chỉ cần đi xe đạp trong vòng 45 phút là giáp vòng. Ngày nay, tầm nhìn đã mở rộng tới vùng núi non Nam Đông, A Lưới, phá Tam Giang, biển Thuận An, cửa Tư Hiền, Lăng Cô, Bạch Mã… Trong khoảng vài chục năm nữa, Huế có khả năng và triển vọng trở thành một thành phố du lịch có tầm cỡ ở vùng Đông Nam Á và được nằm trong danh sách các điểm du lịch được ưa chuộng thế giới, vì Huế hội đủ ba tiêu chí quyết định hàng đầu cho một địa điểm du lịch thế giới là: Tài nguyên du lịch, môi trường thân thiện và các tụ điểm độc đáo. Thiên nhiên đa dạng và di tích lịch sử phong phú là những tài nguyên du lịch hàng đầu của Huế. Không gian xanh, các món ăn độc đáo và sự hiếu khách, nhạy cảm của người dân Huế đã tạo ra môi trường du lịch thân thiện cho du khách khắp bốn phương trời. Hoàng thành, lăng tẩm, sông núi và những phố cổ vẫn còn nguyên dạng chưa được khai thác như phố cổ Bao Vinh, Gia Hội… là những tụ điểm độc đáo có khả năng làm giàu cho ngành du lịch Huế.
Biểu tượng truyền thống của Huế là một Cố đô kéo dài 143 năm (1802 - 1945) đầy những giai thoại thâm cung bí sử dưới triều đại vương quyền nhà Nguyễn. Tính nhân văn của văn hóa Huế là khung cảnh thiên nhiên nên thơ, nếp sống êm đềm trầm lặng, tâm lý lắng xuống bề sâu và nếp sinh hoạt kinh tế, xã hội rất ít thay đổi. Người Huế cũng như những người bạn Huế thường suy diễn theo khuynh hướng “tĩnh lặng” là Huế chẳng có gì mới và ngại đổi mới! Bao nhiêu văn nhân, nghệ sĩ xưa nay khi lắng lòng sáng tác nghệ thuật về Huế vẫn thường có khuynh hướng hoài cổ, âm tính và chan chứa nỗi buồn như thi hào Nguyễn Du xưa viết “kim cổ hứa đa sầu” (Sông Hương một mảnh trăng soi, xưa nay thăm thẳm khó vơi nỗi buồn!)
Về mặt thể lý cũng như tâm lý, điệu sống êm đềm và tĩnh lặng u trầm của Huế rất khó cảm nhận bằng trực giác và nắm bắt bằng suy diễn hay so sánh. Tương truyền, có lần Ôn Thiên Mụ (phương trượng chùa Thiên Mụ Thích Đôn Hậu đương thời) dạy chú tiểu thỉnh chuông công phu ngủ gục: “Mỗi tiếng chuông là một tâm niệm mới cho một đại lực tu trì mới…”. Nội lực của Huế đó! Cái mới mở ra trên từng giờ khắc của tiếng chuông. Điệu sống và phong cách Huế là một quá trình chuyển biến nội tại như nhà thơ Thu Bồn đã từng nắm bắt được: “… Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.”
Ngày nay, đối với người Huế xa quê cũng như du khách từ bốn phương trời, Huế có sự thu hút của một Kim Tự Tháp mọc rêu. Hình hài xưa vẫn còn nguyên vẹn với sông Hương, núi Ngự, Hoàng Thành, phố xưa, nhà cũ… Huế đổi thay mà không thay đổi Huế. Những người con Huế sau gần nửa thế kỷ tha hương trở lại quê nhà thường bị lạc. Biết bao thành phố được xây dựng tân tiến, đồ sộ và sang trọng hơn nhưng đã mất hẳn dáng xưa. Đi trên thành phố cũ mà như lần đầu đi vào đất khách. Riêng Huế thì từ Thành nội, dọc sông Hương, tới những đền đài lăng miếu cũ, hầu như tất cả đều có nét đổi dời của sự tôn tạo và trùng tu, phục chế nhưng không dời hình, thay dạng. Với Huế hôm nay, người ta bỗng vô hình trung bắt gặp sự chuyển mình bản lĩnh của những thành phố lịch sử và nổi tiếng của thế giới: Đổi thay cấu trúc, màu sắc, vật liệu mà không thay đổi nguyên dạng, nguyên hình!
Cái mới của Huế thường không dễ như việc tạo tác cái mới hoàn toàn theo mô thức “xóa bài làm lại” mà là kế thừa và sáng tạo từ cái cũ nhưng không xóa mất hình ảnh truyền thống và tinh thần cốt tủy của đối tượng đổi mới. Cụ thể như những nét mới của Huế trong những dự án trùng tu Đại Nội. Người cũ đã từng quen mắt nay về thăm lại Lầu Ngũ Phụng, các điện Phụng Tiên, Thế Miếu, Trường Lang hay chánh điện Thái Hòa mới được nhìn ngắm và thưởng thức những công trình tu sửa đầy tài năng và nghệ thuật của nghệ nhân và người quản lý công trình.
Sự đổi mới của Huế như vừa thức giấc. Người Huế phương xa sau một vài năm trở về quê hương bắt gặp những con đường đi dạo ngan ngát hương hoa thiên cổ và rợp bóng cây xanh, sông nước hữu tình dọc bờ sông Hương, hay các phố đêm như Phố đêm Hoàng Thành là những nét mới đậm tính văn hóa, lịch sử và dân gian Huế.
Mới đó mà “kẻ Huế” tha hương đã bắt đầu có hậu duệ đến thế hệ thứ tư: Ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt. Vòng quay đời người ví như một cuộc leo núi trong bóng nắng một ngày. Sớm mai là tuổi hoa niên và thanh xuân bắt đầu cuộc hành trình leo lên đỉnh núi; cất bước bên nầy mà đăm đăm hướng về hy vọng phía bên kia. Tuổi trung niên là buổi trưa cuộc đời khi đứng trên đỉnh núi với tầm nhìn bao quát và bắt đầu ngước nhìn đường leo xuống núi. Đường xuống núi cũng như tuổi già, dễ dàng tuột xuống và lao đi càng lúc càng nhanh. Chẳng mấy chốc chân núi và hoàng hôn đến ngay trước mắt. Hai thế hệ già và trẻ cần có sự kế thừa để tiếp cận với nhau về tinh thần cũng như thể chất. Những cái mới của Huế trong tư duy và tổ chức của người có trách nhiệm cũng như về công trình kiến trúc và khai phá là những chiếc cầu thế hệ nối kết những dòng đời chuẩn bị ra đi, đang lớn dậy và sắp ra đời.
Cả ba thế hệ đều có chung trách nhiệm và ước mơ: Huế mỗi ngày một mới.
Bài: Trần Kiêm Đoàn
Ảnh: Đăng Tuyên
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/hue-moi-ngay-mot-moi-a122956.html