Đời sống Hương sắc hường cổ Huế
TTH - Hường cổ Huế là một loài hoa hồng cánh kép, có màu đỏ son và phơn phớt một chút hồng nhạt vào đỉnh đầu. Loài hoa này có mặt ở Huế vào khoảng năm 1834, với tên gọi quốc tế là Louis Philippe rose. Đây là giống hoa quý nên trước đây trong cung đình hoặc những nhà quyền quý mới trồng loại hoa này.
Về sau, người Huế quen gọi là bông hường, có thể do xuất phát từ việc sợ húy chữ Hồng với tên Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức.
Trong một bài ca Huế với làn điệu Hành vân, cố thi sĩ - nhà soạn lời ca Huế tài hoa Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã hết lời ca ngợi những loài hoa đặc trưng của Huế nở vào mùa xuân, trong đó có bông hường: “bông đào bông lý ấy nhụy bông hường thơm nức bên tường ấy mùi hương, mùi hương vẳng nhịp đàn dâng câu quỳnh tương...”. Nói vậy để thấy rằng, mùi hương của hường cổ Huế đặc sắc như thế nào mới khiến thi nhân xao xuyến để tứ thơ, tứ nhạc rung động đến thế!
Còn nhớ từ thời cố ngoại tôi (thuộc dòng dõi Tuy Lý Vương Miên Trinh), trước nhà có một bụi bông hường rất to. Nó chiếm cả một nửa khoảng sân trước nhà, nở hoa rực rỡ quanh năm, nhất là mùa giáp Tết đến ra Giêng.
Mỗi buổi sáng, ông ngoại tôi thường thưởng trà với cố, bên gốc hường ngát hương. Những bông hoa như những đốm lửa nhỏ, ôm ấp và lan tỏa hương thơm ngây ngất, dịu nhẹ. Hường Huế thường nở hoa quanh năm, đặc biệt vào mùa xuân cây sẽ cho hoa nhiều và đẹp nhất. Thời gian mỗi bông hoa từ khi hàm tiếu đến lúc nở chỉ chừng ba đến bốn ngày, nhưng bù lại chúng có hương thật thơm. Bởi vậy, ngoài những giống hoa trong vườn như lài và mộc, cố và ông ngoại còn dùng hường để ướp trà. Thi thoảng, mạ hái vài bông cắm vào chiếc bình gốm, căn nhà bỗng dưng ấm áp và lung linh một cách lạ kỳ.
Mỗi khi xuân đến, các cậu, dì đã có gia đình riêng nhưng đều trở về để cùng nhau ngồi gói bánh chưng trước hiên nhà. Trên hai chiếc chiếu bên gốc hường, mùi lá chuối, nếp đậu, tiêu hành quyện trong tiếng cười nói chuyện trò lao xao. Hương sắc của những bông hường góp cho ngày xuân của gia đình thêm đoàn viên, ấm áp.
Cứ thế, gốc hường đã chứng kiến biết bao nhiêu buồn vui, biến cố của gia đình. Ngày cố từ giã cõi tạm, mạ hái những bông hoa hường cắm vào chiếc bình đặt bên cạnh cố, rồi châm một bình trà cuối cùng tiễn người đi. Lúc phát tang, cây hường cũng được mệ tôi vấn một vành khăn tang trắng xóa, những đóa hoa hôm ấy như mang cả một trời bi ai.
Những năm kinh tế khó khăn, có người đến nhà hỏi mua gốc hường với giá khá cao, cậu ngập ngừng nhưng mệ tôi nhất định không bán. Mệ bảo, cây hường đã là một thành viên trong gia đình rồi, dù một nhánh nhỏ cũng không được bán chứ đừng nói bứng nguyên cây. Từ đó, trong nhà không còn ai dám có ý định bán cây hường nữa.
Gần đây, rộ lên phong trào phục dựng lại giống hường cổ Huế của những người chơi hoa. Ngoài điện Kiến Trung phía trước mặt đình Bát Giác trong Đại Nội, ở làng Lựu Bảo (Hương Hồ), hay dọc đường Lý Nam Đế, nhiều nhà đã trồng loài hoa này. Nơi đây có chùa Khánh Vân, cũng được quý thầy trồng hường Huế thành bụi lớn dọc hai lối đi và bên hông chùa. Cảnh thiền tịnh yên, những bụi hường đượm hương càng tạo nên sự ấm áp, an nhiên, thư thái.
Ngày nay, việc rất nhiều những gia đình còn lưu giữ và nhân rộng một loài hoa quý hiếm như hường cổ Huế là một điều rất đáng mừng và tự hào. Cùng với mai vàng, hường cổ Huế sẽ lại cùng rực rỡ, hân hoan mỗi độ tết đến xuân về. Nghĩ vậy, lòng đã nên thương, rộn rã xiết bao!
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/huong-sac-huong-co-hue-a124498.html