Đời sống | Khoa học đời sống TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Để người dân tái định cư (TĐC) ổn định cuộc sống, thời gian qua, huyện Tân Uyên tập trung hỗ trợ sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Quyết định số 833/QĐ-TTg và Quyết định số 834/QĐ-TTg ngày 18/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể di dân TĐC thủy điện Bản Chát - Huổi Quảng; Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể di dân TĐC thủy điện Sơn La, huyện Tân Uyên đã tổ chức thực hiện di dân tập trung cho 1.185 hộ thuộc 25 bản trên địa bàn 6 xã, thị trấn. Các bản TĐC chủ yếu được bố trí ở phía Đông của huyện dọc theo quốc lộ 32, cách quốc lộ 32 từ 3 - 5 km, dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn. Ngoài ra, còn 4 bản TĐC ở tại xã Tà Mít chủ yếu trên cốt ngập sau khi di vén. Với mục tiêu để người dân TĐC có đời sống tốt hơn nơi ở cũ, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt chính sách cho nhân dân TĐC cơ bản phù hợp với điều kiện sản xuất, phong tục, tập quán và nguyện vọng của đồng bào. Ưu tiên nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, các dự án đầu tư khác để xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường giao thông, trạm y tế, nhà văn hóa, trường lớp học... tại các khu, điểm TĐC.

Người dân bản TĐC Tân Dương, xã Trung Đồng làm đất trồng rau xanh phục vụ sinh hoạt.

Tuy nhiên, việc sản xuất, thu nhập của người dân còn nhiều khó khăn, cơ bản các hộ chủ yếu sản xuất nông lâm nghiệp song diện tích đất ruộng được giao ít, chủ yếu là diện tích ruộng một vụ, thiếu nước sản xuất. Các loại đất khác chưa được giao theo định mức nên người dân TĐC thiếu tư liệu để sản xuất. Nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của TĐC cơ cấu vốn thấp, chưa triển khai thực hiện được do vướng mắc về cơ chế và nguồn vốn. Tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất ở nơi ở mới...

Để đảm bảo mục tiêu đã đề ra, trên cơ sở đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội các vùng TĐC trên địa bàn, huyện đưa ra các giải pháp hỗ trợ mà người dân thực sự cần, các nội dung hỗ trợ phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, phù hợp với chính sách, quy định của Nhà nước để tạo được nền tảng giúp nhân dân TĐC ổn định cuộc sống. Ông Bùi Huy Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Nếu như trong thời gian trước, nội dung hỗ trợ chủ yếu là hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ cứu đói cho nhân dân khi giáp hạt được ví như “cho người dân con cá, ăn xong là hết, không có phương tiện để tiếp tục kiếm cá” thì giải pháp hỗ trợ đất sản xuất cho người dân được coi là giải pháp then chốt, đột phá trong các phương thức hỗ trợ mà huyện thực hiện trong 3 năm qua. Việc hỗ trợ đất sản xuất gắn với đề án phát triển vùng chè, quế, sơn tra cùng với việc hỗ trợ hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân có thể áp dụng vào sản xuất là một giải pháp bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng tài nguyên và sức lao động, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, ổn định đời sống lâu dài trên địa bàn các xã có TĐC nói riêng và trên địa bàn huyện Tân Uyên nói chung.

Theo đó, trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất, huyện giao cơ quan chuyên môn rà soát diện tích đất nông - lâm nghiệp trên địa bàn các xã có điểm TĐC do UBND các xã, các tổ chức quản lý để giao thêm cho nhân dân TĐC. Trong năm 2016, 2017 đã rà soát được 708,2ha đất trống để giao cho 496 hộ TĐC tại các xã Tà Mít, Pắc Ta, Nậm Cần trồng chè, quế, trong đó có 643ha trồng quế, 65,2ha trồng chè, trung bình 1,4ha/hộ. Ngoài ra, vận động các hộ tự mua thêm được 73,01ha, khai hoang ruộng nước được 15ha/83 hộ.

Cùng với đó, tăng cường cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, chỉ đạo sản xuất sâu sát, quyết liệt theo hình thức cầm tay chỉ việc. Chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường thâm canh, tăng vụ, lựa chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân TĐC về phát triển sản xuất theo phương thức mới và sử dụng hiệu quả tư liệu sản xuất được nhà nước hỗ trợ.

Đặc biệt là tập trung các nguồn lực, ưu tiên các nguồn vốn để hỗ trợ sản xuất cho Nhân dân các bản TĐC. Trong đó, theo chương trình 30ª/CP hỗ trợ 14 con trâu, 97 con lợn, 64.480 con gà, vịt cho 903 hộ. Hỗ trợ chuyển đổi một lần giống lúa, ngô với tổng diện tích hỗ trợ 339,95ha cho 1.576 lượt hộ, hỗ trợ giống và phân bón với tổng kinh phí 884 triệu đồng. Hỗ trợ sản xuất theo chương trình 135/CP với 169 con giống lợn, dê cho 261 hộ, 27 máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 78 hộ. Hỗ trợ trồng mới 643ha quế, 58,8ha trồng chè. Nhất là, thực hiện hiệu quả mô hình bò sinh sản tại xã Nậm Cần, mô hình nuôi cá lồng giúp nhân dân nâng cao trình độ nhận thức về phương thức sản xuất nông nghiệp mới.

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các vùng TĐC được đẩy mạnh đầu tư, nhất là đường giao thông, kênh mương thủy lợi, nước sinh hoạt phục vụ sản xuất. Hiện nay 100% bản TĐC có đường giao thông đến bản và đường giao thông nội bản được được cứng hóa đi lại thuận lợi cả bốn mùa. Đầu tư mở mới, nâng cấp 75,8km đường sản xuất ở các khu điểm TĐC, trong đó rải cấp phối, bê tông hóa trên 32km tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, đầu tư thâm canh phát triển sản xuất của các hộ dân. Tập trung đầu tư, sữa chữa, nâng cấp 10 công trình thủy lợi với chiều dài 23km theo hướng lồng ghép các nguồn vốn, phục vụ tưới 450ha ruộng cho các hộ TĐC và nhân dân sở tại, nâng tổng số 52ha ruộng 1 vụ lên 2 vụ. Đầu tư 15 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 1.200 hộ, đến nay, có trên 90% số dân TĐC được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn, các bản TĐC có 119 phòng học kiên cố. Đầu tư xây mới, nâng cấp 4 Trạm y tế, bổ sung trang thiết bị, đội ngũ y bác sỹ. Đến nay 5/5 xã có TĐC đều đạt Tiêu chí Quốc gia về y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Đầu tư 17 nhà văn hóa tại 19 điểm TĐC với diện tích từ 70m2 - 138m2/nhà tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong các hoạt động cộng đồng. Song song với các giải pháp hỗ trợ, phát triển kinh tế cho người dân TĐC, huyện còn chú trọng kiện toàn hệ thống chính trị tại các bản. Đến nay, 100% các bản TĐC có chi bộ độc lập, có tổ chức đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị - xã hội khác.

Hiện bản TĐC Pá Kim, xã Trung Đồng có 29 hộ, 154 nhân khẩu. Theo ông Lò Văn Lả, Bí thư Chi bộ bản thì nhờ tinh thần đồng thuận, quyết tâm nên những ngày khó khăn qua nhanh. Bà con trong bản luôn thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cùng với nguồn hỗ trợ TĐC, bà con nỗ lực phát triển sản xuất, đưa các giống cây, con mới vào nuôi, trồng; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, nâng cao thu nhập. Nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa; chăm sóc sức khỏe; trẻ em trong độ tuổi được đến trường; an ninh trật tự cơ bản được giữ vững. Hiện nay bản không còn hộ nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên bản cũng mong muốn huyện tiếp tục quan tâm hỗ trợ giao đất cho bà con trồng cây chè, quế để có thêm điều kiện làm giàu trên quê mới.

Thông qua việc đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, đời sống, thu nhập của người dân TĐC được nâng lên đáng kể. Đất đai sản xuất của người dân tăng lên, từ 299ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2014, trung bình 0,25ha/hộ lên 1.065,81ha, trung bình 0,95ha/hộ. So với năm đầu thực hiện di dân TĐC (năm 2011) thì năm 2016, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 16,7 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần; lương thực bình quân đầu người đạt 397,1kg/năm, tăng 1,5 lần; số hộ nghèo giảm 30,44%. Quan trọng hơn là 100% người các bản TĐC được tiếp cận các dịch vụ công, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt trên 98%, 22/25 bản đạt bản văn hóa; các bản đều thành lập tổ tự quản để quản lý hệ thống cấp nước, cấp điện, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp.

Tin rằng, với những giải pháp mới, thiết thực hơn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tại các khu, điểm TĐC huyện Tân Uyên sẽ tiếp tục được cải thiện, diện mạo các khu, điểm TĐC ngày một khởi sắc.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/%C4%91%E1%BB%9Di%20s%E1%BB%91ng/%C4%91%E1%BA%A9y-m%E1%BA%A1nh-h%E1%BB%97-tr%E1%BB%A3-s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-%E1%BB%95n-%C4%91%E1%BB%8Bnh-%C4%91%E1%BB%9Di-s%E1%BB%91ng-v%C3%B9ng-t%C3%A1i-%C4%91%E1%BB%8Bnh-c%C6%B0