Fed cắt giảm lãi suất, thị trường chứng khoán kỳ vọng vào 2 nhóm cổ phiếu
Ở thời điểm này của tháng 9, theo chuyên gia Nguyễn Đức Khang, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng vào 2 nhóm cổ phiếu, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất với mức giảm 50 điểm cơ bản.
Ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Pinetree đã có những chia sẻ với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vnvề những tác động từ quyết định cắt giảm 50 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng các hậu quả nghiêm trọng để lại của bão số 3 (Yagi) đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất cơ bản về ngưỡng 4,75 - 5% vào đêm qua, theo giờ Việt Nam. Xin ông cho biết nhận định về tác động của quyết định trên đối với thị trường chứng khoán Việt Nam?
Lần đầu tiên sau kể từ tháng 3/2020, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed đã thực hiện mức cắt giảm lãi suất với mức giảm 50 điểm cơ bản, đưa khung lãi suất quỹ liên bang về còn 4,75% - 5%. Việc Fed giảm 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 9 dự kiến là một yếu tố tích cực cho thị trường.
Yếu tố này dự kiến sẽ mang đến 2 tác động.
Tác động thứ nhất cho rằng, nền kinh tế Mỹ đang gặp phải rủi ro về suy thoái và Fed bắt buộc phải hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Nếu Mỹ gặp suy thoái sẽ có ảnh hưởng bất lợi tới Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu (Mỹ là một trong những đối tác xuất khẩu lớn nhất của nước ta).
Mặt khác, tác động thứ hai, việc Fed hạ lãi suất sẽ giảm áp lực cho tỷ giá, từ đó, nâng cao khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng (lãi suất thấp như hiện tại). Trong 2 tháng gần đây, tỷ giá đã giảm sau một thời gian dài “neo” ở vùng đỉnh.
Chung quy lại, đánh giá tác động chung, tôi cho rằng, quyết định của Fed có tác động tích cực nhiều hơn. Tuy nhiên, ở phương diện đầu tư trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư không nên kỳ vọng vào việc thị trường tăng mạnh sau thông tin này do đây không phải là một thông tin hoàn toàn mới, mà đã được thị trường kỳ vọng và phản ánh ít nhiều vào mặt bằng giá hiện tại.
Mặc dù tại cuộc họp báo, Chủ tịch Powell lưu ý rằng, Fed sẽ không vội vàng nới lỏng. Tuy nhiên, lần hạ lãi suất này vẫn được đánh giá là khởi đầu mạnh mẽ của xu hướng đảo chiều chính sách tiền tệ.
Về dài hạn, xu hướng trên sẽ tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam? Mong ông có thể chia sẻ những lưu ý khi xây dựng danh mục đầu tư trong các tháng tới?
Nói về vĩ mô, yếu tố có thể sẽ là tích cực với thị trường sẽ nằm ở mặt bằng lãi suất của Fed từ giờ đến hết năm 2024. Dựa trên lãi suất chênh lệch giữa lợi suất hiện tại và tương lai (implied Fed rate), có thể thấy thị trường đang kỳ vọng trong năm 2024, mặt bằng lãi suất Fed chắc chắn sẽ giảm tối thiểu 50 điểm cơ bản nữa và có 75% xác suất tin rằng số điểm giảm là 75 điểm.
Theo biểu đồ Dot Plot - phản ánh trực quan về các dự báo lãi suất của các thành viên của FOMC, khả năng được nhiều thành viên FOMC đưa ra nhất là kịch bản Fed sẽ giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong năm 2025 và 50 điểm vào năm 2026, qua đó có thể đưa khung lãi suất quỹ liên bang về khoảng 2,75% - 3% vào cuối năm 2026. Nếu Fed thực sự hành động một cách quyết liệt, đây sẽ là một yếu tố tích cực để hỗ trợ thị trường.
Chúng ta có thể kỳ vọng vào dòng vốn ngoại dừng bán ròng và thậm chí là quay trở lại, khi Fed hạ lãi suất, đảo ngược chu trình bán ròng của khối ngoại trong suốt gần 2 năm qua.
Thời gian gần đây, đã có một số dấu hiệu cho thấy khối ngoại quay trở lại ở một số thị trường xung quanh, ví dụ Thái Lan. Chính vì vậy, ở thời điểm này của tháng 9, tôi kỳ vọng vào 2 nhóm cổ phiếu với 2 yếu tố hỗ trợ. Đầu tiên là nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn, được sự ưa thích của khối ngoại (như VNM, ACB, MBB, MWG…). Cùng đó, các cổ phiếu có thể được hưởng lợi nhờ vào sức mua và thị trường nội địa được cải thiện trong quý IV năm nay (như VNM, TLG, MSN, PNJ…) cũng là câu chuyện nhà đầu tư có thể lưu tâm.
Bên cạnh sự thay đổi đáng kể của yếu tố vĩ mô quốc tế, tại Việt Nam, cơn bão số 3 (Yagi) - cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông vừa gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng. Ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của yếu tố trên đến nền kinh tế và các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán?
Bão Yagi, với sức tàn phá lớn, đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, tài sản và con người tại các khu vực như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Con số thiệt hại được ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, ước tính tổng thiệt hại của bão lên đến 50.000 tỷ đồng, làm giảm tăng trưởng GDP quý III và quý IV lần lượt 0,35% và 0,22%; tính chung cả năm GDP giảm 0,15%. Đây là một số ước tính ban đầu còn thực tế có thể lớn hơn do những tác động gián tiếp như đứt gãy chuỗi cung ứng và gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp, du lịch cũng như tiêu dùng.
Bão Yagi cũng đã có những ảnh hưởng nhất định và tác động rất nhanh đến các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, ví dụ như nhóm ngành bảo hiểm - khi chi phí bồi thường tăng. Nhóm doanh nghiệp hàng không (VJC, HVN) và cảng hàng không (ACV) bị ảnh hưởng khi nhiều chuyến bay bị hủy chuyến, hoạt động bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, nhóm cảng biển, đặc biệt là nhóm cảng ở khu vực Hải Phòng bị thiệt hại về cơ sở hạ tầng do bão. Nhóm ngành kinh doanh xăng dầu cũng gặp ảnh hưởng do sản lượng tiêu thụ sẽ giảm.
Ngược lại, khi bước sang giai đoạn tái thiết và phục hồi sau bão, nhu cầu thị trường sẽ thúc đẩy sản lượng tại một số nhóm ngành, như các doanh nghiệp tôn, mái, tấm lợp; hay khả năng giá heo có thể tăng trong thời gian ngắn tác động lên một số doanh nghiệp nông nghiệp…
Trên đây là những tác động trực tiếp. Ngoài ra, còn có các tác động gián tiếp và tạo ảnh hưởng tới sự hồi phục sức mua của người dân như nhóm ngành bán lẻ, tiêu dùng... Theo góc nhìn của tôi, ngoại trừ nhóm ngành bảo hiểm, tác động của bão Yagi đối với các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán sẽ không quá lớn.
Cụ thể ở nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, hoạt động kinh doanh sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào trong ngắn hạn và dài hạn?
Có thể nói, bảo hiểm là một trong những nhóm ngành bị ảnh hưởng lớn trong bão Yagi, trong đó phải kể đến nhóm ngành phi nhân thọ (đa số các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn chứng khoán đều là các doanh nghiệp phi nhân thọ).
Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp phi nhân thọ có thể bị ảnh hưởng về mặt lợi nhuận khi phải chi trả bồi thường. Theo cập nhật mới nhất từ Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm, qua các con số báo cáo của các doanh nghiệp đến cuối ngày 12/9, tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng với hơn 9.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về thị phần cũng công bố số tiền chi trả bồi thường lớn như PVI (2.000 tỷ đồng), Bảo hiểm Bảo Việt (950 tỷ đồng),…
Ước tính trên là những ước tính ban đầu và thực tế có thể sẽ thay đổi vì còn phụ thuộc vào hoạt động tái bảo hiểm. Tỷ lệ tái bảo hiểm sẽ phụ thuộc theo khẩu vị rủi ro của từng doanh nghiệp bảo hiểm cũng như loại hình bảo hiểm mà doanh nghiệp cung cấp. Với bảo hiểm tài sản (nhà xưởng, tàu bè…), tỷ lệ tái bảo hiểm thường cao do giá trị bồi hoàn lớn; trong khi đó, ví dụ như với bảo hiểm xe cơ giới tỷ lệ tái thường thấp hơn.
Bên cạnh đó, toàn bộ con số thiệt hại có thể sẽ không thể hiện hết vào báo cáo kết quả kinh doanh ngắn hạn vì hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều có khoản trích lập dự phòng khá lớn. Tuy nhiên, về ngắn hạn, tôi cho rằng ít nhiều các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sẽ bị ảnh hưởng.
Về dài hạn, khi khoản trích lập dự phòng được sử dụng, mặc dù lợi nhuận báo cáo của doanh nghiệp không sụt giảm quá mạnh, nhưng thực tế là dòng tiền của doanh nghiệp bị hao hụt, dẫn đến thu nhập từ đầu tư tài chính trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng.