Đời sống Làng quê làm du lịch rục rịch đón khách trở lại
TTH - Cùng với hệ thống di sản, danh thắng nổi tiếng, nhiều khu du lịch sinh thái, làng quê thơ mộng và hiền hòa nằm ở vùng ngoại ô xứ Huế như Ngư Mỹ Thạnh, Cồn Tộc (Quảng Điền), Thủy Thanh (Hương Thủy), đầm Chuồn (Phú Vang), làng cổ Phước Tích (Phong Điền)… đang chuẩn bị đón khách sau thời gian dài đóng cửa, hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng của dịch.
Du khách và người dân trải nghiệm trò chơi dân gian ở cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy. Ảnh: Phước Tuần
Những ngày đầu năm mới, khu du lịch sinh thái đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang) bắt đầu nhộn nhịp đón khách trở lại. Các chuyến đò ngược xuôi tấp nập chở khách ra các nhà hàng nổi giữa đầm và trải nghiệm một số dịch vụ trên đầm. Đón khách trở lại như thế này là niềm ao ước với rất nhiều hộ kinh doanh. Bởi trước đó, dịch bệnh đã khiến nhiều nhà hàng đóng cửa, kéo theo người lao động mất việc làm.
“Cho đến đầu năm nay mọi việc mới phục hồi, dần dần trở lại bình thường. Đón được khách về, mừng lắm”, anh Nguyễn Tiến Dũng, chủ một nhà hàng ở khu vực đầm Chuồn vui mừng chia sẻ. Hơn 5 năm kinh doanh dịch vụ ở đầm Chuồn, anh Dũng bảo rằng thời gian qua không riêng gì anh mà bà con kinh doanh ở khu vực này chật vật do ảnh hưởng của dịch bệnh, khi hoạt động cầm chừng, khi đóng cửa.
Theo anh Dũng, từ Tết Nguyên đán trở lại đây, nhà hàng của anh đón rất đông du khách trong tỉnh cũng như thập phương trở lại trải nghiệm, sử dụng dịch vụ. Trung bình, mỗi ngày đón 50 khách, có ngày cao điểm đón hơn 100 khách, trong đó có hai đoàn khách nước ngoài.
Bên cạnh vừa mở cửa, vừa phục vụ du khách, một số nhà hàng ở khu vực đầm Chuồn cũng lên kế hoạch để làm mới không gian, thiết kế một số hoạt động trải nghiệm để làm đa dạng thêm dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách, nhất là khách ngoại tỉnh, quốc tế. “Cuộc sống bình thường mới đã giúp du lịch bắt đầu phục hồi, vì thế dân làm du lịch ở đây cũng mừng lắm, các nhà hàng mở cửa kéo theo tạo được việc làm cho không ít bà con trong vùng”, anh Dũng trải lòng. Mừng hơn theo anh Dũng, đến nay có rất nhiều đơn vị lữ hành đã liên lạc để đặt chỗ cho các đoàn khách từ nay cho đến hết tháng 7.
Nằm ở phía bắc của tỉnh, giáp Quảng Trị, làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền) được bao quanh bởi con sông Ô Lâu thơ mộng được thành lập từ năm 1470 dưới thời vua Lê Thánh Tông cũng đang rục rịch khởi động đón khách trở lại. Cũng như nhiều làng quê du lịch khác, hơn 20 ngôi nhà rường – vườn chuyên phục vụ du khách của làng cổ trứ danh này cũng hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng của dịch bệnh gần 2 năm qua.
Ông Hồ Văn Tế, chủ một ngôi nhà rường với lối kiến trúc ba gian hai chái hơn 140 tuổi tuyệt đẹp đang dọn dẹp lại không gian, bày biện một vài vật dụng để chuẩn bị đón du khách tham quan. Dù chưa đông đúc như thời điểm chưa có dịch, nhưng người đàn ông ngoài 80 tuổi có gần chục năm làm du lịch ở vùng quê này bảo rằng, chỉ cần có khách, du lịch hoạt động trở lại đã là niềm vui với dân làng. Bởi lẽ, sự thưa vắng du khách ở ngôi làng cổ đẹp nhất nhì Việt Nam này trong thời gian dài đã ít nhiều làm cho không khí từng vui nhộn trở nên trầm lắng, đó là chưa kể ảnh hưởng đến nguồn thu nhập, đời sống của bà con.
Ông Đoàn Quyết Thắng, Giám đốc Ban quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho biết, trước tình hình “bình thường mới”, đơn vị đã lên kế hoạch để cùng bà con trong làng chuẩn bị đón du khách trở lại. Cùng với đó, tính toán các phương án để tổ chức một số sự kiện, chương trình văn hóa – nghệ thuật để phục vụ du khách.
Theo ông Thắng, quá trình mở cửa đón du khách, đơn vị cũng sẽ đảm bảo các phương án phòng, chống dịch để các hoạt động diễn ra một cách thông suốt, phục vụ được nhu cầu của khách cũng như giúp người dân làm du lịch thích ứng với cuộc sống hiện tại. Dù chỉ có một số ít khách đến thăm quan, nhưng với tình hình mở cửa thích ứng như hiện tại, làng quê này hy vọng các hoạt động sẽ dần phục hồi trong thời gian ngắn sắp đến.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch nói rằng, mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng và du lịch sinh thái đang là hướng đi được ưu tiên phát triển. Vì thế, sở sẽ hướng dẫn, cùng với đó sẽ kết nối với các địa phương để giúp phát triển các sản phẩm du lịch, mô hình du lịch này..