Đời sống Lòng tự trọng

Xem trên phương tiện thông tin đại chúng thấy một số người còn trẻ, khỏe mạnh nhưng không chịu lao động mà giả làm người tàn tật, ốm đau để ăn xin ở đường phố, gây phản cảm và bức xúc. Bằng mọi cách để họ làm người đi đường mủi lòng, xót thương. Với cách thức này, họ đã lừa không ít người đi đường và kiếm được khá nhiều tiền.

Khác với hình ảnh trên, trong cuộc sống có những mệ già đã bảy, tám mươi tuổi, lưng đã còm, tóc đã bạc trắng vẫn ngày ngày gánh ra chợ bán mớ rau, nải chuối, quả bầu, trái bí… trồng được trong vườn. Có người bị thương tật vẫn ngồi trên chiếc xe lăn, lăn từng vòng bánh đi khắp các con phố, ngõ hẻm để bán những vật dụng cá nhân, nào là bông gòn váy tai, tăm xỉa răng, đồ cắt móng tay… cho đến cây bút bi, vé số.

Ở xóm tôi có mệ đã gần tám mươi, nhưng chiều chiều vẫn nách cái rổ tre đi bán bánh nậm, bánh lọc để nuôi con bị bệnh. Thay vì ra chợ, mệ tìm đến các vườn để mua lá chuối gói bánh để được rẻ hơn. Làm từ mờ sáng đến đầu giờ chiều mệ mới đi bán cho đến tối mịt mới về. Nhờ làm ngon, sạch sẽ nên khách mua cũng nhiều. Có lúc bán không hết, thương mệ, bà con xóm giềng mua giúp. Đến khi bệnh xương khớp tái phát, sức yếu không đi được nữa mệ mới thôi bán.

Có em đang độ tuổi vui chơi, ăn học nhưng do hoàn cảnh gia đình đã đi kiếm sống bằng cách bán vé số, bán hàng rong, phụ giúp việc này, việc kia ở quán xá…

Có lần, tôi cùng nhóm bạn đang ngồi ở quán ăn thì có một bé trai đến mời mua đậu phụng. Tôi mua bốn gói cho bốn người (một gói giá mười ngàn). Đưa cho cháu tờ năm mươi ngàn đồng và nói cho cháu tiền thừa, nhưng cháu không chịu nhận. Thấy thế, tôi bèn lấy thêm một gói đậu. Lần khác, đang uống cà phê với bạn thì có bé gái đến xòe tập vé số dày cọc trên tay và mời chúng tôi mua. Bạn tôi rút ra hai mươi nghìn đồng cho cháu. Cháu rút hai tấm vé số đưa lại cho bạn tôi, nhưng bạn không lấy vé số mà nói cho cháu luôn. Tưởng là cháu vui mừng để đi bán cho người khác, nào ngờ cháu nói: “Chú lấy vé số con mới lấy tiền”. Thấy vậy, tôi hỏi cháu vì sao cho tiền mà không lấy. Cháu lí nhí trả lời: “Con bán vé số, chú mua là con đã có tiền lời rồi. Con không nhận tiền của chú cho”. Không cách nào khác bạn tôi đành lấy hai tấm vé số. Trước khi đi, cháu không quên nói lời cám ơn. Trò chuyện mới biết, đang thời gian nghỉ hè nên phụ mẹ đi bán vé số để có thêm tiền mua sách vở, áo quần chuẩn bị cho năm học mới.

Có cụ bà đã ngoài tám mươi tuổi ở tỉnh Thanh Hóa - người hai lần đã làm đơn để xin… thoát nghèo. Khi được hỏi vì sao cụ lại viết đơn như vậy, thì cụ nói rằng, mình nghèo, mình khổ nhưng còn biết bao người còn nghèo, còn khổ, còn khó khăn hơn mình cần được cưu mang, giúp đỡ hơn. Hành động của cụ khiến chúng ta xúc động và cảm phục. Nhiều người không được may mắn trong cuộc sống như bị tai nạn, dị tật bẩm sinh… nhưng không cam chịu số phận, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, đã vượt lên chính mình, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho bản thân mình mà còn cho cộng đồng.

Lòng tự trọng là phẩm chất đáng quý, đừng để đánh mất trong mỗi con người.

THIỆN LINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/long-tu-trong-a110379.html