Đời sống Một thời kiếm củi

Vơ lá là một công việc rất quen thuộc của người làng tôi. Đó là hồi cái thời chất đốt còn thiếu, rơm khô không chỉ dùng để thổi mà còn làm thức ăn cho trâu bò, ủ cho mấy chú heo trong chuồng nằm cho ấm hay ủ cho những vồng cải, tần ô, ném khi mới gieo xuống đất vừa để chống xói mòn, vừa để ấm cho mầm cây. Bởi vậy, nên ngoài rơm, nhà mô cũng phải tranh thủ đi cào lá, mót củi để trữ sẵn trong nhà khi mà mưa gió đến có cái mà thổi lửa...

Đó là những ngày khi rảnh việc đồng áng thì phụ nữ và trẻ con trong làng tranh thủ vào những buổi chiều đi mót củi hay cào lá ở những rú cây độn cát. Mùa thu đến, những trận mưa đầu mùa vỡ vạc cũng là mùa các loài cây thay lá. Những cơn gió heo may ùa về, những trận mưa bất chợt, những chùm trái cây dại cuối cùng rụng xuống cát. Khi đó lá cây cũng chuyển vàng rời cành nhường sự sống cho những mầm lá mới.

Đi mót củi, cào lá là một thú vui của tuổi thơ chúng tôi. Đó là một công việc nhẹ nhàng, vừa làm vừa chơi. Thú nhất là phát hiện một cây cổ thụ nào đó có mấy cành khô rứa là nhanh chân tót lên trên cao rồi dùng chân đạp cành xuống. Thoáng chốc đã có một bó củi khô vác lên vai mang về nhà. Còn việc cào lá thì cần sự siêng năng hơn. Những đám lá khô được un từng cụm nhỏ rồi nêm chặt bao gánh về nhà. Làng tôi vốn làm nghề nông, nguồn chất đốt còn có rơm khô hay trấu. Còn những làng làm nghề đi biển, mùa đông về, chuyện lo chất đốt còn khó khăn hơn nhiều.

Sương, cô bạn gái học cùng lớp với tôi bây chừ đang định cư ở nước ngoài kể: Ngoài làng Sương còn đi cào lá rú ở trên mấy vùng xa như Điền Môn, Điền Hương nữa. Đi cào lá dương mà cũng phải giành nhau, có người giành nguyên một vạt luôn, đặt cào xuống nói của tau, rứa là những đứa con nít như mình không dám cào lá dương chỗ người ta đã xí phần. Nhiều lúc đi cả buổi mà ít lá khô quá, phải cào bòn hay bẻ thêm lá xanh nữa... Đi cào lá với nhau mà cào ít hơn họ ra cũng bị người khác chê cười thiệt là ốt dột luôn... nhưng vui không lo toan gì cả, tới đâu tính đó...”

Trong những loại lá khô thì lá cây dương liễu là quý nhất. Rừng dương của rú quê tôi cách xa làng chừng hơn cây số. Muốn đến được rừng dương phải vượt qua rú cây dại, lội qua con khe làng nước trong như leo lẻo. Rừng dương mọc dày, cây mô cây nấy to bằng một ôm tay con nít. Lá dương rụng phủ kín phải dùng cái cào bằng sắt để gom lại. Cùng với lá dương còn có cả quả dương khô. Siêng năng một buổi chiều thì mấy mạ con có thể cào được một đôi triêng gióng đầy, mang về phơi lại vài ba nắng rồi trữ lại đó, đến khi rét mướt đem ra đun bếp. Lá dương thổi rất đượm, lửa đều và tỏa ra mùi thơm nồng thật dễ chịu. Còn quả dương là loại than cao cấp, đỏ đều và rất lâu tàn...

Đặc biệt, quạt lên một bếp than quả dương nướng mấy loài cá khô còn trữ trong cụi bếp mà nhấm rượu nhìn mưa thì trữ tình thôi rồi, cho dù đời sống vẫn còn lắm khó khăn...

Phi Tân

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/mot-thoi-kiem-cui-a75026.html