Đời sống sinh viên được khắc họa ấn tượng trên Báo Sinh Viên Việt Nam

SVVN - Sinh viên, họ là ai? Họ cần gì? Họ muốn gì? Đó chính là câu hỏi đặt ra và báo cần đáp ứng. Đó là lý do mà tờ Ban Biên tập đã tạo ra những chuyên mục giành riêng cho các bạn sinh viên trong cả nước.

Sinh Viên Việt Nam “phủ sóng”, Không gian n chiều… là những thông tin ngắn gọn, đa chiều về sinh viên khắp nơi. Những sắc thái sinh viên khắc họa những nét riêng đặc sắc của sinh viên các trường, các ngành khác nhau. Chuyện chọn ngành, chọn nghề của thí sinh được đề cập đến trên những Bàn tròn chuyên đề. Sinh Viên Việt Nam đưa đến cho bạn đọc những thông tin của mùa tuyển sinh mới, tỉ lệ chọi vào các trường…; phản ánh những khó khăn từ việc tìm nơi trọ, cuộc sống trong ký túc xá, bươn chải làm xe ôm, làm gia sư và các dịch vụ khác hay nhu cầu đi du lịch khám phá...

Ngoài trang học tiếng Anh, được sự cộng tác của đại sứ quán Pháp, báo có thêm trang Nhịp cầu bè bạn (Le pont de l’amitie). Báo nêu gương sinh viên vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập, bước đầu lập nghiệp thành công; đồng thời đề cập đến những mặt tiêu cực xuất hiện trong giới sinh viên, vấn nạn ma túy, HIV, nạn sao chép luận văn…

Phóng viên Báo Sinh Viên Việt Nam thâm nhập thực tế vào các cuộc đua xe. Báo tiến hành khảo sát và đánh giá cho điểm các trường đại học, đi trước một bước những khảo sát chuyên nghiệp sau này. Báo theo chân sinh viên Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập, mở ra những nẻo đường du học. Báo mở trang mục 3S: Sức khỏe, Sinh sản, Secret đề cập đến những vấn đề tâm sinh lý sinh viên quan tâm. Các bác sĩ Trần Bồng Sơn, Đỗ Hồng Ngọc giải đáp những thắc mắc tế nhị về tình dục, về giới tính, nạn quấy rối tình dục, mang thai ngoài ý muốn… Bên cạnh đó, còn có mục gỡ rối những tình huống tình yêu trong học đường…

Các ấn phẩm, sự kiện, chương trình được đông đảo sinh viên trong cả nước đón nhận.

Các ấn phẩm, sự kiện, chương trình được đông đảo sinh viên trong cả nước đón nhận.

Thời điểm báo Sinh Viên Việt Nam ra đời tình cờ trùng với hai sự kiện lớn, là cơ hội để thể hiện sự khát khao vươn tới của thế hệ tinh hoa mới. Đó là Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VII và sự kiện đón chào Thiên niên kỷ mới.

Để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VII, Báo Sinh Viên Việt Nam đã cùng Hội tổ chức loạt sự kiện. Cuộc thi “Hành trình Sinh viên Việt Nam”, với nội dung tìm hiểu truyền thống sinh viên Việt Nam thu hút gần 11.000 bài dự thi từ các tỉnh, thành trong cả nước gửi về. Cuộc thi viết “Sinh viên luận” là diễn đàn để sinh viên thể hiện ước vọng, dự định của mình và thế hệ mình. Cuộc thi sáng tác biểu trưng của Hội Sinh viên Việt Nam nhận được những tác phẩm chất lượng của 40 tác giả, từ đó chọn được mẫu thiết kế của bạn Nguyễn Thu Thủy, sinh viên Khoa Du lịch, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội).

Tại Đại hội, anh Hoàng Bình Quân - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn được hiệp thương bầu giữ chức Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam. Nhà báo Đoàn Công Huynh có được hiệp thương bầu làm Ủy viên Ban Thư ký T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam. Báo Sinh Viên Việt Nam thực hiện thông điệp của Hội: “Mỗi sinh viên phải nung nấu một hoài bão lớn”.

Năm 2000 chính thức được Đảng và Nhà nước quyết định là Năm Thanh niên. Báo Sinh Viên Việt Nam tập trung vào chủ đề lớn: Hoạt động tình nguyện. Nhận trách nhiệm của Hội, báo mở đường dây nóng tiếp nhận và tổng hợp thông tin từ khắp nơi. Bước sang thế kỷ 21, khái niệm về kinh tế tri thức được đề cao. Báo Sinh Viên Việt Nam nhập cuộc bằng các hoạt động và bài viết về doanh nghiệp trẻ.

Không chiếm lĩnh “thị phần” lớn như Hoa Học Trò nhưng sáng tác văn thơ trên Sinh Viên Việt Nam mang dấu ấn đời sống tâm hồn sinh viên. Các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, Trần Mạnh Hảo, Trần Đăng Khoa, Bùi Hoàng Tám, Tạ Duy Anh, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Xi Păng… gửi đăng các sáng tác về sinh viên. Những cây bút Hương Đầu Mùa đã trở thành sinh viên, mang đến những sáng tác chắc tay hơn, sâu sắc hơn. Những người bước tiếp sau này đều trở thành những nhà văn, nhà thơ như Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Dương Bình Nguyên, Dương Thụy, Bình Nguyên Trang, Chu Minh Khôi, Trịnh Nguyên Hương…

Quãng đời sinh viên có nhiều kỷ niệm không thể nào quên, báo mở cuộc thi viết Một thời đèn sách, thu hút đông đảo bạn đọc tham gia, trong số đó có những “cựu sinh viên” nay đã là giáo sư, bác sĩ, nhà giáo, kỹ sư… Bên cạnh đó là những mẩu chuyện lý thú được ghi lại trong mục Sinh viên ngoại truyện. Những bài viết này sau được Ban Biên tập tuyển chọn in thành một tập sách dày hơn 300 trang.

Bên cạnh đó, Báo Sinh Viên Việt Nam mở rộng cửa nhìn ra xã hội, nắm bắt các xu thế trên thế giới đang biến động. Nhà báo Hồng Thanh Quang (La Văn Tiến) viết về cuộc sống và con người trên các xứ lạ; những nhân vật có tầm ảnh hưởng trên thế giới; những diễn biến chính trị trên thế giới, như cuộc bầu cử ở Mỹ, ở Nga, chiến tranh ở Kosovo, tổ chức Taliban ở Afghanistan…; những kiến thức khoa học, văn hóa đề cập đến những bí ẩn của thế giới, những phát minh, sáng chế mới hấp dẫn như câu chuyện nhân bản cừu Doly, cấy ghép tim lợn cho người… Những vấn đề khoa học tưởng như khô khan nhưng dưới ngòi bút của nhà báo Nguyễn Quốc Tín (Tuấn Hà) trở nên dễ hiểu và hấp dẫn giúp Chân trời tri thức trở thành trang đặc sắc của Báo.

Đáp ứng nhu cầu thư giãn, giải trí, KTX những nụ cười, Hội SV vui tính… là những trang mục hội tụ đầy đủ chất sinh viên. Đó là những nụ cười hóm hỉnh, trào phúng; những vần thơ nghịch ngợm. Có Quán giao duyên để sinh viên giao lưu, Quán nhân sư đưa ra những câu đố “hack não”; Gallery SV độc đáo các sản phẩm mỹ thuật sinh viên.

Ngày 19/2/2020, Báo Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò chính thức sáp nhập vào Báo Tiền Phong, theo quyết định của Ban Bí thư T.Ư Đoàn. Đây là quyết định mang tính lịch sử, khép lại 22 năm hoạt động của Báo (từ 1998) – với tư cách một cơ quan báo chí độc lập của Đoàn, trong đó có ấn phẩm báo in Sinh Viên Việt Nam, diễn đàn của Hội Sinh viên Việt Nam – để chuyển sang thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan mới. Kể từ tháng 4/2020, “tờ báo có bề dày truyền thống, có thương hiệu và chỗ đứng trong lòng độc giả, đặc biệt là trong sinh viên Việt Nam, một đối tượng quan trọng của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi” – như ghi nhận của anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn khi đó – đã tiếp tục đồng hành với bạn đọc trong “hình hài” mới: svvn.tienphong.vn(chuyên trang của Báo Tiền Phong).

Những ngày này, "đại gia đình" Tiền Phong đang tích cực thi đua và rộn ràng các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (16/11/1953 - 16/11/2023).

PV

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doi-song-sinh-vien-duoc-khac-hoa-an-tuong-tren-bao-sinh-vien-viet-nam-post1586916.tpo