Đời sống Xe điện cho người khuyết tật cả hai tay
TTH - Khác những chiếc xe điện dành cho người khuyết tật thông thường khác, lần đầu tiên có một chiếc xe điện dành cho người khuyết tật hai tay. Nhiều người nghe sẽ ngỡ ngàng, nhưng đó là sự thật, mở ra cơ hội di chuyển thuận tiện cho những phận đời yếu thế.
Chiếc xe điện ấy vừa được Trường CĐ Giao thông Huế tặng lại cho người đàn ông khuyết tật Huỳnh Văn An (60 tuổi, trú ở Phú Bài, TX. Hương Thủy). Đó cũng chính là công trình nghiên cứu của ba giảng viên nhà trường.
Rưng rưng món quà ý nghĩa
Một ngày giữa tháng 8, thông qua Hội người khuyết tật - bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, ông An được giới thiệu để nhận món quà ý nghĩa này. Đó là chiếc xe điện điều khiển hoàn toàn bằng chân vô cùng thuận tiện và phù hợp với người đã mất đôi cánh tay như ông.
“Tôi cứ nghĩ mất đôi bàn tay thì không điều khiển gì được, chắc phải đi bộ đến cuối đời. Nào ngờ…”, ngồi trên chiếc xe vừa được tặng ông An nói với giọng rưng rưng. Hơn 20 năm trước ông gặp nạn trong một lần đi lượm phế liệu, không may gặp đạn nổ, mất luôn đôi bàn tay. Cũng kể từ đó, ông không thể điều khiển một phương tiện nào.
Hàng ngày ông đi bộ hàng chục cây số để mưu sinh với nghề bán vé số. Đôi chân ấy trong hành trình rong ruổi nhiều nơi khiến ông chạnh lòng. “Người ta khuyết tật đôi chân thì vẫn có thể ngồi trên xe dùng tay lắc xe lắc. Đằng này tôi đôi chân khỏe, nhưng mất cả hai tay nên chịu”, ông An kể và mơ ước một ngày nào đó có phương tiện hữu dụng cho mình cũng như những phận đời tương tự. Mơ ước vẫn chỉ là ước mơ, ngày đó không biết bao giờ mới đến…
Tưởng chừng ước mơ rơi vào bế tắc thì gần đây ông nhận được cuộc điện thoại. Cuộc gọi ấy báo tin có một công trình đang nghiên cứu về phương tiện dành cho người khuyết tật cả hai tay. Họ mời ông lên thử nghiệm và hứa tặng món quà ấy để phục vụ hành trình mưu sinh của ông… “Tôi vui quá, không tin rằng người mất hai tay như tôi lại có chiếc xe điện tiện lợi như thế. Tôi được mấy anh sáng chế mời tới thử vài lần trong quá trình nghiên cứu. Tất cả những thiết bị, chi tiết… được lắp ráp phù hợp, tốt nhất cho quá trình di chuyển của tôi”, ông An kể lại.
Ngày chiếc xe sáng chế thành công chính thức bàn giao, ông An nở nụ cười tươi rồi điều khiển quanh sân trường khiến nhiều người chứng kiến xúc động. Ông rưng rưng: “Cảm ơn mấy thầy. Vậy là từ nay tôi có thể di chuyển thuận tiện rồi, đôi bàn chân tuổi già cũng bớt mỏi mệt hơn!”.
Sẻ chia với người khuyết tật hai tay
Nghe người đàn ông khuyết tật là bậc cha chú của mình tâm sự, những người sáng chế hạnh phúc theo khi được đóng góp chút công sức. Nhóm sáng chế này bao gồm ba giảng viên đang công tác ở Phòng Khoa học, Đối ngoại và Đảm bảo chất lượng: Nguyễn Xuân Trung, Phan Tại Khương Hoàng, Dương Văn Lập.
Cả ba cũng hy vọng trong tương lai sáng chế này sẽ được nhân rộng, số xe được sản xuất nhiều hơn để giúp cho người khuyết tật hai tay có thể tiếp cận. Để làm được điều này, nhóm cho rằng cần phải lên dự án, cần có sự chung tay của các tổ chức, tấm lòng thiện nguyện.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Trung kể rằng, ý tưởng này xuất phát từ những quan sát đời thường. Người khuyết tật một tay hay hai chân có vẫn có thể sử dụng xe lăn, xe lắc. Riêng phương tiện cho người khuyết tật hai tay thì không có nên bị phụ thuộc vào người thân hoặc còn cách… đi bộ. “Đó không chỉ là bất tiện mà còn là điều thiệt thòi. Từ những điều thực tế đó, chúng tôi quyết định nghiên cứu và chế tạo ra chiếc xe điện này”, anh Trung chia sẻ.
Trên mô hình chiếc xe lắc nguyên bản, nhóm đã chế tạo ra hệ thống điều khiển hoàn toàn bằng bàn đạp hai chân bao gồm ga và phanh. Cũng trên hệ thống bàn đạp, người điều khiển có thể tựa vào để điều khiển hướng đi của xe, ngoài ra xe còn có thể di chuyển lùi. Phía trước có đèn chiếu sáng, cạnh ghế ngồi có đồng hồ điện áp ắc quy.
Động cơ trên xe được lắp từ 3 bình ắc quy 12V – 30 Ah mắc nối tiếp. Theo tính toán của nhóm nghiên sáng chế, khi nạp đầy pin xe sẽ chạy được khoảng 50km, với vận tốc 20km/h trong điều kiện đường nhựa bằng phẳng, trời nắng ráo. Giá thành cho một chiếc xe như vậy 9 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo anh Trung đây là sản phẩm khó thương mại hóa mà chỉ sản xuất vì mục đích từ thiện, bởi lẽ trường hợp người khuyết tật hai tay là rất ít và đa phần có hoàn cảnh khó khăn. “Vì thế, tôi nghĩ các tổ chức có thể kêu gọi các dự án, tấm lòng hảo tâm tài trợ để sản xuất nhiều hơn, giúp cho những người khuyết tật hai tay có thể di chuyển một cách thuận tiện”, anh Trung hy vọng.
Theo thạc sĩ Trương Diên Thọ, Hiệu trưởng Trường CĐ Giao thông Huế, ngoài nghiên cứu, giảng dạy, đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường hướng đến việc tạo ra những sản phẩm thực tế, áp dụng vào đời sống xã hội một cách thiết thực.