Đối tác của Công ty Cảng Quy Nhơn: Không biển hiệu, cửa đóng im lìm
Ngày 3/2, đại diện Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long (Công ty Vận tải biển Cửu Long) cho biết, TAND tỉnh Bình Định vừa ban hành Quyết định hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm giữa nguyên đơn là Công ty Vận tải biển Cửu Long và bị đơn là Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn.
Hoãn phiên tòa vì đại diện doanh nghiệp vắng mặt
Theo nội dung vụ án, ngày 12/10/2016, Công ty Vận tải biển Cửu Long (bên A) và Công ty Cảng Quy Nhơn (bên B) cùng nhau ký kết Hợp đồng kinh tế số 274/CUULONG/2016/01.02 (Hợp đồng 274) về việc “Thuê tàu lai dắt vào khai thác tại cảng Quy Nhơn”.
Theo Hợp đồng 274, bên B đồng ý thuê tàu lai của bên A để thực hiện hỗ trợ tàu thủy của khách hàng bên B ra/vào Cảng Quy Nhơn. Thời hạn thuê 10 năm. Đến tháng 12/2018, hai bên xảy ra tranh chấp.
Mới đây, TAND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 19/2025/QĐST-KDTM ngày 24/1/2025 về việc hoãn phiên tòa phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 05/2024/TLST-KDTM ngày 23/1/2025 về việc tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ và tuyên hợp đồng kinh tế vô hiệu giữa Công ty Vận tải biển Cửu Long và Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn.
Lý do hoãn là đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Tường Linh (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) vắng mặt theo quy định tại khoản 1, Điều 227, Bộ luật Tố tụng dân sự.
Đại diện nguyên đơn là Công ty Vận tải biển Cửu Long cho biết, vụ án đã kéo dài nhiều năm nay và bày tỏ sự thất vọng vì phiên tòa tiếp tục kéo dài thêm thời gian. “Việc hoãn phiên tòa có thể kéo dài quá trình xét xử, làm chậm tiến độ giải quyết vụ án”.
Trụ sở "bí ẩn" giữa lòng đô thị
Công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến việc tranh chấp hợp đồng giữa Công ty Vận tải biển Cửu Long và Cảng Quy Nhơn, đồng thời là một trong những đối tác đang hợp tác làm ăn với Cảng Quy Nhơn với giá trị hợp đồng kinh tế có thời hạn lên tới 10 năm, tổng giá trị hợp đồng lên đến 324 tỷ đồng, kèm chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho mỗi bên là 10 tỷ đồng. Thế nhưng, trụ sở của Công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh không có biển hiệu và thường xuyên đóng cửa.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Hải Phòng, Công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh được đăng ký với các ngành nghề chính liên quan đến vận tải hàng hóa và thương mại, có trụ sở chính tại địa chỉ Số 1 đường Thanh Niên, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Thành phố Hải Phòng. Là Công ty TNHH hai thành viên trở lên, có tên viết tắt là PHUC TRUONG LINH TRANTRACO.
Doanh nghiệp này đăng ký lần đầu vào 25/12/2012, đăng ký thay đổi lần thứ ba vào ngày 20/3/2020 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng do bà Phạm Thị Bích Nga nắm giữ 60% tỷ lệ vốn góp làm Giám đốc và ông Trần Tuấn Linh nắm giữ 40% vốn góp còn lại.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế tại địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh, doanh nghiệp này không có biển hiệu đề tên công ty, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đây là nơi làm việc của một doanh nghiệp vận tải. Cánh cửa luôn trong tình trạng đóng kín.
Một số người dân sinh sống xung quanh cho biết, họ hiếm khi thấy có người ra vào tại địa chỉ này. "Tôi sống ở đây đã lâu nhưng chưa từng thấy hoạt động gì liên quan đến công ty vận tải cả. Cửa thường xuyên đóng, cũng không có biển tên hay bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đây là văn phòng làm việc", một người dân chia sẻ.
Còn theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh được đăng ký với các ngành nghề chính liên quan đến vận tải hàng hóa và thương mại. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là không có nhiều báo cáo tài chính hoặc thông tin cập nhật về các hoạt động kinh doanh của công ty trong thời gian gần đây.
Những nghi vấn xung quanh hoạt động của công ty
Phóng viên Báo Công lý đã cố gắng liên hệ với Công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh qua các số điện thoại và địa chỉ email được đăng ký trên hệ thống thông tin doanh nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều không nhận được phản hồi. Điện thoại không có người nghe máy, email gửi đi không có hồi âm.
Điều này làm dấy lên câu hỏi lớn: Nếu công ty vẫn đang hoạt động bình thường, tại sao lại không có bất kỳ ai phụ trách liên lạc để giải đáp thắc mắc từ đối tác hay khách hàng? Sự im lặng này càng khiến dư luận hoài nghi về tính chân thực trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
Việc một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không có biển hiệu rõ ràng và không có dấu hiệu hoạt động thực tế đặt ra nhiều vấn đề. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các doanh nghiệp phải treo biển hiệu tại trụ sở chính để đảm bảo tính minh bạch và thuận tiện cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động.
Luật sư Lê Minh Công – Văn phòng Luật sư số 6 thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long, cho biết: "Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp đều phải có trụ sở rõ ràng và biển hiệu để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động. Việc không có biển hiệu, không hoạt động thực tế tại địa chỉ đăng ký có thể bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện sai phạm, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị đình chỉ hoạt động”.
Cũng theo Luật sư Lê Văn Công, nghi vấn lớn nhất là liệu Công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh có thực sự hoạt động hay chỉ tồn tại trên giấy tờ? Luật sư Công cho rằng, việc không có biển hiệu và không có hoạt động rõ ràng có thể là dấu hiệu của các vấn đề liên quan đến kinh doanh trá hình hoặc là vỏ bọc bình phong cho các hoạt động kinh doanh bất minh liên quan đến các đối tác của đơn vị này.
Trước những nghi vấn trên, thiết nghĩ cơ quan chức năng Thành phố Hải Phòng cần sớm kiểm tra, rà soát hoạt động của Công ty TNHH Thương mại Vận tải Phúc Trường Linh. Điều này không chỉ đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, mà còn góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại nếu có.