Đội tàu biển Việt Nam giảm số lượng nhưng tăng tổng trọng tải và dung tích

Đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam đang duy trì hoạt động có 1.206 chiếc, giảm 40 chiếc so với năm 2022 nhưng tổng trọng tải và tổng dung tích lại tăng nhẹ.

Đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đang duy trì hoạt động có 1.206 chiếc, trong đó có 592 tàu hoạt động tuyến quốc tế - Ảnh minh họa

Đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đang duy trì hoạt động có 1.206 chiếc, trong đó có 592 tàu hoạt động tuyến quốc tế - Ảnh minh họa

Ngày 11/8, Cục Đăng kiểm VN cho biết, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đang duy trì hoạt động có 1.206 tàu, với tổng trọng tải 11,2 triệu tấn và tổng dung tích 6,94 triệu tấn. Chiếm đa số trong đội là tàu chở hàng tổng hợp (438 chiếc), còn các loại chở hàng khác như hàng rời, container, khí hỏa lỏng chỉ vài chục chiếc (mỗi loại từ 20 đến dưới 90 chiếc)…

Đáng chú ý, đội tàu hiện nay giảm 40 chiếc so với năm 2022 (tương ứng giảm 4%), song tín hiệu tích cực là tổng trọng tải và tổng dung tích tăng nhẹ (tăng 0,52 triệu tấn và 0,24 triệu GT).

Trong đội tàu trên, tàu hoạt động tuyến quốc tế có 592 chiếc, với tổng trọng tải 9,88 triệu tấn, tổng dung tích 6,015 triệu GT; nhiều nhất là tàu chở hàng tổng hợp, tàu dầu và hàng rời. So với năm trước, tàu biển chạy tuyến quốc tế giảm 18 chiếc.

Cũng đáng chú ý, số lượng tàu biển chạy tuyến quốc tế giảm nhưng tỷ lệ tàu bị chính quyền cảng biển nước ngoài lưu giữ lại tăng ở mức cao nhất kể từ năm 2020. Cụ thể, tính đến 30/6/2023, tổng số có 423 lượt tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam bị chính quyền các cảng nước ngoài kiểm tra (an toàn kỹ thuật, an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường…) và có 16 lượt tàu bị lưu giữ (tương ứng 4,49%) do có các khiếm khuyết kỹ thuật, vận hành an toàn tàu. Ngoài ra, trong tháng 7/2023, ít nhất có thêm 1 trường hợp tàu khác bị lưu giữ.

Các khiếm khuyết dẫn đến tàu bị lưu giữ chủ yếu liên quan đến hệ thống: an toàn chống cháy, an toàn hàng hải, trang thiết bị cứu sinh, tình trạng kín nước/kín thời tiết, hệ thống quản lý an toàn…

Đây là tỷ lệ đáng báo động, bởi từ năm 2020-2022, tỷ lệ tàu bị lưu giữ đều dưới mức 2%. Hệ quả của việc tỷ lệ tàu bị lưu giữ tăng cao là chính quyền cảng nước ngoài sẽ chú ý và tăng cường kiểm tra tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam, khiến chủ tàu, thuyền viên mất thời gian và chi phí để sửa chữa, khắc phục nếu bị lưu giữ.

Cũng theo Cục Đăng kiểm VN, từ ngày 1/9-31/11/2023, chính quyền cảng các nước thành viên thuộc khu vực Tokyo-Mou và khu vực Paris-Mou kết hợp triển khai chiến dịch tập trung kiểm tra về an toàn chống cháy tàu biển. Do đó, các chủ tàu, công ty quản lý tàu biển hoạt động tuyến quốc tế cần tăng cường duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của tàu, lưu ý các biện pháp nhằm giảm nguy cơ bị lưu giữ tại cảng nước ngoài.

"Theo chỉ đạo của Cục Đăng kiểm VN, từ nay đến hết năm 2023, các đơn vị đăng kiểm tàu biển tăng tần suất kiểm tra tàu biển hoạt động tuyến quốc tế. Cục Đăng kiểm VN và Cục Hàng hải VN tiếp tục phân tích, xác định nguyên nhân tàu biển bị chính quyền cảng nước ngoài lưu giữ để có biện pháp khắc phục, phòng ngừa đối với các khiếm khuyết dẫn đến bị lưu giữ. Đồng thời, xác định trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc bỏ lọt khiếm khuyết kỹ thuật dẫn đến việc tàu bị lưu giữ", lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cho biết giải pháp.

Huy Lộc

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/doi-tau-bien-viet-nam-giam-so-luong-nhung-tang-tong-trong-tai-va-dung-tich-183230811160956445.htm