Đội tàu TQ tràn xuống Biển Đông cào nghêu, đe dọa hủy hoại môi trường
Sau khi giảm hoạt động giai đoạn 2016-2018, chuyên gia CSIS phát hiện những đội tàu đánh bắt nghêu Trung Quốc đổ về Biển Đông với số lượng lớn trong sáu tháng qua.
Báo cáo ngày 20/5 của Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), cho biết các đội tàu đánh bắt nghêu khét tiếng phá hoại môi trường của Trung Quốc đã gia tăng hoạt động tại Biển Đông.
Các đội tàu này thường gồm nhiều tàu nhỏ đi cùng với nhóm các "tàu mẹ" có tải trọng lớn. Ảnh chụp vệ tinh từ cuối năm 2018 cho thấy họ hoạt động thường xuyên tại bãi cạn Scarborough và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng Trung Quốc đang chiếm đóng và quân sự hóa trái phép.
Tác hại kinh hoàng đến môi trường Biển Đông
Mô hình đánh bắt của các đội tàu phá hủy diện tích lớn rạn san hô trong vùng biển để khai thác giống nghêu khổng lồ đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Những giống nghêu này có thể phát triển dài hơn 1 m, nặng hơn 200 kg và sống hơn 100 năm tuổi. Vỏ nghêu được đưa về tỉnh Hải Nam, có thể được bán với giá hàng nghìn USD mỗi cái để chế tác đồ trang sức hoặc tác phẩm điêu khắc.
Chúng được xem là "vàng trắng của đại dương", được giới nhà giàu Trung Quốc săn tìm, xem là biểu tượng của sự thịnh vượng. Các sản phẩm từ nghêu khổng lồ được tin là mang lại sức khỏe và may mắn cho người dùng, tương tự như ngà voi hay vây cá mập. Ngoài ra, loại vỏ này rất khó để làm giả do có cấu trúc đặc biệt thể hiện quá trình phát triển của nghêu, có thể nhìn thấy qua kính hiển vi.
Trong thời gian hoạt động từ năm 2012-2015, những đội tàu khai thác nghêu làm tổn hại nghiêm trọng hoặc phá hủy hoàn toàn ít nhất 28 rạn san hô trên Biển Đông, theo báo cáo của Victor Robert Lee trên chuyên trang phân tích The Diplomat.
Ngư dân Trung Quốc sử dụng chủ yếu phương pháp đánh bắt tàn phá các rạn san hô. Họ thả neo tàu, sau đó kéo lê như bồ cào dưới đáy biển, đập vỡ san hô và đào lớp trầm tích để thu hoạch nghêu lớn được dễ dàng. Hoạt động này được tiến hành đồng loạt và lặp đi lặp lại hàng trăm đến hàng nghìn lần, thực hiện bằng các công cụ đánh bắt thô sơ, tạo nên những "vết sẹo" dưới đáy biển. Những dấu vết khai thác có thể nhìn thấy rõ ở các vùng nước nông qua ảnh chụp vệ tinh.
Hoạt động khai thác của các đội tàu Trung Quốc có tác hại môi trường vô cùng nghiêm trọng. Trong phán quyết tháng 7/2016 vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, tòa trọng tài kết luận Trung Quốc đã vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường biển.
John McMacnus, chuyên gia tại Đại học Miami, ghi nhận tính đến năm 2016 có hơn 10.100 hecta san hô ở các vùng biển nông bị tổn hại vì hoạt động khai thác nghêu của Trung Quốc. Con số này còn lớn hơn diện tích san hô bị phá hủy vì hoạt động nạo vét và bồi đắp đảo nhân tạo trái phép là gần 6.000 hecta.
Đội tàu khét tiếng tái xuất
Theo nghiên cứu của CSIS, giới chức Trung Quốc dường như ý thức rõ và cho phép đội tàu khét tiếng này quay lại hoạt động trên Biển Đông.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy tàu đánh bắt nghêu bắt đầu hoạt động ở vùng biển quanh Đá Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, từ cuối năm 2018. Bụi trầm tích từ hoạt động nạo vét đáy biển có thể được nhìn thấy rõ trong ảnh chụp ngày 11/4. Bụi trầm tích cùng những vết sẹo hình mũi thuyền trên bề mặt đáy biển là dấu hiệu giai đoạn đầu của quá trình khai thác nghêu tương tự những năm 2012-2015.
Các hoạt động khai thác nghêu bằng phương pháp trên đi ngược lại quy định của luật pháp quốc tế và luật môi trường của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng vẫn ngang nhiên diễn ra sau khi Trung Quốc hồi tháng 7 cho lắp đặt tại Đá Bông Bay cái gọi là trạm quan sát hàng hải "Ocean E-Station", hỗ trợ định hướng cho tàu trong khu vực.
Những mô tả về năng lực radar giám sát của cơ sở này cho thấy giới chức Trung Quốc đủ khả năng nắm được diễn biến ở thực địa nhưng không hề có động thái can thiệp.
Dấu vết khai thác nghêu khổng lồ cũng được phát hiện ở đảo Bạch Quy thuộc Hoàng Sa. So với ảnh chụp vệ tinh hồi tháng 2/2018, mặt biển khu vực ghi nhận vào tháng 11 cùng năm đã bị biến dạng với những dấu vết của hoạt động nạo vét.
Đội tàu Trung Quốc cũng xuất hiện tại bãi cạn Scarborough, vốn là điểm nóng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông. Ảnh chụp vệ tinh tháng 12/2018 cho thấy số lượng lớn tàu Trung Quốc hiện diện tại vùng biển. So sánh ảnh chụp tháng 3 và tháng 12/2018 cũng cho thấy nhiều dấu vết nạo vét mới xuất hiện ở đáy biển.
Các chuyên gia của CSIS nghi ngờ tàu Trung Quốc đang áp dụng thêm phương pháp khai thác mới ở bãi cạn Scarorough, đặc biệt tại các vùng biển sâu mà thiết bị nạo vét không tiếp cận được đáy biển.
Trong một phóng sự của trên ABS-CBN của Philippines, các phóng viên nhìn thấy tàu Trung Quốc gắn ống nhựa lớn vào máy bơm áp suất cao để hút nghêu. Phương pháp mới có tác hại môi trường thậm chí còn lớn hơn kiểu đánh bắt cũ. Các chuyên gia cảnh báo lớp trầm tích dưới đáy biển có thể phát tán trên quy mô lớn, làm ô nhiễm môi trường và rối loạn hệ sinh thái các vùng biển xung quanh.
Tương tự như trường hợp tại Đá Bông Bay, tuần duyên Trung Quốc vẫn hiện diện thường trực ở bãi cạn Scarborough. Phóng sự của ABS-CBN thậm chí ghi nhận hình ảnh tàu chấp pháp Trung Quốc đến thăm tàu ngư dân.
Hoạt động khai thác nghêu gây tổn hại môi trường của các tàu Trung Quốc đang diễn ra với tần suất lớn đến mức những bãi tập kết hải sản có thể nhìn thấy rõ trên ảnh vệ tinh. Ảnh chụp vào tháng 3 cho thấy những bãi tập kết này là chấm trắng "bất thường" quanh các rạn san hô, theo mô tả của CSIS.
Nguy cơ điểm đến kế tiếp
Các chuyên gia thuộc chương trình AMTI chưa phát hiện bằng chứng đủ vững chắc cho thấy hoạt động khai thác nghêu của đội tàu Trung Quốc đã xuất hiện tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong ảnh chụp vào ngày 7/4, các chuyên gia phát hiện một "tàu mẹ" cùng nhiều tàu nhỏ hiện diện ở vùng biển gần Đá An Nhơn (tên tiếng Anh là Lankiam Cay). Tàu mẹ của ngư dân Trung Quốc có chiều dài gần 20 m, nhỏ hơn các tàu xuất hiện tại Đá Bông Bay gần 10 m. Các tàu nhỏ ở hai trường hợp có kích thước tương đương.
Các chuyên gia chưa phát hiện những dấu sẹo đặc trưng trên đáy biển ở khu vực Đá An Nhơn. Điều này có thể cho thấy hoạt động khai thác nghêu gây hại cho môi trường vẫn chưa diễn ra sau khi đội tàu Trung Quốc đến khu vực.
Tuy nhiên, với phương pháp khai thác mới được thực hiện tại Scarborough, hoạt động đánh bắt nghêu của các tàu Trung Quốc khó phát hiện và tổng hợp hơn trước. Việc hút trầm tích và nghêu bằng máy bơm nước áp suất lớn không để lại dấu tích như giai đoạn 2012-2015 và khó được phát hiện qua ảnh chụp vệ tinh.
Các chuyên gia của CSIS cảnh báo còn rất nhiều hoạt động khai thác nghêu của ngư dân Trung Quốc gây hại cho môi trường nhưng chưa được phát hiện.
Với hàng chục nghìn hecta san hô đã bị phá hủy cùng trữ lượng cá đang ở mức báo động, "toàn khu vực sẽ cảm nhận rõ sức ảnh hưởng từ hoạt động phá hoại môi trường biển này", báo cáo của AMTI cảnh báo.