Đội tàu Việt Nam nên 'đánh' vào thị trường nội địa, nội Á
Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý khi nằm trên tuyến vận tải biển quan trọng của thế giới, hệ thống cảng biển nước ta đồng bộ, đón được những tàu biển lớn nhất thế giới. Nhưng đội tàu biển của ta còn yếu, bởi vậy, để làm ăn hiệu quả, chúng ta cần biết mình, biết người, 'mèo bé bắt chuột con'.
Đội tàu biển còn yếu
Theo ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT, vận tải biển đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hàng hóa giao thương giữa các nước trên thế giới. Hơn 80% sản lượng hàng hóa thương mại được vận tải bằng đường biển. Tuy nhiên, đội tàu nước ta chủ yếu vận tải nội địa và hoạt động tuyến quốc tế ngắn trong khu vực châu Á, chưa thể cạnh tranh được đội tàu nước ngoài.
Ông Giang cho rằng, việc phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam là hướng đi quan trọng để giảm chi phí vận tải, từng bước nâng cao thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đội tàu biển Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài. “Tuy nhiên, hiện nay đội tàu nước ta đang yếu và thiếu” - lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam thừa nhận.
Thừa nhận sự yếu kém của đội tàu biển trong nước, ông Võ Duy Thắng - Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, đội tàu biển nước ta có xu hướng giảm về tổng số lượng tàu, nhưng tăng số lượng loại tàu có trọng tải lớn. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, số lượng đội tàu vận tải biển dao động từ 1.000 đến trên 1.200 tàu. Số lượng tàu năm 2021 so với năm 2016 giảm trên 200 tàu (17,2 %). So với giai đoạn 2010 - 2015, đội tàu vận tải của Việt Nam đã giảm trên 400 tàu. Nhưng tổng dung tích và tổng trọng tải của đội tàu vận tải tăng trưởng trên 6%.
Năng lực yếu của đội tàu Việt Nam còn được thể hiện ở chỗ chủ yếu phù hợp với thị trường vận chuyển hàng hóa ven biển nội địa hoặc quốc tế ngắn trong khu vực; chưa thể cạnh tranh tại thị trường vận chuyển quốc tế.
Bổ sung thêm về sự yếu kém của đội tàu Việt Nam, ông Bùi Văn Trung - Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam - cho biết, đội tàu container của Việt Nam còn quá nhỏ bé. Đến 31/3/2022, cả nước có 10 công ty vận tải container, sở hữu 48 tàu container với tổng sức chở 39.519 Teus, tổng trọng tải 548.236 DWT. Trong số này, có tới 13 tàu trên 25 tuổi, 3 tàu trên 20 tuổi, 15 tàu có trọng tải từ 300 Teus đến dưới 600 Teus, chỉ có thể chạy ở trong nước. 17 tàu có trọng tải từ 600 Teus trở lên có thể chạy các tuyến khu vực nội Á.
“Trong khi đó, chỉ riêng hãng Evergreen của Đài Loan đã sở hữu 116 tàu và thuê khai thác 87 tàu với tổng năng lực chuyên chở là 1,4 triệu Teus” - ông Trung dẫn chứng.
“Mèo bé bắt chuột con”
Thừa nhận đội tàu biển quốc tế của Việt Nam còn yếu kém nhưng các chuyên gia và giới quản lý vận tải biển thừa nhận nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển vận tải biển.
Đại diện Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho biết, nước ta có vị trí địa chính trị quan trọng, nằm trên tuyến vận tải hàng hải trọng yếu Đông - Tây bán cầu Bắc, chiếm trên 80% khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn thế giới. Khoảng 90% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu được chuyên chở bằng đường biển.
Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải thì cho rằng Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều Hiệp định thương mại tự do, là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế là những điều kiện thúc đẩy hàng hóa Việt Nam sản xuất ra thị trường quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, hệ thống cảng biển Việt Nam đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển. Đặc biệt, nuớc ta đã hình thành một số cảng biển nước sâu, đón được các tàu lớn nhất thế giới đi biển xa mà không phải giảm hàng hay qua trung chuyển. Từ đây, đã hình thành 3 phân khúc thị trường vận tải biển là vận tải nội địa, nội Á và biển xa.
Vị Thứ trưởng cho rằng doanh nghiệp Việt Nam không nên “viển vông” việc vận tải biển xa vào lúc này mà cần “đánh” vào thị trường trọng tâm, trọng điểm là vận tải nội địa và nội Á. Trước mắt, chúng ta phải cố gắng giành giật thị trường vận tải nội Á cho đội tàu biển của ta. Muốn phát triển đội tàu vận tải quốc tế, phải “bóc ngắn cắn dài” - ông Sang gợi ý.
Vì thế cần tăng thị phần hàng hóa, khối lượng hàng hóa bằng đường biển và đường thủy nội địa để giảm áp lực cho đường bộ, giảm giá thành vận tải biển, từ đó giảm chi phí logistics…