Đôi tay 'lạ' của Hoa khôi Wushu Dương Thúy Vi
Giành 2 huy chương vàng SEA Games sau 5 năm không tham dự kỳ đại hội là món quà tuyệt vời của Dương Thúy Vi khi cô bước sang tuổi mới, và đó là kết quả của rất nhiều nỗ lực.
Bí quyết cho sự trở lại
Trải qua 5 năm không tham dự SEA Games (Philippines cắt bớt nội dung năm 2019), Dương Thúy Vi vẫn xuất sắc bảo vệ 2 tấm HCV Thương thuật và Kiếm thuật giành được tại Malaysia 2017. Đó là một thành quả lớn bởi không chỉ mất 2 năm không tham dự bất kỳ giải đấu nào, Thúy Vi còn phải đối mặt với thế hệ đàn em trong khu vực, khi những đối thủ ở độ tuổi của cô đều giải nghệ hết.
“Giờ thì tôi nghỉ ngơi được rồi” – Thúy Vi chia sẻ sau khi kết thúc bài thi Trường quyền với số điểm 9,68, để khép lại kỳ SEA Games 31 trên sân nhà với 2 HCV và 1 HCĐ. “Tôi cảm thấy rất vui khi đã hoàn thành 3 ngày thi đấu và 3 bài thi đều không có điểm trừ nào. Khi xem lại, tôi nghĩ bản thân còn có thể làm tốt hơn, nhưng không sao, tôi rất hài lòng khi hoàn thành bài biểu diễn của mình”.
Có hai nguyên nhân cho sự trở lại ấn tượng này. Đầu tiên là bản lĩnh của một VĐV giàu kinh nghiệm. Trong phần thi đầu tiên Kiếm thuật, Thúy Vi là người biểu diễn áp chót (bốc thăm số thứ tự 7/8) và chịu sức ép không nhỏ khi VĐV người Indonesia – Mauri Nandhira đạt số điểm rất cao 9,67. Tuy nhiên, cô vẫn xuất sắc vượt qua để giành HCV với 9,70 điểm.
Wushu vốn là môn cần sự tĩnh lặng, đặc biệt với những VĐV trải qua 2 năm chỉ ‘quanh quẩn’ ở phòng tập Trịnh Hoài Đức. Bước ra Nhà thi đấu quận Cầu Giấy đầy ắp khán giả, bầu không khí hoàn toàn khác biệt. Nhưng điều này không ảnh hưởng tới Thúy Vi: “Những VĐV giàu kinh nghiệm có thể dễ dàng làm chủ bản thân hơn các bạn trẻ. Tôi không gặp vấn đề gì, nhưng VĐV trẻ có thể cuốn theo sự hưng phấn và không kiểm soát được cảm xúc”.
Từng nói “làm chủ được tấm thảm là điều quan trọng nhất”, VĐV sinh năm 1993 đem sự điềm tĩnh của hơn 20 năm luyện tập Wushu để giành ngôi số 1. Trong ngày thi đấu thứ 2, cô thi Thương thuật và cũng giành 9,70 điểm. Nhưng lần này, Thúy Vi thi đầu tiên và không ai vượt qua được. Cô không coi phần thi của Nandhira hay bất cứ ai là áp lực, bởi đối thủ của Thúy Vi là chính mình. Thi trước hay thi sau đều không có sự khác biệt.
Điều thứ hai chính là niềm đam mê với Wushu. Trải qua những giai đoạn vất vả, chán nản tưởng chừng không thể vượt qua được, trong khi thế hệ đàn chị như Trà My, Thùy Linh hay Mai Phương đều nghỉ ở độ tuổi 20-22, Thúy Vi vẫn đang cạnh tranh ngôi vô địch ở tuổi 29.
“Tôi đã có thể nghỉ từ năm 2014 khi giành tất cả huy chương trong tay, nhưng tôi luôn cảm thấy mình học chưa đủ trong Wushu. Lý do tôi duy trì tập luyện đến bây giờ bởi mình thực sự muốn tiếp tục. Tôi chẳng có bí quyết gì, bởi bản thân việc đến giờ tôi vẫn đứng ở đây thì đó chính là bí quyết lớn nhất” – Thúy Vi khẳng định.
Thành quả của sự nỗ lực
Tập võ từ năm 7 tuổi, đánh giải trẻ toàn quốc năm lên 10 và tới 14 tuổi, Thúy Vi bắt đầu lên ĐT quốc gia (năm 2007). Cô gái vàng của thể thao Việt Nam có hơn 2 thập kỷ gắn bó với Wushu với những động tác lặp đi lặp lại hàng ngày có phần nhàm chán.
Để chuẩn bị cho 1 phút 30 giây trình diễn ở các giải đấu, trong mỗi buổi tập, Dương Thúy Vi đều phải tập đứng tấn, bật nhảy, nhào lộn hay tiếp đất. Với riêng động tác xoay người, Thúy Vi thực hiện xoay 2 vòng trên không và kết hợp với chân, tay để sửa tư thế, thực hiện một cách hoàn hảo nhất. Mỗi buổi tập, nữ VĐV này xoay hàng chục, hàng trăm lần. Và cô đã lặp đi lặp lại điều đó trong hơn 20 năm theo đuổi sự nghiệp.
Những chấn thương là điều không tránh khỏi, bởi thể thao đỉnh cao là những hoạt động vượt quá giới hạn của người bình thường. Đầu gối của Thúy Vi thỉnh thoảng vẫn bị mất lực, bị viêm, chảy dịch, rách sụn chêm trong. Khớp gối, tay chân hay lưng lúc nào cũng đau nhức. Nhiều lần điều trị, bác sĩ đều bảo chấn thương của cô không tránh được, muốn khỏi chỉ có giải nghệ.
Phạm Quốc Khánh trong quá khứ từng đứt dây chằng đầu gối và phải phẫu thuật. Anh từng rách cơ bụng nhưng vẫn nén đau thi đấu giành HCV SEA Games. Ngay tại kỳ SEA Games 31 lần này, VĐV trẻ Nguyễn Văn Phương sau một động tác xoay vòng đã ngã quỵ và bỏ dở bài thi của mình. Phương chấn thương từ trước khi thi đấu nhưng vẫn nén đau dự giải. Anh được xác định đứt dây chằng đầu gối và cần mất nửa năm đến 1 năm để bình phục hoàn toàn.
Thúy Vi may mắn không phải trải qua phẫu thuật như các đồng đội, nhưng bản thân là nữ, cô đối mặt với một vấn đề khác. Dành cả thanh xuân trong phòng tập, Thúy Vi gần như không có thời gian chăm sóc bản thân. Chưa hết, việc thường xuyên phải cầm kiếm, thương khiến đôi tay của cô cũng không lành như những người phụ nữ bình thường.
Bàn tay của Vi bị khô, da tay bong tróc, không lành và với mắt thẩm mỹ của người thường, đó không thể coi là đẹp. Nhưng với các nữ VĐV như Dương Thúy Vi, hình ảnh đó minh chứng cho những khó khăn phải trải qua, thể hiện sự nỗ lực trên sân tập. Đôi tay đó rất đẹp và đáng tự hào, khi cô đem thành tích về cho đất nước.
Kỳ SEA Games cuối cùng
Kỳ đại hội khu vực Đông Nam Á mà Dương Thúy Vi phải chờ đợi 5 năm đã kết thúc sau 3 ngày thi đấu, với tổng cộng chưa đến 5 phút trình diễn nhưng cô không cảm thấy hụt hẫng. Cô đã hoàn thành tốt bài thi không bị điểm trừ, đã vượt qua chính mình.
Nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo khán giả trong lần tái xuất SEA Games sau 5 năm, nhưng Dương Thúy Vi không hứa tiếp tục thi đấu. Cô cho biết: “Mình không hứa với mọi người sẽ tập đến bao giờ. Mình chỉ tính tập hết năm nay rồi sang năm tính tiếp. Có thể mọi người vẫn sẽ thấy Thúy Vi trên thảm thi đấu, cũng có thể thấy mình ở một cương vị khác, vì không ai nói trước được gì cả”.
Càng lớn tuổi, áp lực thi đấu càng lớn. Thúy Vi đã đi qua giai đoạn theo đuổi mục tiêu, và nhiệm vụ bảo vệ ngai vàng còn khó khăn hơn gấp bội. Bởi khi bước xuống thảm, tất cả các đối thủ đều như nhau, đều phải làm lại từ đầu. Chính vì thế, những trở ngại để cô tiếp tục – so với các VĐV trẻ khác, cũng chông gai hơn.
Tháng 7 tới đây, Dương Thúy Vi cùng 2 người đồng đội lâu năm – Phạm Quốc Khánh và Hoàng Thị Phương Giang sẽ tham dự giải World Games được tổ chức tại Mỹ. Mục tiêu của cô sau đó là dự ASIAD được tổ chức ở Hàng Châu, Trung Quốc, nhưng giải đấu này đã bị hoãn và chưa biết khi nào diễn ra.
Chưa đầy 1 năm nữa, kỳ SEA Games 32 sẽ được tổ chức tại Campuchia, nhưng có thể người hâm mộ không còn được thấy Dương Thúy Vi tranh tài trên thảm. Campuchia công bố có Wushu trong các nội dung thi đấu, nhưng họ chỉ có các VĐV Sanshou (tán thủ, đối kháng), không có VĐV Taolu (biểu diễn) nên khó có cơ hội mở nội dung để các quốc gia khác “ăn” huy chương vàng.
Điều này đã từng diễn ra tại kỳ SEA Games 30 tại Philippines, khi có các nội dung như Trường quyền nam (Quốc Khánh giành HCV), Thái cực quyền nữ (Minh Huyền giành HCĐ), nhưng cả 3 nội dung Thúy Vi tham dự (Kiếm thuật, Thương thuật, Trường quyền nữ) đều bị loại bỏ.
Mọi thứ cần phải chờ tới tháng 7 khi các cuộc họp cho SEA Games 32 diễn ra. Lúc đó, các nội dung thi đấu cụ thể sẽ được công bố, chúng ta sẽ biết được có hay không các nội dung tranh tài của Wushu biểu diễn (chưa nói tới bản thân VĐV có tham dự hay không). Dương Thúy Vi có thể đã tham dự kỳ SEA Games cuối cùng trong sự nghiệp.
Nhưng chỉ cần tiếp tục, dù là bất kỳ giải đấu nào, cô sẽ nỗ lực để đem về vinh quang cho đất nước từ chính đôi bàn tay của mình.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doi-tay-la-cua-hoa-khoi-wushu-duong-thuy-vi-post1442270.tpo