Đổi thay kỳ diệu ở Trường Sa: Gieo chữ cho con trẻ (kỳ 1)
Một trong những điểm sáng ở Trường Sa đó là phát triển giáo dục. Ở đó, những người thầy tận tụy, vượt khó để gieo chữ cho con trẻ.
ột trong những điểm sáng ở Trường Sa đó là phát triển giáo dục. Ở đó, những người thầy tận tụy, vượt khó để gieo chữ cho con trẻ.
Một ngày tháng 5-2023, khi đoàn công tác do Quân chủng Hải quân Việt Nam tổ chức, đi thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 tới đảo Sinh Tồn, trong số hơn 280 đại biểu bước chân tới đảo, thầy Phạm Xuân Diệu (30 tuổi, quê ở Khánh Hòa) vẫn nhận ra các thầy cô đi cùng trong đoàn đại biểu Khánh Hòa.
Thầy Diệu công tác ở Trường tiểu học Sinh Tồn được gần 5 năm trong vai trò là thầy giáo duy nhất ở trên đảo Sinh Tồn.
Trường chỉ có một giáo viên nên thầy Diệu không chỉ dạy chữ mà quán xuyến cả các môn thể thao, năng khiếu, kỹ năng xã hội… Dạy ở đất liền điều kiện đầy đủ hơn, chỉ dạy một lớp, một lứa tuổi, còn ở đảo giữa Trường Sa cơ sở vật chất hạn chế nên phải học ghép và giáo viên sẽ dạy theo trình độ của từng học sinh. Đặc biệt, do có một số học sinh lứa mầm non nên thầy Diệu tìm hiểu, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ về mầm non để dạy dỗ, chỉ bảo các em.
"Thời điểm Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa đăng tuyển giáo viên tình nguyện ra đảo, tôi cũng muốn đóng góp chút công sức cho sự nghiệp giáo dục và muốn thử sức ở vùng biển, đảo Tổ quốc nên đã làm đơn. Thấm thoát cũng gần 5 năm…" - thầy Diệu bộc bạch.
Đón chúng tôi trước Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, thầy Nguyễn Bá Ngọc (30 tuổi; quê huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) mời vào trường uống cốc nước mát và không quên tặng mỗi thành viên một món quà đặc biệt - viên đá ở Trường Sa được viết chữ thư pháp "Kỷ niệm đảo Song Tử Tây". Là người tình nguyện viết đơn xin ra giảng dạy ở Trường Sa từ gần 5 năm trước, thầy Ngọc mong muốn được cống hiến, góp sức nhỏ cho biển, đảo quê hương.
Trường Tiểu học xã Song Tử Tây có 2 thầy giáo là Nguyễn Bá Ngọc và Nguyễn Hữu Phú, dạy khoảng 10 học sinh từ lứa mầm non tới lớp 5. Do đặc thù ở đảo ít học sinh nên các thầy phải dạy tất cả các môn từ toán, tiếng Việt tới âm nhạc, mỹ thuật… theo mô hình lớp ghép.
Niềm vui lớn nhất của 2 thầy khi ra dạy ở đảo là các em nhỏ được đến trường, được học hành bài bản, bảo đảm kiến thức cho các em khi vào đất liền học chuyển tiếp. Nhiều năm trước khi chưa có trường hoặc chưa có giáo viên đúng chuyên môn, học sinh ở đây do các cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ giảng dạy…
"Là một trong số ít giáo viên được giảng dạy nơi biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc nên tôi rất tự hào, được đóng góp cho quê hương. Cùng với các thầy cô đang giảng dạy ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa thì hải đảo cũng là một phần của Tổ quốc. Tôi cũng mong muốn sẽ có nhiều giáo viên khác tình nguyện ra đảo giảng dạy" - thầy Nguyễn Bá Ngọc bày tỏ.
Chia sẻ về kỷ niệm vui trong những năm trên đảo, thầy Ngọc nói ấn tượng nhất là ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), các em học sinh có ba mẹ đi biển nên thường mang cá, bắp cải, rau ngót,… tới tặng thầy. "Vậy là quá vui rồi, vì ở trên đảo trồng rau xanh khó và hiếm" - thầy Ngọc cười.
Khi chúng tôi bước chân tới đảo Đá Tây A, thầy Nguyễn Công Qua (quê Khánh Hòa) đang đứng trước cổng trường, mắt nhìn về hướng lá cờ bay phấp phới trên đảo. Thầy Qua năm nay 29 tuổi, cũng có gần 5 năm giảng dạy ở Trường Sa.
Thầy Qua chủ nhiệm một lớp học đặc biệt tại đảo, học sinh trong lớp từ mầm non tới tiểu học. Chuyên môn là tiểu học nhưng do có học sinh mầm non nên thầy Qua cũng phải tìm hiểu thêm nhiều tài liệu, kiến thức để đáp ứng tốt nhất việc dạy học cho các em.
Thầy Nguyễn Công Qua chia sẻ: "Tôi vô cùng cảm kích trước sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo và tự hào khi được giảng dạy ở vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc nên luôn tự nhủ phải hoàn thành và công tác thật tốt".
Năm năm gắn bó ở Trường Sa nên khi trở lại đất liền dạy học sẽ khó tránh những nỗi nhớ. Học sinh trên đảo ít, nhưng theo chia sẻ của các thầy, mỗi dịp 20-11 hay khai giảng đầu năm học, kết thúc năm học,… đều cho các em tập văn nghệ, tổ chức hoạt động đầy đủ để các em cảm nhận không khí của những ngày đặc biệt, như ở đất liền.
Trong những năm qua, đã có nhiều đợt giáo viên tình nguyện ra đảo dạy học. Mỗi người có hoàn cảnh riêng, gia đình, con nhỏ… nhưng đều gửi gắm ở quê nhà để yên tâm công tác, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho các em không bị thiệt thòi so với học sinh ở đất liền.
Nói như thầy Nguyễn Bá Ngọc: "Gia đình luôn ủng hộ và hậu phương thì vững chắc. Nếu hậu phương không vững chắc thì khó yên tâm công tác lâu dài ở nơi đầu sóng, ngọn gió, mênh mông giữa trùng khơi".
Vận động giáo viên tình nguyện ra Trường Sa
Hiện Trường Sa có 3 trường tiểu học tại thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn. Các trường này giảng dạy cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, cho biết thời điểm này, sở đang vận động giáo viên tình nguyện ra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Thông thường, các giáo viên đi dạy ở đảo sẽ theo nhiệm kỳ 5 năm. Nếu chưa tuyển được giáo viên mới, các thầy đang giảng dạy ở đảo sẽ tiếp tục dạy các em thêm một thời gian, cho đến khi có giáo viên khác thay. Vì vậy, ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa mong muốn tiếp tục có nhiều giáo viên tình nguyện ra đảo, đóng góp, cống hiến cho biển, đảo quê hương.
Bài và ảnh:
Thái Phương
Trình bày:
Lê Duy