Đổi thay ở bản Chiến
Những năm qua, nhân dân bản Chiến, xã Chiềng San (Mường La) đã tích cực thay đổi tập quán canh tác, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, phát triển cây vụ đông; nhờ vậy, đời sống của người dân trong bản từng bước được nâng lên.
Bản Chiến hiện có 240 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Thái. Hàng năm, người dân được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các công ty giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tổ chức... nên đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, cải tạo vườn cây ăn quả, kỹ thuật chiết, ghép, phòng trừ sâu bệnh... Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, các hộ dân trong bản đã chuyển đổi 38 ha đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng xoài, nhãn ghép, chuối xuất khẩu. Hiện, bản duy trì trồng hơn 45 ha trồng ngô lai, sắn cao sản; gần 16 ha ruộng lúa 2 vụ, sản lượng đạt hơn 200 tấn/năm; trồng 8 ha ruộng trồng cây vụ đông, với các loại cây trồng chủ yếu là: Ngô nếp, hành, tỏi tía, bắp cải... sản lượng đạt 40 tấn/vụ. Nhân dân còn trồng 18 ha chuối, sản lượng đạt trên 280 tấn quả/năm, thu nhập trung bình từ 80 - 120 triệu đồng/ha/năm. Bà con còn mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng; chăn nuôi gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa. Bản có hơn 340 con trâu, bò; gần 500 con lợn; trên 3.500 con gia cầm..., mỗi năm xuất bán từ 120 - 150 con trâu, bò giống; 1.000 - 1.200 con lợn thịt, 13 -14 tấn gia cầm thương phẩm.
Anh Lường Văn Hao, Trưởng bản Chiến, cho biết: Năm 2019, thu nhập bình quân ở bản chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm, nay đã tăng lên 23 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 14,5%. Nhiều hộ có thu nhập từ 130 - 190 triệu đồng/năm, như hộ các ông: Lường Văn Lánh, Lèo Văn Quý, Lèo Văn Mẳn... Nhà nào trong bản cũng mua được xe máy, tivi; một số hộ khá giả còn mua ô tô để chở hàng hóa, nông sản, vật liệu xây dựng...
Gia đình anh Lường Văn Lánh, một trong những hộ đầu tiên trong bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Anh Lánh chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng 1 vụ ngô, 2 vụ lúa, chỉ đủ ăn. Năm 2017, được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, gia đình tôi đã vay 50 triệu đồng đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản, nuôi gà, vịt, duy trì 1,3 ha nương ngô trồng giống mới. Mỗi năm gia đình tôi xuất bán từ 5 - 6 con trâu, bò giống; 500 - 600 kg gà, vịt thương phẩm; gần 10 tấn ngô, tổng thu nhập hơn 180 triệu đồng/năm.
Từ năm 2017 đến nay, được Nhà nước hỗ trợ hơn 250 tấn xi măng, Ban Quản lý bản Chiến đã họp, bàn với nhân dân thống nhất làm đường bê tông vào bản, với mức đóng góp là 500 nghìn đồng/hộ và ngày công lao động để đổ bê tông gần 3 km đường nội bản. Tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần giúp nhân dân vận chuyển nông sản hàng hóa thuận lợi hơn. Đầu năm 2021, bản đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp kinh phí và ngày công lao động để xây dựng 35 cột đèn đường chiếu sáng, trị giá 1,2 triệu đồng/cột, góp phần giúp người dân đi lại thuận tiện hơn vào buổi tối.
Những đổi thay về nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, kinh doanh, tin rằng, bản Chiến ngày càng phát triển, đời sống nhân dân trong bản ngày càng khấm khá hơn.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/doi-thay-o-ban-chien-45649