Đổi thay ở huyện miền núi của Thủ đô
Ở huyện miền núi Ba Vì - nơi xa trung tâm Thủ đô nhất cũng vậy, cùng với rộn ràng cờ hoa chuẩn bị cho ngày hội lớn, niềm vui được nhân lên với người dân nơi đây khi huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cái nghèo khó đã dần lùi xa, làng quê đang chuyển mình nhanh chóng.
Những ngày này, trên khắp các tuyến đường ở Hà Nội đều rực rỡ cờ hoa, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… diễn ra sôi nổi chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023). Ở huyện miền núi Ba Vì - nơi xa trung tâm Thủ đô nhất cũng vậy, cùng với rộn ràng cờ hoa chuẩn bị cho ngày hội lớn, niềm vui được nhân lên với người dân nơi đây khi huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cái nghèo khó đã dần lùi xa, làng quê đang chuyển mình nhanh chóng.
Thêm nhiều việc làm và thu nhập
Xã Vạn Thắng có nhiều vùng trũng, nên mỗi năm địa phương chỉ trồng 1 vụ lúa và 1 vụ cá. Mô hình lúa - cá kết hợp đã có từ lâu, nhưng 4 năm gần đây, từ khi xây dựng Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản, được công nhận chứng chỉ VietGAP, hiệu quả kinh tế cao hơn trước rõ rệt. Ông Lê Hữu Lập, một hộ nuôi thủy sản ở xã Vạn Thắng chia sẻ, gia đình có 5,5ha nuôi trồng theo phương pháp VietGAP. Được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp về kỹ thuật nuôi trồng, lại có mô hình liên kết trong tiêu thụ, giúp thu nhập của gia đình ngày một khá hơn.
Còn xã Ba Vì có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Khoảng 10 năm về trước, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới một nửa số hộ, là “xã nghèo nhất” Thủ đô, song nay cũng đã đổi thay. Xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; điện, đường, trường, trạm được đầu tư, nhà văn hóa khang trang. Cả xã có 301 hộ hoạt động dịch vụ thuốc Nam; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 65 triệu đồng/năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn, những năm qua, huyện đã tập trung cho công tác dồn điền, đổi thửa, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Hiện tại, huyện đã xây dựng được 2 thương hiệu: Sữa bò và chè Ba Vì; 7 nhãn hiệu tập thể: Gà đồi, khoai lang, miến, thuốc Nam, thanh long, rau an toàn, mật ong...
Cùng với lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, huyện còn có nhiều địa điểm du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, thu hút 2,5 triệu lượt khách/năm, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 người, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng du lịch, dịch vụ. Trong 10 năm gần đây, kinh tế của huyện Ba Vì liên tục tăng trưởng và phát triển: Giai đoạn 2011-2015 tăng 5,9%/năm, giai đoạn 2016-2020 tăng 9,8%/năm.
Làng quê khang trang từng ngày
Không chỉ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, diện mạo các xã của huyện Ba Vì cũng ngày một khang trang hơn. Cán bộ văn hóa - xã hội xã Ba Vì Dương Thị Quỳnh cho hay, xã đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” trên địa bàn xã năm 2023 và những năm tiếp theo. Đến nay, các thôn, xóm, trên địa bàn xã có cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp. Người dân tự nguyện góp công, góp của, góp đất làm đường, giữ gìn môi trường sống sạch đẹp.
Mới đây, vợ chồng ông Kiều Văn Tuấn và bà Lê Thị Nụ, ở thôn Nghe, xã Vân Hòa đã hiến 125m2 đất để xây dựng nhà văn hóa thôn. Theo ông Tuấn, Nhà nước có kế hoạch đầu tư xây dựng mới nhà văn hóa thôn, nhưng khu vực đó diện tích chưa đủ theo thiết kế, nhất là chiều rộng của công trình. Gia đình ông Tuấn ở sát nhà văn hóa, khi được cán bộ thôn tuyên truyền, vận động đã đồng thuận hiến đất để địa phương triển khai công trình này.
Còn ở xã miền núi Yên Bài, trong những ngày tháng 10 này, tuyến đường giao thông nối từ đường Yên Bài - Tản Lĩnh đến Ba Vành - Suối Mơ đi qua nhiều thôn của xã đang được trải nhựa... Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Văn Lập thông tin, năm 2023, trên địa bàn xã có hàng chục công trình đường giao thông đã và đang được đầu tư, giúp giao thông thuận lợi hơn, người dân có điều kiện hơn để phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, trong hơn 10 năm qua, huyện Ba Vì đã bố trí và huy động được gần 10.000 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn huy động ngoài ngân sách là hơn 635 tỷ đồng. Nhờ có nguồn lực này, đã giúp xây mới, cải tạo, nâng cấp hơn 1.000km đường giao thông, 400km rãnh thoát nước ở khu dân cư; cải tạo, xây mới 230km kênh mương; xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa 110 trường học… Đến nay, cả 30/30 xã của huyện đã có hội trường; 208/208 thôn có nhà văn hóa; 30/30 trạm y tế xã...
Đặc biệt, huyện đã triển khai phong trào và cuộc thi thôn, ngõ xóm “Sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn”, giúp cảnh quan, môi trường nông thôn khang trang, sạch, đẹp hơn. Tính từ năm 2022 đến nay, huyện Ba Vì đã huy động xã hội hóa được hơn 90 tỷ đồng; vận động 294 hộ dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn, với tổng diện tích 7.974m2; lắp đặt đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, thẩm mỹ hơn 81.319 đèn chiếu sáng; trồng mới 75.788 cây xanh…
Huyện Ba Vì cũng có 40.866 hộ gia đình tham gia thực hiện phân loại rác hữu cơ tại nhà. Các tuyến đường làng, ngõ xóm, kênh mương, ao hồ và các khu vực công cộng được duy trì vệ sinh môi trường thường xuyên, sạch sẽ, góp phần cải thiện môi trường khu vực nông thôn.
Từ một huyện miền núi với rất nhiều khó khăn, huyện Ba Vì đang đổi thay từng ngày cùng với những đổi thay của Thủ đô và đất nước.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doi-thay-o-huyen-mien-nui-cua-thu-do-644533.html