Đổi thay ở Kiệt Sơn

Là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Tân Sơn, những năm qua, xã Kiệt Sơn đã vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, góp phần từng bước cải thiện đời sống cho người dân.

Mô hình trồng trên 2.000 cây cam, quýt của gia đình chị Hà Thị Ánh Hồng, khu Đồng Than, xã Kiệt Sơn mang lại thu nhập 400 triệu đồng/năm.

Hiện nay, đổi thay lớn nhất của Kiệt Sơn chính là nhận thức của người dân trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; tập quán canh tác lạc hậu, thụ động, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết đã được thay đổi; tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi vào sản xuất, giống vật nuôi, cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế hàng hóa cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Toàn xã có 240ha lúa, năng suất bình quân cả năm đạt 54,8 tạ/ha; 41ha ngô, năng suất 43 tạ/ha; 22ha sắn, năng suất 128tạ/ha; 23,5ha rau màu các loại. Tiềm năng đất lâm nghiệp được người dân tận dụng, phát huy với những đồi chè, cây nguyên liệu giấy, cây ăn quả cho thu nhập ổn định ở mức cao. Chỉ tính riêng gần 50ha chè đang cho thu hoạch với năng suất 81 tạ/ha cũng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.Với diện tích đất đồi sẵn có của gia đình, chị Hà Thị Ánh Hồng, khu Đồng Than đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ cây trồng kém hiệu quả, sang những cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay với 2.000 gốc cam, quýt đang phát triển tốt hàng năm cho thu hoạch trên 40 tấn quả, mang lại nguồn thu nhập 400 triệu đồng. Chị Hồng cho biết: Năm 2012, gia đình tôi đã chuyển đổi từ cây keo sang cây cam, vợ chồng tôi đi thăm các mô hình ở tỉnh bạn, bên cạnh đó nhờ có cán bộ khuyến nông huyện thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc như tỉa cành, bón phân… nên cây phát triển hiệu quả. Đến nay, diện tích cây ăn quả của gia đình đã phát triển, sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Là xã có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều nên công tác đào tạo, dạy nghề, trang bị kiến thức trong sản xuất nông, lâm, thủy sản cho người dân được quan tâm. Xã thường xuyên phối hợp với Trạm khuyến nông huyện, các đơn vị dạy nghề tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời tiếp nhận, triển khai các chính sách hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật cho bà con. Tổng đàn trâu, bò của xã đạt trên 800 con, đàn lợn 1.300 con, đàn gia cầm trên 52.000 con; tổng diện tích thủy sản 23ha, sản lượng ước đạt 33,6 tấn/năm, trong năm, các hộ dân đã chủ động nạo vét, xử lý ao nuôi và thả các con giống đúng thời vụ.Cùng với nông nghiệp, xã chú trọng khuyến khích phát triển công nghiệp - TTCN. Trên địa bàn xã có bốn cơ sở chế biến gỗ, năm hộ làm nghề mộc và 31 hộ hoạt động lĩnh vực công nghiệp khác. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 các cơ sở sản xuất vẫn duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, những năm qua, để xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT), xã đã tranh thủ tối đa vốn đầu tư của tỉnh, của huyện, tổ chức lồng ghép các dự án, chương trình như: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM)… cùng với nguồn vốn huy động được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” phát huy có hiệu quả. Nhiều khu dân cư đã huy động sự tham gia tích cực của người dân trong hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công lao động để trực tiếp xây dựng đường GTNT và giám sát chất lượng trong quá trình thi công; đồng thời thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, kiên cố hóa các tuyến đường liên xã, liên thôn, đường ra đồng, đường lên đồi để tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất, giao thương với các vùng lân cận. Nhờ đó, đến nay tỉ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt 77,1%. Hệ thống GTNT phát triển phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản, giao lưu, buôn bán, đi lại của người dân, đặc biệt thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM… Đến nay, xã đạt 11/19 tiêu chí NTM; phấn đấu đến năm 2025, xã hoàn thành xây dựng NTM; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4-5%.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/202112/doi-thay-o-kiet-son-181524