Đổi thay ở một xã vùng xa…

Bên cạnh cây trồng chủ lực là cao su, những năm gần đây xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng đã khai thác hiệu quả thế mạnh để phát triển chăn nuôi và cây ăn trái có múi. Nhờ đó bức tranh kinh tế của xã tươi sáng hơn, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo đà bứt phá để trở thành đô thị.

Xã Minh Hòa có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt về nông nghiệp với nhiều mô hình hiệu quả. Trong ảnh: Trại gà lạnh ứng dụng công nghệ cao của HTX Tâm Phát

Mô hình kinh tế hiệu quả

Trước đây, Minh Hòa là xã thuần nông nghèo khó, bà con quen với tập quán canh tác sản xuất truyền thống. Ngày nay, cơ cấu kinh tế của Minh Hòa vẫn lấy nông nghiệp làm chủ đạo, là nguồn thu nhập chính của người dân, song bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để cho năng suất cao hơn, thu nhập cũng tăng lên. Từ những cá nhân, hộ gia đình làm kinh tế nhỏ lẻ, họ đã biết tập hợp thành các mô hình kinh tế hợp tác để phát triển bền vững hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng khởi sắc.

Nhận thấy việc phát triển kinh tế từ chăn nuôi gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2009, chị Lưu Thị Ánh Loan (ấp Hòa Lộc) đã quyết định đầu tư chuồng trại nuôi gia công 18.000 gà thịt với 3 trại hở. Sự khởi đầu không phải lúc nào cũng suôn sẻ, năm đầu tiên chị Loan bị thua lỗ nặng. Không nhụt chí, cuối năm 2009 chị quyết định chuyển từ nuôi gà trại hở sang trại gà lạnh ứng dụng công nghệ cao. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, cộng thêm việc đi đúng hướng, lần này chị Loan đã thành công. Nuôi trung bình 27.000 con gà/ 3 trại lạnh, mỗi năm chị xuất 2 lứa, mang lại hiệu quả khá cao.

Ngoài chị Loan trên địa bàn xã còn có nhiều hộ nông dân cũng phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi gà. Để hợp tác giúp nhau cùng phát triển, năm 2016 chị Loan đã liên kết với các hộ có cùng ngành nghề để thành lập Hợp tác xã (HTX) Tâm Phát với 11 thành viên. Đến nay thị trường của HTX tương đối ổn định, lợi nhuận khoảng trên 1 tỷ đồng/năm. “Nuôi gà thịt gia công đến ngày xuất bán mà không kịp tiêu thụ gà sẽ yếu và chết. Nhưng chuyển sang trại lạnh mình có thể bán trứng để bù lỗ vì gà chưa xuất đi vẫn đẻ trứng bình thường”, chị Loan chia sẻ.

Theo ông Trịnh Đình Toan, Trưởng Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể xã Minh Hòa, hiện nay xã có 2 tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò với 25 thành viên, tổng đàn 106 con. Ngoài ra, có 3 mô hình HTX, trong đó HTX Tâm Phát lĩnh vực chăn nuôi gà lạnh và HTX Minh Hòa Phát lĩnh vực trồng cây ăn trái có múi đều ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cho hiệu quả, năng suất cao, đã tạo việc làm, cải thiện đời sống cho các thành viên.

Cơ sở hạ tầng đồng bộ

Về xã Minh Hòa, không khó để bắt gặp những vườn cao su bạt ngàn, những vườn cây ăn trái có múi, những trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghệ cao... Những mô hình đó đã phát huy tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy nền nông nghiệp xã phát triển theo đúng cơ cấu kinh tế. Để thúc đẩy kinh tế phát triển, thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa, xã Minh Hòa luôn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ. Theo đó, cùng với các tuyến đường đô thị được huyện đầu tư, các tuyến đường giao thông nông thôn do xã đầu tư góp phần thay đổi bộ mặt địa phương.

Ông Trương Thanh Hương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Cùng với kế hoạch đầu tư các đường giao thông liên ấp, đường trục của xã, ban lãnh đạo các ấp tiếp tục vận động nhân dân đầu tư đường bê tông xi măng nội bộ khu dân cư. Phấn đấu đến cuối năm 2023 xã Minh Hòa đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch xây dựng”. Theo ông Trương Thanh Hương, hiện nay, mật độ dân số của xã Minh Hòa tương đối thấp, việc quy hoạch Cụm công nghiệp Tân Sa trên địa bàn xã sẽ góp phần thu hút lao động, tăng dân số. Từ đó càng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển theo hướng bền vững.

Nhờ sự nỗ lực vươn lên, lấy nội lực từ dân là chính, sự hỗ trợ của Nhà nước làm động lực đã giúp cơ cấu kinh tế địa phương tăng trưởng và chuyển dịch đúng hướng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 trên địa bàn xã đạt 76,3 triệu đồng và phấn đấu năm 2023 sẽ đạt 80 triệu đồng/người/năm.

Xã Minh Hòa hiện có 3 HTX, trong đó có 2 HTX hoạt động hiệu quả, 1 tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò, 23 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, 24 hộ nuôi chim yến. Tất cả bảo đảm mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. Bên cạnh đó, việc quy hoạch Cụm công nghiệp Tân Sa trên địa bàn xã sẽ góp phần thu hút lao động, tăng dân số. Từ đó càng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển theo hướng bền vững.

TIẾN HẠNH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/doi-thay-o-mot-xa-vung-xa--a291009.html