Đổi thay ở ngôi làng trên núi

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Pờ Yầu đã 'thay da đổi thịt' - từng bước xóa sổ 'danh hiệu' làng nghèo nhất tỉnh.

Nằm chon von trên đỉnh núi Đẹ Đọ, làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (Gia Lai) được bao quanh bởi màu xanh bạt ngàn của cánh rừng già. Bởi vậy, Pờ Yầu không những bị cô lập về giao thông mà còn mù mịt thông tin liên lạc. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Pờ Yầu đã “thay da đổi thịt” - từng bước xóa sổ “danh hiệu” làng nghèo nhất tỉnh.

Ngược đỉnh Pờ Yầu

Làng Pờ Yầu trước đây là căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đã bao bọc, che chở nhiều cán bộ cách mạng, nhiều thanh niên tham gia làm du kích. Đây cũng là ngôi làng thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang.

Chỉ 7 năm về trước thôi, muốn đến được Pờ Yầu phải vượt hơn 16km đường rừng cùng với những con dốc cao chót vót và những vách đá cheo leo, vào mùa mưa lũ, con đường rừng lại càng thêm trơn trượt. Vì giao thông đi lại khó khăn nên đời sống bà con trong làng Pờ Yầu đều thiếu thốn, cuộc sống chủ yếu là tự cung, tự cấp.

Cũng bởi giao thông không thuận tiện lại nằm tách biệt hoàn toàn với các ngôi làng khác nên làng Pờ Yầu trở thành “ốc đảo”, biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn nay lại càng khắc nghiệt hơn khi nông sản của dân làng làm ra luôn bị các thương lái ép giá, đời sống của dân làng Bờ Yầu cứ quẩn quanh trong cái đói, cái nghèo.

 Ngôi làng Pờ Yầu nằm chon von trên đỉnh núi Đẹ Đọ thuộc huyện Mang Yang.

Ngôi làng Pờ Yầu nằm chon von trên đỉnh núi Đẹ Đọ thuộc huyện Mang Yang.

Không chỉ bị nghèo đói bủa vây, người dân còn gặp vô vàn khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh đặc biệt là các con trẻ. Và cũng vì ít được tiếp xúc với bên ngoài, cha mẹ còn phải lo cơm áo gạo tiền nên những đứa trẻ ở làng càng trở nên nhút nhát, khó gần. Việc học của các em đều phó mặc cho các giáo viên. Cuộc sống khắc nghiệt là vậy nhưng dân làng Pờ Yầu không ai chịu rời bỏ làng đi nơi khác. Những căn nhà sàn nho nhỏ cứ thế được “mọc lên” nằm nem nép, tựa vào nhau, cả làng sống quần tụ và quây quần vào núi.

Thấu hiểu được những khó khăn của người dân cùng với quyết tâm “không để Pờ Yầu bị bỏ lại phía sau”, năm 2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai triển khai xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Công ty Điện lực Gia Lai đã tiên phong vượt “cõng điện” lên Pờ Yầu, đưa ánh sáng về cho đồng bào với tổng số vốn hơn 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, con đường bê tông độc đạo nối từ tỉnh lộ 666 lên đỉnh Pờ Yầu cũng được xây dựng với kinh phí 15 tỷ đồng được trích từ nguồn ngân sách của tỉnh đã mở ra một trang mới cho ngôi làng trên đỉnh núi.

Từng bước xóa sổ “danh hiệu” làng nghèo nhất tỉnh

Trải lòng với chúng tôi, ông Gep (làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang) phấn khởi nói: “Hơn 30 năm về trước, làng Pờ Yầu lúc đó mới chỉ có khoảng hơn 20 hộ dân, vẻn vẹn vài nóc nhà thưa thớt. Còn bây giờ, làng đã có 130 hộ với 558 khẩu sinh sống. Ngày chưa có điện, chưa có đường giao thông, dân làng mình không biết đến thế giới bên ngoài, tất cả đều sinh hoạt quanh làng”.

 Các sản phẩm đặc trưng được dân làng Pờ Yầu giới thiệu với du khách.

Các sản phẩm đặc trưng được dân làng Pờ Yầu giới thiệu với du khách.

Mỗi khi làng có người đau ốm khổ sở lắm, phải lội bộ xuyên rừng cả ngày mới ra được đường chính còn bây giờ chỉ mất 30 phút thôi. Từ ngày có ánh sáng, giao thông đi lại thuận tiện, người dân trong làng buôn bán mọi thứ đều dễ dàng, thứ gì cũng có. Dân làng mình biết ơn Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương đã chăm lo, giúp dân làng vượt qua mọi khó khăn”.

Cùng với việc tháo gỡ “nút thắt” về giao thông, nhiều chính sách và giải pháp giảm nghèo cũng được chính quyền quan tâm, giúp ngôi làng trên núi “thay da, đổi thịt”. Theo đó, dựa vào đặc điểm thổ nhưỡng, Trung tâm dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Mang Yang đã mở lớp đào tạo kỹ năng, kỹ thuật trồng trọt ngay tại các làng nhằm hướng dẫn cho bà con sản xuất nông nghiệp, trồng lúa và trồng cây cà phê.

Ông Đinh Kai - Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Pang cho biết: “Trước kia, người dân chỉ sống dựa vào rừng, tập tục di canh, du cư, sản xuất lạc hậu. Từ khi người dân được tham gia học nghề đã biết trồng lúa 2 vụ và phát triển thêm cây cà phê. Đặc biệt, người dân đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc và bón phân theo hướng dẫn nhằm tăng năng suất cây trồng”.

 Người dân tổ chức lễ hội đón khách tham quan mang đậm nét truyền thống.

Người dân tổ chức lễ hội đón khách tham quan mang đậm nét truyền thống.

Anh Đinh Driu được xem là một trong những thanh niên giỏi và nỗ lực trong việc phát triển kinh tế của làng Pờ Yầu. Từ nhỏ, anh theo bố vào rừng săn bắn, cuộc sống của gia đình chủ yếu dựa vào rừng. Năm 2019, Driu đã được tham gia lớp học nghề trồng lúa. Sau khi kết thúc khóa học, chàng thanh niên trẻ đã mạnh dạn chuyển đổi trồng lúa nước 2 vụ. Đồng thời, anh còn chuyển đổi gần một ha đang trồng mỳ sang trồng cây cà phê. Không những thế, Driu còn giúp bà con chọn giống, hướng dẫn cách chăm sóc đối với lúa và cà phê. Nhờ vậy, anh đã được bầu làm Phó trưởng thôn làng Pờ Yầu, trở thành cán bộ thôn tích cực giúp bà con phát triển kinh tế.

Nhằm đánh thức tiềm năng của ngôi làng Ba Na trên đỉnh núi, không chỉ đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, UBND huyện Mang Yang còn tổ chức các điểm đến như thác nước Rơ Tu, đỉnh núi Pờ Yầu… Giải Việt dã “Chinh phục đỉnh Pờ Yầu” nhằm giới thiệu đến bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh điểm đến du lịch sinh thái, văn hóa hấp dẫn.

Bà Hoàng Thị Lan Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: “Đỉnh Pờ Yầu là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào Ba Na, còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Thông qua các hoạt động, chúng tôi mong muốn giới thiệu tới bạn bè trong và ngoài tỉnh về địa danh Pờ Yầu - ngôi làng nằm trên đỉnh núi với khung cảnh hùng vĩ. Đây chính là tiềm năng để huyện Mang Yang hướng đến phát triển du lịch sinh thái, xóa đói giảm nghèo cho ngôi làng Pờ Yầu...”.

Trên dãy núi cao vời vợi, những tia nắng cứ thế xuyên qua cánh rừng già chiếu sáng cả ngôi làng giữa bạt ngàn cây cối tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Cùng với đó, 2 bên đường, nhà nhà cùng treo cờ Tổ quốc như một lời thì thầm cảm ơn Đảng và Nhà nước. Dưới sự nỗ lực của người dân và sự hỗ trợ của các cấp, ngành, ai cũng tin rằng trong tương lai gần, Pờ Yầu không còn là làng đặc biệt khó khăn, bà con sẽ đồng lòng, từng bước vượt khó, ổn định cuộc sống.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doi-thay-o-ngoi-lang-tren-nui-post262555.html