Nằm nép mình bên sông Bồng Khê (tả ngạn bờ sông Mã), làng cổ Tiên Hòa được biết đến với tên gọi cổ xưa như Kẻ Khao – Khao Rú.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử đến ngày nay, làng cổ Tiên Hòa vẫn còn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc của vùng đất chiêm trũng Hà Trung.
Theo người dân địa phương, vào khoảng giữa thế kỷ XVII để tránh lụt lội vào mùa mưa tháng 7 và tháng 8 hàng năm, một bộ phận người dân đã tập trung xung đến quanh chân núi Viễn Vông để tránh lụt lội nên được gọi là Tiên Hòa Sơn, thôn mà xưa kia gọi là Khao Rú và số còn lại sống tại Tiên Hòa Bái, thôn còn gọi là Khao Đồng.
Làng Tiên Hòa từ xa xưa đã lấy núi, đồi như “điểm tựa” để quần cư theo hình “vành lược” từ thấp lên cao với cấu trúc dân cư kiểu ngõ hạng.
Các ngõ hạng lên cao theo bậc, tại đây có 12 ngõ hạng. Mỗi ngõ hạng bắt đầu bằng con đường độc đạo lên theo độ dốc của đồi, núi và lên đến tận đỉnh núi Viễn Vông và đi xuống nối hai thôn ở Tiên Hòa.
Trong đó, mỗi ngõ hạng có tên gọi riêng, từ đầu làng đến cuối làng, có thể kể đến: ngõ Mã, ngõ Cổng, ngõ Thượng, ngõ Cừu, ngõ Hát, ngõ Trung, ngõ Đình, ngõ Chùa, ngõ Trôi, ngõ Nghè…
Với hướng nhà mở ra bốn hướng đồi, nhìn xuống cánh đồng trước làng tạo nên nét đẹp riêng của làng quê xứ Thanh.
Kiến trúc ngõ hạng độc đáo ở làng cổ Tiên Hòa được tạo bởi bậc thềm đá chắc chắn. Trong ảnh là hai bà cụ ở làng cổ Tiên Hòa. Ảnh: XUÂN LỤC
Từ các con ngõ cổ rêu phong đều dẫn thẳng xuống sông Bồng Khê, là những bến thuyền đến nay vẫn còn lưu giữ lại được những nét cổ xưa.
Cùng với ngõ hạng thì nơi đây vẫn còn giếng làng với làn nước trong vắt, mát lành để người dân sử dụng. Đó cũng là một trong những nét đẹp văn hóa đặc biệt được người dân Tiên Hòa vô cùng coi trọng, giữ gìn và duy trì sử dụng.
Một ngôi nhà cổ xưa, được người dân ở làng Tiên Hòa sử dụng làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng. Ngôi nhà mang vẻ đẹp yên bình vốn có của ngôi làng kể từ thế kỷ XVII.
Một ngôi nhà cổ ở làng Tiên Hòa. Ảnh: XUÂN LỤC
Theo ba Phan Thị Lan, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung, năm 2013, gần khu vực làng cổ Tiên Hòa các nhà khoa học phát hiện di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa nằm trong nền văn hóa Đa Bút cách ngày nay khoảng 5.000 – 6.000 năm.
Theo đó, vị trí khai quật là một dải đất cao giữa thung lũng rộng, từ làng Tiên Hòa vượt qua sông Bồng Khê. Vị trí này nằm giữa cánh đồng Bọc được bao quanh bởi những dãy núi đá từ xa (đồi cánh gió). Di chỉ này được các nhà khoa cho biết vừa là nơi cư trú của người Việt cổ và vừa là nơi mai táng.
Ngày nay, sau những biến cố, thăng trầm của lịch sử và thời gian, làng Tiên Hòa được bao bọc xung quanh bởi núi, rừng, sông và đồi đất.
Nhìn từ trên cao dễ dàng nhận những ngôi nhà mái ngói cổ xưa xen lẫn giữa những nhà cao tầng hiện đại.
Trên đỉnh núi Viễn Vông nơi ngôi làng tọa lạc, trên sườn núi là 4 pho tượng Bồ Tát hướng ra 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc cũng chính nơi tọa lạc của Chùa Cao ở xã Hà Lĩnh (Hà Trung) với lối kiến trúc độc đáo.
Với điều kiện thuận lợi về giao thông, nút giao lên xuống của cao tốc Bắc - Nam, làng cổ Tiên Hòa không chỉ là nơi trở về của những người con xa quê, còn là điểm đến trải nghiệm của du khách trong nước và Quốc tế.
ĐẶNG TRUNG