Đổi thay ở Sam Kha
Sam Kha là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, nhưng với sự hỗ trợ của nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước giảm nghèo, có cuộc sống ấm no hơn.
Sam Kha hiện có 666 hộ dân thuộc 2 dân tộc Mông và Thái. Từ năm 2016 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình 30a, 135, xã được đầu tư 21 dự án về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, máy móc nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất, tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng. Các hộ nghèo được hỗ trợ 184 con bò giống sinh sản, trồng hơn 23 ha xoài, cam. Xã đã vận động bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các loại giống mới vào thâm canh hơn 66 ha lúa ruộng; 266 ha lúa nương đặc sản; 451 ha ngô; 518 ha sắn cao sản. Sản lượng lương thực của xã năm 2022 đạt gần 3.000 tấn. Ngoài ra, các hộ còn đào gần 15 ha ao nuôi thủy sản; quản lý, bảo vệ 6.999 ha rừng. Từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 3%/năm.
Bản Nậm Tỉa có 90 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Ban quản lý bản đã phối hợp với các tổ công tác của xã tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, chăm sóc gia súc, gia cầm và chuyển đổi những diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.
Ông Lò Văn Thoại, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nậm Tỉa, cho biết: Đến nay, bà con đã chuyển đổi 20 ha đất nương sang trồng cây cam, xoài, cà phê. Năm 2022, các loại cây này đã thu hoạch, sản lượng đạt từ 7 - 8 tấn/ha; bà con còn nuôi gần 300 con gia súc, hơn 2.000 con gia cầm, buôn bán hàng tạp hóa… Đời sống của nhân dân từng bước ổn định, bản còn 27 hộ nghèo, phấn đấu hết năm 2023 sẽ giảm thêm từ 7 - 10 hộ nghèo.
Còn bản Pu Sút có 163 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Năm 2018, từ nguồn vốn các chương trình giảm nghèo, chương trình 30a, 135, bản đã mở mới tuyến đường liên bản, tổng chiều dài gần 5 km. Nhà nước hỗ trợ 7 con bò giống cho các hộ thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản; nhân dân trồng và chăm sóc 4 ha dứa mật… Được hỗ trợ giống, kỹ thuật sản xuất, nhiều hộ dân trong bản đã đầu tư nuôi bò sinh sản, trâu, bò vỗ béo, trồng lúa đặc sản, cây ăn quả, sắn cao sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn.
Ông Thào A Cờ, Chủ tịch UBND xã Sam Kha, cho biết: Xã đang tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của từng bản; đưa các cây trồng mới giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Trong đó, phát triển nuôi đại gia súc ở các bản Phá Thóng, Sam Kha, Nậm Tỉa, Pú Sút, Ten Lán; trồng cây dược liệu dưới tán rừng ở các bản Púng Báng, Huổi Sang, Phá Thóng. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng của huyện xây dựng thương hiệu “Gạo tẻ mèo Sốp Cộp” “dứa mật Sam Kha”. Đặc biệt, tuyến đường Sam Kha - Mường Lèo đi xã Mường Lói, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, sắp hoàn thành, giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa, nông sản của bà con dễ dàng hơn, giá cả, đầu ra sẽ ổn định hơn.
Với mục tiêu đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn dưới 50%, cấp ủy, chính quyền xã Sam Kha tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước; tuyên truyền nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản, từng bước nâng cao đời sống.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-thon-moi/doi-thay-o-sam-kha-E900OO4Ig.html