Đổi thay ở vùng biển Triệu Phong

Huyện Triệu Phong có đường bờ biển dài 18 km đi qua địa bàn các xã Triệu An, Triệu Vân và Triệu Lăng. Ngoài nghề đánh bắt khai thác, những làng biển này còn có nhiều tiềm năng để khai thác du lịch và phát triển nuôi trồng thủy sản. Lợi thế này đã được chính quyền các cấp và người dân vùng biển Triệu Phong linh hoạt khai thác trong những năm gần đây, mang lại sự đổi thay cho vùng đất này.

 Nuôi trồng thủy sản ven biển là nghề có lợi thế của kinh tế biển huyện Triệu Phong. Ảnh: ML

Nuôi trồng thủy sản ven biển là nghề có lợi thế của kinh tế biển huyện Triệu Phong. Ảnh: ML

Thời điểm huyện Triệu Phong được lập lại ngày 1/5/1990, toàn huyện có trên 3.000 ha đất cát bạc màu chưa được khai thác, việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản còn nhỏ lẻ, ven bờ, đời sống của người dân rất vất vả. Do đó, để khai thác có hiệu quả tiềm năng vùng biển và ven biển, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong đưa ra nhiều giải pháp để quy hoạch hệ sinh thái, bố trí lại dân cư, hình thành hệ thống giao thông, thủy lợi và huy động nguồn lực từ nhiều phía, kể cả nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ để phát triển vùng đất cát ven biển, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mua sắm ngư lưới cụ, đóng mới tàu đánh bắt thủy sản có công suất lớn để tăng năng lực đánh bắt xa bờ và dài ngày. Đến cuối năm 2019, tổng số tàu thuyền khai thác thủy hải sản ở các địa phương vùng biển Triệu Phong là 578 chiếc. Trong đó, có 28 tàu công suất từ 90CV trở lên; 32 tàu công suất từ 45 CV đến dưới 90 CV. Tổng sản lượng khai thác đạt gần 3.000 tấn. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh về tập huấn kỹ thuật, cải tiến ngư lưới cụ nên ngư dân ở đây đã tăng hiệu quả khai thác, góp phần ổn định sản xuất, cải thiện đời sống.

Triệu An là một trong những địa phương điển hình về phát triển kinh tế biển ở huyện Triệu Phong. Nhờ phát triển nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, đời sống của người dân được nâng cao, bộ mặt làng biển khởi sắc. Một chỉ tiêu thể hiện rõ mức sống của người dân ở đây là đến cuối năm 2019, mức thu nhập bình quân đầu người ở xã Triệu An đạt 40,2 triệu đồng, gấp hàng chục lần so với thời điểm cách đây 30 năm khi mới lập lại huyện Triệu Phong. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu An cho hay, rất nhiều hộ ngư dân trên địa bàn xã đã vươn lên làm giàu nhờ biển. Họ đã tranh thủ được nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước về cải hoán tàu thuyền, chuyển đổi phương tiện khai thác từ gần bờ, trung bờ ra xa bờ. Trước đây tàu thuyền đánh bắt của xã chủ yếu công suất dưới 90 CV, vậy nhưng vài ba năm trở lại đây đã có những tàu công suất lớn trên 400 CV khai thác biển rất hiệu quả như tàu của các ngư dân: Nguyễn Quang Hùng, Trương Tùng, Nguyễn Văn Giới, Nguyễn Thanh Hồng ở thôn Phú Hội hay ngư dân Trần Phú, thôn Hà Tây…

Bên cạnh đầu tư tàu cá với trang thiết bị vươn khơi xa, địa phương cũng nhận thấy ngư trường truyền thống nơi đây tập trung nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như mực, ghẹ, tôm, các loài cá phục vụ xuất khẩu… nên cũng khuyến khích ngư dân giữ gìn, phát huy các nghề truyền thống như câu mực, ghẹ… Đây là những sản phẩm có giá trị kinh tế cao nên thu nhập của ngư dân tăng lên đáng kể. Ngoài khai thác, xã Triệu An còn có 110 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý là những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình đầu tư nuôi trồng thủy sản thâm canh như: nuôi ghép tôm-cua-cá, nuôi tôm hai giai đoạn… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình chuyển đổi gần 0,35 ha nuôi tôm ven biển truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao hai giai đoạn của gia đình ông Phan Nhật Ngân, thôn Hà Tây vào đầu năm 2019. Ngay trong vụ đầu tiên, ông Ngân đã lãi trên 500 triệu đồng nhờ thu về trên 9 tấn tôm thương phẩm. Mô hình chuyển đổi này của ông Ngân không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đảm bảo môi trường sinh thái. Đây là hướng nuôi tôm bền vững, đến nay xã Triệu An có 5 mô hình nhân rộng.

Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản các xã vùng biển huyện Triệu Phong có khoảng 870 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm 572 ha. Năm 2019, sản lượng nuôi trồng thủy sản 2.580 tấn. Không riêng gì xã Triệu An mà hiện các địa phương vùng biển ở đây đều tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch lại vùng nuôi, xây dựng lại hệ thống ao hợp lý; người dân được hướng dẫn công tác chăm sóc, quản lý, đồng thời chuyển đổi quy trình nuôi chủ yếu sử dụng kháng sinh sang quy trình nuôi bằng chế phẩm sinh học. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm vụ đông, tôm sú xen cua, tôm sú nuôi ghép rong câu... cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như năm 2019 có nhiều hộ nuôi tôm có lợi nhuận lớn như: ông Trần Xuân Quý, Thôn 1, xã Triệu Lăng với diện tích 0,7 ha, sản lượng thu hoạch 20,2 tấn/vụ, lãi 900 triệu đồng; ông Lê Văn Linh, Thôn 2, xã Triệu Lăng với diện tích 0,45 ha, sản lượng thu hoạch 15,5 tấn/vụ, lãi 1,3 tỉ đồng; Nguyễn Gia Công, Thôn 5, xã Triệu Lăng với diện tích 0,4 ha, sản lượng thu hoạch 16 tấn, lãi 1,2 tỉ đồng; ông Lê Hữu Triển, Thôn 7, xã Triệu Vân với diện tích 0,5 ha, sản lượng thu hoạch 16 tấn, lãi 1,3 tỉ đồng; ông Nguyễn Văn Lâm, Thôn 8, xã Triệu Vân với diện tích 1,5 ha, sản lượng thu hoạch 45 tấn, lãi 2,5 tỉ đồng...

Song song với hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản vùng biển Triệu Phong còn có lợi thế bờ biển đẹp, trải dài, cảnh quan thiên nhiên kết hợp hệ sinh thái biển phong phú, đa dạng cùng truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương có nhiều nét đặc trưng thu hút khách du lịch. Thời gian qua, huyện Triệu Phong đã quan tâm phát triển dịch vụ du lịch biển thông qua việc đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng bãi tắm Triệu Lăng, hệ thống nhà hàng... nhằm kích cầu hoạt động du lịch biển. Có thể nói, cùng với định hướng đúng đắn trong chủ trương phát triển kinh tế vùng biển và sự đầu tư có trọng điểm của huyện cho kinh tế biển, các làng biển Triệu Phong đang thay da, đổi thịt từng ngày.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147981