Khác biệt trong chính sách thuế quan xe điện của Mỹ và EU

Khoảng một tháng sau khi Mỹ công bố quyết định áp thuế, ngày 12/6, Ủy ban châu Âu ra thông báo rằng cuộc điều tra đã kết thúc và thuế quan sẽ được áp dụng đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ô tô điện Trung Quốc gặp "rào cản" thuế quan tại cả Mỹ và châu Âu. Ảnh minh họa: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Ô tô điện Trung Quốc gặp "rào cản" thuế quan tại cả Mỹ và châu Âu. Ảnh minh họa: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), hôm 14/5, Chính phủ Mỹ đã công bố nâng thuế nhập khẩu đối với 13 loại hàng hóa của Trung Quốc, trong đó đáng chú ý nhất là mức thuế 100% áp dụng cho xe điện (EV) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trước đó, vào tháng 10/2023, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu tiến hành cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc, tập trung vào ba nhà sản xuất xe điện lớn là BYD, Geely và SAIC.

Khoảng một tháng sau khi Mỹ công bố quyết định áp thuế, vào ngày 12/6, Ủy ban châu Âu (EC) ra thông báo rằng cuộc điều tra đã kết thúc và

thuế quan sẽ được áp dụng đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Thuế quan sơ bộ sẽ được triển khai từ ngày 4/7 và sau đó các quyết định cuối cùng về thuế quan - thường có hiệu lực trong 5 năm - sẽ cần được bỏ phiếu thông qua vào tháng 11/2024.

Ba điểm chung

Hai quyết định thuế quan của Mỹ và EU được công bố khá gần nhau. Tuy nhiên, đây là hai loại thuế khác nhau hoàn toàn về cả nội dung và mục đích, qua đó phản ánh rõ ràng các cách tiếp cận xuyên Đại Tây Dương khác nhau đối với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Ngoài ra, đối với EU, việc áp thuế đối với xe điện có thể là một quyết định quan trọng đối với mối quan hệ của khối này với Trung Quốc, điều khác biệt cơ bản với Mỹ. Để tránh căng thẳng leo thang không cần thiết, các nhà lãnh đạo EC đã nêu bật quan điểm thuế quan áp dụng với EV của Trung Quốc không nhằm mục đích cạnh tranh địa chính trị, cũng không nhằm mục đích bảo hộ hay ngăn chặn, mà là nhằm tìm kiếm một sân chơi bình đẳng, một trụ cột lâu dài trong cách tiếp cận của châu Âu đối với Trung Quốc.

Việc làm rõ mục đích áp thuế dù không thể hoàn toàn loại bỏ căng thẳng leo thang, nhưng sẽ làm sáng tỏ sự khác biệt cơ bản về động cơ và đó là điều mà Liên minh châu Âu đang tìm kiếm. Tuy nhiên, trước khi đi sâu vào điểm khác biệt giữa thuế quan của Mỹ và EU, cần lưu ý ba điểm liên quan.

Đầu tiên là mặc dù có những động cơ khác nhau, nhưng cả Mỹ và EU đều áp dụng thuế quan - trong trường hợp của EU, họ đã công bố ý định áp thuế từ rất sớm. Điểm thứ hai liên quan đến việc áp dụng thuế quan sau quá trình điều tra. Mỹ đã áp đặt các mức thuế mới sau khi xem xét các mức thuế được áp đặt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, trong khi EU có thể áp đặt các mức thuế sau cuộc điều tra về các hoạt động phi thị trường được Trung Quốc áp dụng.

Tuy nhiên, các quy trình ở Mỹ và EU rõ ràng khác nhau. Cụ thể là ở Mỹ, 13 mức thuế đã được áp đặt cùng nhau. Trong khi đó, tại EU, mỗi cuộc điều tra mở có một góc độ khác nhau khi thực hiện các công cụ khác nhau, từ các công cụ phòng vệ thương mại đến quy định mới về trợ cấp nước ngoài. Do đó, mỗi cuộc điều tra sẽ đưa ra kết quả riêng. Quy trình của EU cũng sẽ kích hoạt các loại thuế quan khác nhau tùy thuộc vào loại hình điều tra. Tuy nhiên nhìn chung, dù có khác nhau, cả Mỹ và EU đều đã nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra quyết định.

Điểm chung thứ ba giữa hai bên là cách tiếp cận ưu tiên mà cả hai mức thuế đều thể hiện. Châu Âu đã chứng kiến sự gia tăng nhập khẩu xe điện Trung Quốc trong những năm qua, còn Mỹ thì không. Nếu xe điện Trung Quốc không bị xáo trộn, thị phần của họ tại EU sẽ còn tăng thêm. Đó không phải là điều hiển nhiên đối với thị trường Mỹ. Điều đó có nghĩa là, cả EU và Mỹ đều đang cố gắng ngăn chặn một tương lai mà xe điện Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh những thị trường mà họ chưa có ở đó.

Nỗ lực tạo một sân chơi bình đẳng

Mỹ đã áp đặt mức thuế 100% đối với xe điện cùng một bản danh sách dài hơn với tổng cộng 13 mặt hàng, trải dài từ nguyên liệu thô đến linh kiện và sản phẩm cuối cùng. Không có mặt hàng nào có mức thuế cao như thuế áp dụng với xe điện, nhưng danh sách này có thể sẽ tăng lên trong tương lai. Còn EU đã công bố mức thuế thấp hơn nhiều.

Ủy ban châu Âu tuyên bố áp dụng mức thuế cao nhất 38,1% để bổ sung vào mức 10% hiện có. Mức thuế này cao hơn dự kiến đối với một cuộc điều tra chống trợ cấp, thường áp dụng mức thuế từ khoảng 15 đến 25%. Tuy nhiên, có một số lưu ý. Mức thuế thấp hơn, 21%, sẽ được áp dụng đối với các công ty đã hợp tác trong quá trình điều tra. Tesla đang trải qua một cuộc điều tra riêng biệt và các ngưỡng khác nhau đã được đề xuất cho ba công ty được lấy mẫu: 17,4% cho BYD, 20% cho Geely và 38,1% cho SAIC.

Công cụ được EU lựa chọn để điều tra xe điện của Trung Quốc đã tóm gọn mục đích hành động của khối này. Vấn đề chính là các khoản trợ cấp mà ngành xe điện Trung Quốc đã nhận được từ chính phủ. Lập luận là những khoản trợ cấp đó đã cho phép các công ty Trung Quốc sản xuất các mặt hàng rẻ hơn và ở một mức độ nhất định, mang lại cho các công ty đó thành công toàn cầu.

Về cơ bản, EU muốn chứng minh rằng đây không phải cạnh tranh địa chính trị, không phải chủ nghĩa bảo hộ, mà là vấn đề về việc thiếu sân chơi bình đẳng. Và chỉ điều đó thôi đã tạo nên khoảng cách lớn giữa động lực của Mỹ và EU liên quan đến việc áp dụng thuế quan.

Các ý kiến trong EU và thậm chí trong các tổ chức của EU có thể khác nhau và một số người có thể nhận thức được nhiều mục tiêu bảo vệ hơn là một sân chơi bình đẳng trong các quyết định chống lại xe điện Trung Quốc. Tuy nhiên, cuối cùng, tầm quan trọng của việc tôn trọng các quy tắc ở EU đã vượt trội hơn các động lực bảo hộ như ở Mỹ.

Việc nhận định hành động áp thuế của EU khó có thể là một động thái bảo hộ nằm ở số lượng các mức thuế mới. Không giống như mức thuế 100% của Mỹ, mức thuế EU áp dụng tối đa là 38,1% sẽ vẫn là không đủ để các nhà sản xuất ô tô châu Âu “miễn nhiễm” với sự cạnh tranh của Trung Quốc, như đã được chứng minh trong một báo cáo của Rhodium Group.

Đối với Trung Quốc, để tránh thuế quan, nước này đã sử dụng kết hợp chiến lược "củ cà rốt và cây gậy", đề nghị tìm giải pháp cho những lo ngại của EU, đồng thời cảnh báo về hậu quả. Các mối đe dọa cũng như những lời đề nghị hầu hết đều hướng tới EU là bởi vì Trung Quốc nhìn thấy khả năng thay đổi kết quả tại đây và cũng bởi vì thị trường EU đã là một thị trường quan trọng đối với xe điện Trung Quốc.

Việc để mất thị trường này sẽ là một thiệt hại vô cùng lớn, bất chấp thực tế là các mức thuế do EU áp đặt khó có thể khiến các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đánh mất thị trường châu Âu mà thay vào đó, thuế quan sẽ làm cho việc sản xuất trở nên đắt đỏ hơn.

Tuy nhiên, người ta lo ngại rằng diễn biến này sẽ khơi mào cho một cuộc chiến thương mại giữa EU và Trung Quốc trong một cuộc đua “ăn miếng trả miếng”. Đó là lý do tại sao EU đã thể hiện khá rõ ràng rằng họ sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc.

Đây thực sự là một thách thức, đồng thời là một phép thử quan trọng đối với mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc. EU đã giải thích mối lo ngại của họ - cụ thể là các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang nhận được những lợi thế không công bằng, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp châu Âu. Trung Quốc đã bày tỏ sự cởi mở với ý tưởng giải quyết các mối quan ngại của EU.

Duy Tùng (P/v TTXVN tại Brussels)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khac-biet-trong-chinh-sach-thue-quan-xe-dien-cua-my-va-eu/341296.html