Đối thay ở xã miền núi biên giới Hải Sơn

Từ một xã biên giới khó khăn của thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), đến nay Hải Sơn đã nỗ lực vươn lên với những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội bền vững và trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, đời sống, sinh hoạt của nhân dân các dân tộc vùng cao nơi đây được nâng cao, diện mạo vùng nông thôn, biên giới ngày càng khởi sắc.

Xã Hải Sơn cách trung tâm thành phố Móng Cái gần 34km đường bộ, với hơn 80% diện tích tự nhiên là đồi núi xen kẽ sông suối, thung lũng, khiến việc giao thương, đi lại của người dân không được thuận lợi.

Đồng bào dân tộc chiếm hơn 86%, chủ yếu là người Dao và Sán Chỉ với nhiều tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào việc canh tác nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, khiến cho Hải Sơn vẫn là một xã khó khăn nhất của tỉnh trong những năm qua.

Hành trình đổi mới, vươn lên

Hành trình đổi mới của xã Hải Sơn gắn liền với việc thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm 2010, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” trên cơ sở nắm chắc những điều kiện đặc thù về kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Vì vậy, xã xác định phải nhanh chóng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời khẩn trương huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp đường giao thông, kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Các công trình trường học, nhà văn hóa, trạm y tế... cũng được quan tâm tu bổ nhằm đáp ứng tốt hơn các tiêu chí an sinh xã hội.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn giúp nhân dân xã Hải Sơn làm đường giao thông nông thôn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn giúp nhân dân xã Hải Sơn làm đường giao thông nông thôn.

Trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ các quan điểm lạc hậu, tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Đảng ủy và chính quyền xã cùng các tổ chức, đoàn thể đã nỗ lực vào cuộc vận động các già làng, trưởng bản, người uy tín tiêu biểu trong cộng đồng giáo dục con em trong gia đình, dòng họ cùng nâng cao ý thức xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ cao trong các phong trào vệ sinh môi trường, hiến đất làm đường, nhân rộng các mô hình canh tác hiệu quả.

Trong giai đoạn 2019-2024, Mặt trận Tổ quốc xã đã vận động nhân dân tham gia đóng góp hơn 500 ngày công lao động, hiến 100m2 đất và đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng thôn kiểu mẫu, nâng cấp, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hải Sơn Phùn Văn Huy cho biết: “Phương châm là công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, nắm chắc nội dung để chủ động tuyên truyền vận động, thuyết phục giúp đồng bào dân tộc nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu đặt ra và tính thiết thực của các chương trình, thấy được lợi ích chung, lợi ích lâu dài đối với đời sống của nhân dân và sự phát triển của xã, qua đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình. Đặc biệt là đã phát huy hiệu quả vai trò của các già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng trong việc tạo sự thống nhất cao trong tổ chức thực hiện”.

Với phương châm “lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân”, Mặt trận Tổ quốc xã Hải Sơn đã rất thành công trong việc tập hợp sức mạnh nội lực từ nhân dân thông qua việc tuyên truyền vận động, làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc.

Trong giai đoạn 2019-2024, Mặt trận Tổ quốc xã đã vận động nhân dân tham gia đóng góp hơn 500 ngày công lao động, hiến 100m2 đất và đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng thôn kiểu mẫu, nâng cấp, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm với số tiền gần 1 tỷ đồng; vận động hỗ trợ xây mới, sửa chữa 7 nhà ở, tặng hơn 1.000 suất quà Tết cho 100% đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng khó khăn... với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng.

Mặt trận Tổ quốc xã cũng vận động đồng bào dân tộc di dời chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm ra xa nơi ở, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, đồng thời cùng cấp ủy, chính quyền địa phương cải tạo cảnh quan môi trường; chủ động tiếp cận với khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế; khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, tích cực tham gia các sự kiện, lễ hội, quảng bá, phát triển du lịch, nhiều sản phẩm du lịch mới được hình thành, mang đậm dấu ấn vùng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội xã Hải Sơn ngày càng phát triển, thu ngân sách hằng năm tăng hơn 10%.

Mô hình nuôi cá rô đồng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái.

Mô hình nuôi cá rô đồng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái.

Chị Lỷ Thị Múi, ở thôn Thán Phún, cho biết: “Từ khi biết làm du lịch cộng đồng, gia đình tôi đã có thêm nguồn thu nhập ổn định, đáng kể. Người dân trong thôn đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, tự cải tạo cho ngôi nhà của gia đình, đường làng, ngõ xóm thêm sạch, đẹp hơn; tích cực gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, nghề truyền thống của dân tộc, đồng thời đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo”.

Năm 2022, xã Hải Sơn đã đạt nông thôn mới nâng cao và đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện 100% tuyến đường liên thôn, xóm đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch, đẹp; toàn xã hiện nay không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương; hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư được đầu tư mới trong năm 2023.

Người dân yên tâm bám làng, giữ bản biên giới với các mô hình kinh tế nông nghiệp, dịch vụ du lịch phát triển có hiệu quả, giúp duy trì mức thu nhập bình quân trên đầu người toàn xã đạt 72 triệu đồng/người/năm.

Là hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, chị Lỷ Thị Hoa, ở thôn Thán Phún, xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi rất vui và cảm động khi được chính quyền và các đoàn thể của xã giúp đỡ về con giống sinh sản để phát triển kinh tế gia đình và hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ kiên cố. Đến nay, kinh tế gia đình tôi đã dần ổn định và cuộc sống ngày một tốt hơn”.

Chợ phiên Pò Hèn được tổ chức tại xã Hải Sơn, ngày càng thu hút khách du lịch tham gia và trải nghiệm.

Chợ phiên Pò Hèn được tổ chức tại xã Hải Sơn, ngày càng thu hút khách du lịch tham gia và trải nghiệm.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Xã Hải Sơn luôn xác định xây dựng khối đại đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ xuyên suốt trong phát triển bền vững của địa phương.

Xuất phát từ quan điểm nhất quán đó, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập thể Đảng ủy luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng một cách toàn diện; lấy tinh thần đoàn kết trong Đảng lan tỏa, giáo dục và nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cả hệ thống chính trị và nhân dân về giá trị và sức mạnh của tinh thần đoàn kết, trong đó Mặt trận Tổ quốc giữ vai trò trung tâm, nòng cốt… từ đó cụ thể hóa thành những chỉ đạo, việc làm gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, tổ chức, cá nhân.

Bí thư Đảng ủy xã Hải Sơn Vũ Anh Tuấn cho biết: "Mặt trận Tổ quốc xã Hải Sơn đã phát huy vai trò nòng cốt chính trị, bám sát chương trình hành động của Đảng ủy xã về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển bền vững kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, có nhiều sáng tạo trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt đã phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng đi sâu, đi sát, kiên trì vận động thuyết phục, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân trong các hoạt động, do đó nhiều việc mới, việc khó được triển khai tại địa phương đều có được sự đồng thuận cao từ nhân dân".

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn tặng cờ Tổ quốc cho người dân xã Hải Sơn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn tặng cờ Tổ quốc cho người dân xã Hải Sơn.

Bên cạnh sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và sự vào cuộc tích cực của nhân dân thì một trong những động lực không nhỏ cho sự đổi mới vươn lên của xã vùng cao Hải Sơn phải kể đến công sức của những người lính biên phòng đứng chân trên địa bàn xã.

Những năm qua, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn đã có nhiều đóng góp trong nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương. Không chỉ chủ động triển khai các biện pháp quản lý đường biên cột mốc, bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, các anh còn tích cực hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất kinh tế.

Đồn Biên phòng Pò Hèn đã hỗ trợ cây giống và trực tiếp hướng dẫn cho người dân các phương pháp chăm bón, thu hoạch... giúp nhân dân xây dựng thành công 5 khu vườn kiểu mẫu trên địa bàn và đồn đang duy trì đỡ đầu 2 cháu có hoàn cảnh khó khăn trong xã.

Có thể khẳng định, tình đoàn kết quân dân ngày càng được thắt chặt đã tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, là “phên dậu” bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Bức tranh về xã vùng cao, biên giới Hải Sơn hôm nay được ngày càng tươi đẹp, trù phú hơn bởi cuộc sống của những người dân nơi đây đang ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn giúp người dân thôn Pò Hèn chăm sóc vườn mẫu trồng cây ăn quả.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn giúp người dân thôn Pò Hèn chăm sóc vườn mẫu trồng cây ăn quả.

Có thể khẳng định, phong trào xây dựng nông thôn mới đã thổi một luồng gió mới trên tất cả các vùng quê từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi, biên giới đến hải đảo xa xôi.

Với phương châm “không nghỉ, không ngừng, không có điểm dừng”, phong trào xây dựng nông thôn mới đã thực sự tạo nên khí thế mới, sức sống mới trên toàn tỉnh Quảng Ninh và thành quả này chính là sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng để cho những bản làng, vùng quê ngày càng tươi đẹp, trù phú, ấm no và hạnh phúc hơn.

QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-thay-o-xa-mien-nui-bien-gioi-hai-son-post821375.html