Đổi thay ở xã miền núi Nghĩa Sơn
Những năm qua, nhờ sự thay đổi nhận thức, chăm chỉ làm ăn, cùng với sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Đảng và Nhà nước mà cuộc sống của người dân xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) ngày một ấm no, phát triển. Cái nghèo khó đã dần lùi xa, làng quê đang chuyển mình nhanh chóng.
Về xã Nghĩa Sơn trong những ngày cuối năm, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ, nhất là những tuyến đường thôn xóm, liên xã rộng và đẹp.
Đầu tư hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2016, xã Nghĩa Sơn tiếp tục nâng cao các tiêu chí làm bước đệm để thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao.
Với sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cao của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, diện mạo nông thôn trên toàn xã ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh; chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên.
Phó Chủ tịch xã Nghĩa Sơn Phạm Văn Thếch cho biết, xác định việc đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, UBND xã đã tập trung triển khai các hạng mục công trình được phê duyệt. Trong đó, quan tâm chú trọng các công trình mang tính kết nối, tạo sức bật cho địa phương phát triển.
Trong năm 2023, địa phương đã đầu tư, xây dựng, thi công bê tông hóa hoàn thiện các tuyến giao thông quan trọng gồm: nâng cấp, tu sửa tuyến trung tâm xã đi suối Lâm, vốn đầu tư hơn 123 triệu đồng; tuyến đường nhà ông Tre đi Đồng Lâm, vốn đầu tư 900 triệu đồng; nâng cấp, tu đập tràn Hố Nang và kiên cố hóa kênh mương; vốn đầu tư khoảng 1,1 tỷ đồng….
Bên cạnh đó, các công trình dân sinh như trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, đèn điện chiếu sáng, hệ thống thủy lợi... cũng được quan tâm đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đến nay, ngoài duy trì diện tích gieo sạ hằng năm hơn 120ha, với năng suất lúa bình quân đạt 61 tạ/ha, địa phương còn khuyến khích việc khai hoang, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi giống cây trồng, đồng thời từng bước thay thế các loại cây không có hiệu quả. Cùng với phát triển diện tích keo lai, mì, hoa màu, trồng cây phân tán, khai thác gỗ các loại... cũng được tập trung phát triển.
Năm 2024, Đảng bộ xã Nghĩa Sơn đề ra một số chỉ tiêu như cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, công nghiệp, xây dựng chiếm 13,56%; thương mại, dịch vụ chiếm 19,56%; nông, lâm nghiệp chiếm 68,09%; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 14%; tỷ lệ tham gia mua BHYT đạt 98% trở lên; giữ vững xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Nhân rộng mô hình giảm nghèo
Phó Chủ tịch xã Phạm Văn Thếch cho biết thêm, thời gian qua, công tác giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống người dân trên địa bàn xã đã được triển khai rộng rãi, đồng bộ và có hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Các chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như: y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý...được triển khai đồng bộ, thường xuyên.
Địa phương đã hướng dẫn người dân mạnh dạn chuyển đổi các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt. Tập trung phát triển các mô hình nuôi heo ky, bò Zebu và nuôi dê, hướng dẫn trồng các loại cây phù hợp...
Đặc biệt, trong năm 2023, thực hiện dự án hỗ trợ giảm nghèo với mô hình nuôi bò Zebu cho 10 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Các hộ dân được hỗ trợ bò đều xây dựng chuồng trại đảm bảo, trồng cỏ để có thức ăn xanh, chăn nuôi đúng hướng dẫn nên bò giống sinh trưởng tốt, từng bước tăng thu nhập cho gia đình.
Hộ ông Phạm Bứt, ở thôn 2 thuộc diện cận nghèo. Qua rà soát, địa phương đã xét chọn và cấp cho gia đình ông một con bò Zebu sinh sản từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, để ông có điều kiện phát triển kinh tế. “Được nhà nước quan tâm, hỗ trợ, gia đình tôi rất vui mừng. Tôi sẽ cố gắng chăn nuôi bò để cải thiện kinh tế gia đình, có điều kiện nuôi con ăn học và thoát nghèo sớm”, ông Bứt chia sẻ.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 0,62%; tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2023 là 1,64%, giảm 0,29%, so với cuối năm 2022 (1,93 %), tuy nhiên vẫn còn cao so với mặt bằng chung.
Từ một xã miền núi với rất nhiều khó khăn, Nghĩa Sơn đang đổi thay từng ngày cùng với những phát triển của tỉnh và đất nước.
Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN