Đổi thay ở xã vùng biên giới

Trở lại xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tôi ấn tượng bởi diện mạo đổi thay của xã vùng biên giới này. Những ngôi nhà xây kiên cố, đường giao thông nông thôn sạch đẹp, các mô hình kinh tế phát huy hiệu quả; đời sống của nhân dân ngày một nâng cao.

Nhân dân xã Mường Hung, huyện Sông Mã, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả.

Nhân dân xã Mường Hung, huyện Sông Mã, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả.

Hiện nay, xã có 28 bản, với 2.132 hộ, 9.122 nhân khẩu. Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tự lực vươn lên phát triển sản xuất. Nhất là chuyển đổi diện tích trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, tiến hành cải tạo vườn tạp; xây dựng chuồng trại nuôi gia súc nhốt chuồng… Hiện nay, cây ăn quả đã trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn xã, với tổng diện tích 779 ha, chủ yếu là nhãn, xoài, cam, bưởi. Bên cạnh đó, bà con duy trì thâm canh 204 ha lúa xuân, 232 ha lúa nương, 547 ha ngô; chăn nuôi gần 10.000 con gia súc và 60.000 con gia cầm. Thu nhập bình quân đạt 22 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18,4%.

Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho nông dân để áp dụng vào thực tế sản xuất. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, chính sách để hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế. Xây dựng các mô hình kinh tế tiêu biểu để nhân rộng, khuyến khích hộ dân liên kết thành lập HTX; liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân… Từ năm 2021 đến nay, xã đã phối hợp tổ chức 4 lớp chuyển giao kỹ thuật trồng cây quế, chăn nuôi gia súc và cải tạo vườn tạp cho 120 người dân. Phối hợp xây dựng mô hình trồng cây cam tại bản Kéo và Bua Hin, quy mô 16,5 ha; triển khai mô hình trồng cây gai xanh quy mô 8 ha tại bản Huổi Ỏ, Bua Xá, Nà Nỏng. Duy trì hoạt động hiệu quả 4 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hua Bin là bản vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn. Ông Sộng A Gâu, Bí thư chi bộ, trưởng bản, cho biết: Năm 2021, bản được Nhà nước hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cam với quy mô 5 ha, trong đó, 3 năm đầu được hỗ trợ hoàn toàn cây giống, phân bón và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc. Diện tích cam phát triển tốt, năm nay cho thu hoạch quả bói. Thấy hiệu quả bước đầu từ mô hình, một số hộ dân đã trồng mới thêm 1 ha cam. Bà con trong bản mong muốn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng thêm nhiều mô hình để từng bước thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập.

Anh Trần Văn Cường, bản H8, cho biết: Gia đình tôi có 3 ha cây nhãn chín sớm và nhãn chính vụ. Trồng nhãn chín sớm chi phí cao hơn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật chăm sóc, nhưng thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán lại cao hơn nhãn chính vụ. Vụ nhãn vừa qua, gia đình tôi thu hoạch được 30 tấn quả, thu lãi 400 triệu đồng. Hiện nay, gia đình đang tập trung chuyển đổi dần các diện tích nhãn chính vụ sang nhãn chín sớm để nâng cao thu nhập.

Năm 2023, xã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường bản Nong Sày, Nà Nỏng; xây dựng 1 công trình cầu tràn, 1 công trình nước sinh hoạt và 7 nhà văn hóa bản, với tổng kinh phí là 18,2 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 200 triệu đồng, còn lại là từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các công trình được triển khai xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và sinh hoạt của bà con, tạo động lực để nhân dân các bản tập trung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Ông Lò Văn Thịch, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã tiếp tục định hướng bà con phát triển diện tích trồng cây ăn quả theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, hình thành các vùng hàng hóa tập trung. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với các loại giống chất lượng, quy mô đàn phù hợp, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Vận động bà con các bản vùng cao khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở hạ tầng… Phấn đấu năm 2023 giảm được 2,5% hộ nghèo.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm của địa phương và nhân dân trong phát triển kinh tế đã tạo tiền đề quan trọng giúp Mường Hung sớm đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và số 11 về nghèo đa chiều, nâng cao mức sống cho nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Bài, ảnh: Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-thon-moi/doi-thay-o-xa-vung-bien-gioi-zfLjFgnSR.html