Đổi thay trên đảo tiền tiêu
Các đảo tiền tiêu của Tổ quốc đang từng ngày thay da đổi thịt, đời sống người dân được nâng cao
Ngoài quần đảo Trường Sa thiêng liêng, nước ta còn có nhiều hòn đảo nằm ở những vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Ở những đảo tiền tiêu này, tình quân dân gắn bó keo sơn, Đảng, nhà nước, chính quyền giúp dân ra sức phát triển kinh tế - xã hội.
Du lịch Cô Tô bừng sáng
Nằm ở phía cực Bắc của Tổ quốc, đảo Cô Tô (Quảng Ninh) được xem là "phên dậu" bảo vệ Tổ quốc từ hướng Bắc.
Nếu 10 năm trước, Cô Tô thưa người, khung cảnh còn hoang sơ thì nay là nơi sầm uất giữa bốn bề sóng nước. Hàng ngàn ngôi nhà mái bằng mọc lên từ triền núi, san sát nhau. "Bây giờ ra Cô Tô có xuồng cao tốc, đi lại rất dễ dàng. Hàng hóa vận chuyển từ đất liền ra đảo liên tục. Đời sống của nhân dân ngày càng khấm khá hơn" - trung úy Trần Thanh Hưng, Phân đội 1, Đồn Biên phòng Cô Tô, cho biết.
10 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Cô Tô phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên. Từ cuối năm 2013, Cô Tô đón dòng điện lưới quốc gia, cũng là lúc hoạt động du lịch Cô Tô khởi sắc. Khó có thể ngờ với diện tích nhỏ nhưng thị trấn Cô Tô, một trong 3 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Cô Tô, lại có tới 600 phòng nghỉ khách sạn từ 3-5 năm sao, hàng ngàn nhà nghỉ tư nhân với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Chị Minh Quyên, du khách đến từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhận xét: "Cô Tô xinh đẹp, thanh bình, người dân rất mến khách. Thiên nhiên ban tặng cho Cô Tô những "đặc ân" để phát triển tiềm năng du lịch".
Bất kỳ ai đến Cô Tô cũng thích thú với không khí trong lành, cuộc sống bình yên, tình nghĩa keo sơn của quân và dân nơi đây. Để có được môi trường trong sạch, chính quyền địa phương thực hiện mô hình "địa phương xanh", hằng ngày thu gom rác thải dân sinh xử lý bằng công nghệ tiên tiến thay cho chôn lấp. Địa phương còn vận động nhân dân đun nấu bếp than, củi chuyển sang nấu gas. "Quảng Ninh là đất mỏ than, người dân quen sử dụng than để nấu nướng nên việc thay đổi thói quen này không hề dễ. Đến nay, trên 90% hộ dân đã chuyển sang sử dụng bếp gas, góp phần giảm thiểu khí thải, chất độc ra môi trường" - ông Nguyễn Văn Hoản, một cựu binh hải quân sống ở Cô Tô, nói.
Lãnh đạo huyện Cô Tô cho biết để tiếp tục có những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, địa phương xác định sẽ phát triển huyện đảo thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia gắn với khu du lịch sinh thái biển đảo. Đó là phải đưa Cô Tô trở thành một trọng điểm du lịch trong quần thể du lịch Cát Bà - Hạ Long - Vân Đồn - Cô Tô - Móng Cái - Trà Cổ với đa dạng các loại hình du lịch, thể thao và vui chơi giải trí cả trên biển và trên các đảo.
Sức sống mới trên Bạch Long Vĩ
Bạch Long Vĩ là một huyện đảo của TP Hải Phòng, là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ, cách đất liền hơn 130 km. Bạch Long Vĩ còn có tên gọi khác là "hòn đảo Thanh niên". Đây là hòn đảo có vị trí chiến lược trong bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển của nước ta ở vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.
Huyện Bạch Long Vĩ chính thức được thành lập ngày 9-12-1992 nhưng đến ngày 26-3-1993, bộ máy chính quyền lâm thời mới ra đảo nhận nhiệm vụ, với 20 cán bộ, công chức, 15 đảng viên và 62 đội viên TNXP. Cũng chính vì lý do này mà Bạch Long Vĩ được mang tên "đảo thanh niên".
Trải qua 27 năm phát triển, nhờ sự đầu tư của trung ương, TP Hải Phòng, cùng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt khó của quân và dân, của cán bộ, công chức huyện, đội viên TNXP, huyện đảo Bạch Long Vĩ thực sự đã "thay da đổi thịt".
Từ một phòng khám đa khoa, Bạch Long Vĩ giờ đã có bệnh viện, cùng với Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ đảm nhiệm công tác chăm sóc sức khỏe cho quân, dân trên đảo và ngư dân trên vùng biển. Giáo dục được huyện đặc biệt coi trọng với 100% trẻ em được đến trường. Công tác phát thanh, truyền hình được duy trì, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu của nhân dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống văn hóa đa dạng lành mạnh của nhân dân. Dịch vụ viễn thông được quan tâm đầu tư, 2 mạng điện thoại di động Vinaphone và Viettel đã phủ sóng trên đảo và vùng biển quanh đảo, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh...
Cái mới của Bạch Long Vĩ hôm nay không chỉ là hàng ngàn người dân TP Hoa phượng đỏ tình nguyện ra đảo mưu sinh, mà còn mới ở những công trình dân sinh, như: Hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống sản xuất cung cấp điện, nước ngọt, bệnh viện, trường học; cảng và khu neo đậu tàu, trụ sở các cơ quan, đơn vị, nhà dân và các công trình văn hóa. Công trình cảng và khu neo đậu tàu Bạch Long Vĩ là nơi neo đậu, tránh trú bão và trao đổi hàng hóa của hàng trăm tàu thuyền khai thác trên ngư trường vịnh Bắc Bộ với các dịch vụ thu mua hải sản, cung ứng xăng dầu, ngư cụ, nước ngọt, đá lạnh, lương thực thực phẩm, sửa chữa tàu thuyền.
Đặc biệt, theo chủ trương của huyện, nhiều hộ dân đầu tư đóng mới tàu phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, nhân dân trên đảo đã sản xuất, cung cấp cho tàu thuyền gần 11.000 tấn rau, củ, quả; hơn 2.000 tấn thịt gia súc, gia cầm; khai thác hải sản ven bờ hằng năm đạt từ 60 - 80 tấn, chủ yếu là các loại hải sản có giá trị kinh tế cao.
Ông Trần Quang Tường - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ - khẳng định quyết tâm của huyện là phát triển đảo tiền tiêu của Tổ quốc thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn phía Bắc, tập trung phát triển du lịch, đổi mới toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/bien-dao/doi-thay-tren-dao-tien-tieu-20191206222503517.htm