Đổi thay trên quê hương Anh hùng Lò Văn Giá
Những ngày giáp tết, chúng tôi về bản Cọ, phường Chiềng An, thành phố Sơn La - quê hương của Anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá, một thanh niên dân tộc Thái đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giành độc lập tự do của dân tộc.
Nằm bên dòng suối Nặm La hiền hòa, bản Cọ hôm nay đang thay da, đổi thịt, những cánh đồng lúa dọc suối Nặm La xưa kia, giờ đã thay thế bằng các khu đô thị hiện đại. Các tuyến đường liên bản đã đổ bê tông; cây cầu tràn qua dòng suối nay thay bằng cầu bê tông kiên cố; tuyến đường nhựa chạy dọc theo bờ kè suối Nặm La càng tô đẹp hơn cho thành phố hiện đại, văn minh.
Thăm khu tưởng niệm Anh hùng Lò Văn Giá nghiêm trang, trầm mặc, nghi ngút hương thơm. Ngược dòng lịch sử, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp oanh liệt, hào hùng. Giai đoạn 1930-1945, thực dân Pháp đày ải hàng trăm chiến sỹ cộng sản lên nhà ngục Sơn La. Đến đầu năm 1943, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã xây dựng được hai cơ sở bên ngoài nhà tù, trong đó anh Lò Văn Giá tham gia vào tổ chức Thanh niên cứu quốc Mường La. Đến tháng 8/1943, Chi bộ Nhà tù Sơn La quyết định tổ chức vượt ngục cho một số tù chính trị cốt cán để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Là người thông minh, dũng cảm, có lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng và thông thạo địa hình Tây Bắc, anh Lò Văn Giá được Chi bộ Nhà tù Sơn La chọn làm người dẫn đường cho cuộc vượt ngục của 4 đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân và Lưu Đức Hiểu.
Với sự chuẩn bị chu đáo và lòng quyết tâm, gan dạ của các chiến sỹ cộng sản, cùng với sự dũng cảm, mưu trí, bình tĩnh, khéo léo của Lò Văn Giá, sau 5 ngày vượt qua muôn gian khổ, cuộc vượt ngục đã thành công, đưa 4 đồng chí đến đích an toàn (khu vực suối Rút, tỉnh Hòa Bình). Nhưng khi quay lại Sơn La, anh Lò Văn Giá đã bị thực dân Pháp bắt. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng anh Lò Văn Giá vẫn quyết không khai. Sau thời gian bị giam cầm, không tìm được chứng cứ để kết án, nên chúng đã lén lút thủ tiêu anh. Hành động đó phơi bày sự bất lực của kẻ thù trước ý chí đấu tranh bất khuất của người thanh niên dân tộc Thái, tiêu biểu cho nhân dân địa phương đang hướng về ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tấm gương hy sinh anh dũng của Anh hùng Lò Văn Giá tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ thanh niên hăng hái tiến lên dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, góp phần cùng với nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn La ngày 26/8/1945.
Bản Cọ hôm nay đang nối tiếp truyền thống kiên cường của Anh hùng Lò Văn Giá. Chi bộ bản có 76 đảng viên, luôn tiên phong, gương mẫu cùng với bà con trong bản xây dựng phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; ủng hộ các chương trình lớn của Thành phố và của tỉnh. Nhất là trong quá trình xây dựng Dự án kè suối Nặm La, nhân dân đồng tình, ủng hộ giải phóng mặt bằng, nhường 13 ha đất sản xuất nông nghiệp; 54 hộ nhường đất thổ cư, trong đó 12 hộ di dời ra khỏi khu vực quy hoạch xây dựng Dự án kè suối Nặm La. Tất cả chỉ mong sao Thành phố được khang trang, hiện đại hơn.
Bắt nhịp cùng với phát triển đô thị, Chi bộ, Ban quản lý bản Cọ đã định hướng cho bà con chuyển đổi hình thức phát triển kinh tế sang kinh doanh, dịch vụ; phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm; đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào trồng và phát triển chăn nuôi theo hướng nhốt chuồng, nhờ đó, đời sống của bà con ngày một nâng cao.
Bà Tòng Thị Huấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cọ, cho biết: Bản có 283 hộ, hơn 1.200 nhân khẩu. Từ số tiền đền bù, nhiều hộ đã mua ô tô dịch vụ taxi, bán hàng. Hiện, bản có 36 ha đất trồng ngô, năng suất đạt 9 tấn/ha, hơn 17 ha cây ăn quả và 22 ha cà phê. Tỷ lệ hộ khá giàu 40%, chỉ còn 3 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Chi bộ, Ban Quản lý bản Cọ đã họp bàn và đề xuất với Thành phố quy hoạch chợ bản Cọ với diện tích 2.200 m². Hiện, các đơn vị thi công đang khẩn trương triển khai, khi đưa vào sử dụng sẽ là nơi giao thương hàng hóa của bản và nhân dân khu kè suối Nặm La.
Đứng bên bờ kè suối Nặm La, trong nắng xuân ấm áp, ngắm nhìn bản Cọ, chúng tôi chợt nhớ tới những câu hát trong bài “Xuân về bản Cọ” của nhạc sĩ Cầm Bích: Bản cọ quê hương Sơn La đẹp lắm/ Mỗi khi xuân về khi xuân về hoa ban nở trắng rừng xanh/... Bản Cọ ơi gần thương xa nhớ/ Cho lòng ai vấn vương/ Cho lòng ai nhớ thương nhớ thương bản Cọ ơi!