Đổi thay từ đường liên xã Ia Ga-Ia Lâu
Trở lại các xã vùng biên giới của huyện Chư Prông lần này, chúng tôi không còn phải vật lộn với con đường đất sình lầy quá gối mà thay vào đó là tuyến đường bê tông êm mượt, rộng rãi. Cầu suối nước Đục, suối nước Trong đã được đầu tư làm mới nên lưu thông thuận lợi. Người dân hai bên đường liên xã Ia Ga-Ia Lâu rất phấn khởi trước sự đổi thay này.
Niềm vui từ con đường
Năm 2020, tuyến đường liên xã Ia Ga-Ia Lâu đã được đầu tư xây dựng. Khỏi phải nói người dân các xã Ia Lâu, Ia Piơr vui mừng đến như nào khi dự án triển khai. “Chúng tôi sống ở Ia Lâu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Ngày đó, tuy đường đất nhưng phương tiện đi lại còn thô sơ nên mùa mưa không đến nỗi. Sau này, người dân về Ia Lâu, Ia Piơr sinh sống ngày một đông, việc sản xuất, giao thương được đẩy mạnh, xe lớn, xe nhỏ qua lại ngày một nhiều. Từ đó, cứ mưa đến là đường lại bị cày nát bươm, sình lầy quá gối. Con em đi học hàng ngày rất vất vả, người đau bệnh cần đi cấp cứu nhưng đường sá trắc trở, nông sản thì giá luôn thấp hơn nhiều so với các vùng khác vì chi phí vận chuyển tăng cao. Khi tuyến đường được đầu tư xây dựng, bà con rất phấn khởi”-ông Hà Văn Che (thôn Lũng Vân, xã Ia Lâu) nói.
Bà Lê Thị Duyên-Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu-cho biết: Xã Ia Lâu hiện có 2.300 hộ với gần 10 ngàn khẩu, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm đến 92%. Bà con canh tác khoảng 3.200 ha cây trồng các loại, sản lượng nông sản hàng năm rất lớn và phần đa được đưa đi các vùng khác tiêu thụ. Mùa mưa năm nay là năm đầu tiên người dân xã Ia Lâu được đi lại trên con đường bê tông đẹp đẽ, không còn lầy lội. “Trước đây, vào mùa mưa, đường sá lầy lội, vận chuyển hàng hóa khó khăn nên bà con mua giống, phân bón giá cao, ngược lại sản phẩm làm ra chỉ bán được giá thấp nên hiệu quả kinh tế không cao bằng các khu vực khác. Nay đường sá được đầu tư đã góp phần đưa Ia Lâu cơ bản bắt nhịp mặt bằng chung, không còn cảnh thương lái ép giá, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày”-bà Duyên chia sẻ.
Ông Bùi Văn Phụng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Piơr cũng cho rằng: Việc đầu tư tuyến đường đã đáp ứng niềm mong mỏi bấy lâu nay của người dân địa phương. “Trường THPT Pleime nằm ngay khu vực ngã ba nên các cháu học sinh đi lại trên tuyến đường liên xã Ia Ga-Ia Lâu. Trước đây, vào mùa mưa, đường lầy lội, các cháu phải thuê trọ để học. Nay thì việc đi lại đã thuận tiện hơn, lại có xe đưa đón nên các cháu đã có thể đi về mỗi ngày. Giao thương thuận lợi, kinh tế phát triển tạo tiền đề quan trọng giúp địa phương đảm bảo an ninh trật tự, góp phần đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội khác”-ông Phụng nhấn mạnh.
Động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng biên
Nói về Dự án đầu tư xây dựng công trình đường liên xã Ia Ga-Ia Lâu, ông Trần Đắc Lực-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Prông-cho biết: Dự án được triển khai trên phạm vi chiều dài 12,04 km, bắt đầu từ ngã ba Cửa rừng (giao với tỉnh lộ 665, thuộc xã Ia Ga) đến trung tâm xã Ia Lâu với tổng mức đầu tư 78 tỷ đồng. Tuyến đường được thiết kế theo quy mô đường cấp IV miền núi, vận tốc thiết kế 40 km/giờ, tải trọng mặt đường 10 tấn/trục. Kết cấu đường bê tông xi măng, bề rộng mặt đường 5,5 m. Đặc biệt, trên tuyến có 2 công trình cầu suối nước Trong (Km 1+645) có chiều dài 39,1 m và cầu suối nước Đục (Km 4+953) có chiều dài 76,85 m được xây dựng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển qua lại an toàn, thuận lợi suốt hai mùa mưa nắng. “Tuyến đường đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân trong khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-ông Lực khẳng định. Cũng theo ông Lực, tuyến đường đã hoàn tất thi công được khoảng 1 năm và đang chờ nghiệm thu, bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác.
Hiện tại, tỉnh lộ 665 đang được triển khai thi công. Trên biên giới, quốc lộ 14C đang từng bước được đầu tư xây dựng. “Như vậy, chỉ một thời gian ngắn nữa, các tuyến giao thông kết nối từ Ia Lâu, Ia Piơr, Ia Púch… đi các địa phương khác sẽ được hoàn thiện. Đây là động lực để các xã vùng biên giới phát triển mạnh mẽ”-ông Lực bày tỏ kỳ vọng.