Đổi thay từ mô hình 'Ngày cuối tuần cùng dân' ở huyện Mù Cang Chải - Bài 3: Rèn luyện cán bộ, chuyển biến nhận thức của người dân (Tiếp theo và hết)

Sau gần 4 năm triển khai mô hình 'Ngày cuối tuần cùng dân', huyện Mù Cang Chải đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Mô hình này đã giúp các cán bộ rèn luyện phong cách lãnh đạo sâu sát, trách nhiệm, không còn là 'cán bộ hai sáu' (đi thứ hai, về thứ sáu). Từ đây, mô hình tạo sự lan tỏa đến tất cả huyện, thành phố của tỉnh Yên Bái, giúp hàng nghìn người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được giúp đỡ, tạo động lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống...

Rõ phần việc, sát thực tế

Trong ngày cuối tuần tham gia trồng cây tại bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, đồng chí Tạ Văn Long, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái có mặt từ sáng sớm, trước cả khi cây giống, cuốc, xẻng... được chuẩn bị sẵn sàng. Cùng lao động với đồng bào Mông trong bản, nắm bắt thực tế, trò chuyện, chia sẻ khó khăn, vất vả với đồng bào, đồng chí Tạ Văn Long động viên bà con tiếp tục đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động, phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Những ý kiến của bà con cũng được đồng chí lắng nghe thấu đáo, việc gì trong thẩm quyền được đồng chí giải quyết ngay. Cũng trong “Ngày cuối tuần cùng dân”, đồng chí Tạ Văn Long giao nhiệm vụ cho huyện Mù Cang Chải phấn đấu đến năm 2025, tất cả hộ gia đình trong bản Trống Là phải được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, 100% hộ dân có nhà vệ sinh; bản có bãi đổ rác; toàn bộ cống, rãnh trong bản được khơi thông; các gia đình có nhà ở bảo đảm "3 cứng" (cứng nền, cứng khung, cứng mái), không có hộ sinh sống ở nơi mất an toàn về thiên tai, mưa lũ.

Đồng chí Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải gặp gỡ, động viên bà con bản Dào Xa, xã Lao Chải trong "Ngày cuối tuần cùng dân". Ảnh: GIA NGHĨA

Đồng chí Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải gặp gỡ, động viên bà con bản Dào Xa, xã Lao Chải trong "Ngày cuối tuần cùng dân". Ảnh: GIA NGHĨA

Anh Giàng A Hành ở bản Trống Là tâm sự: “Nhà tôi nghèo lắm, không đủ ăn vì ít ruộng. Khi nghe tin ngày nghỉ cuối tuần có cả cán bộ ở tỉnh lên bản giúp dân khai hoang ruộng nước, hướng dẫn bà con trồng cây phát triển kinh tế, chúng tôi cứ tưởng cán bộ chỉ xuống chỉ đạo. Nhưng không ngờ, cán bộ đã thực sự cùng làm và lắng nghe ý kiến của người dân nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Khi nhắc đến nguyện vọng của bà con bản Pú Vá, xã Chế Tạo muốn có một con đường từ bản đi vào Thủy điện Phìn Hồ 2, ai cũng lắc đầu vì nghĩ không thực tế do địa hình vô cùng khó khăn, nếu làm sẽ rất tốn kém. Tuy nhiên, trong một buổi cùng làm với người dân, đồng chí Hảng A Ký, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mù Cang Chải đi kiểm tra thực tế và thấy có khả năng mở được đường. Chính vì vậy, con đường bê tông rộng 3m, dài 3km từ bản Pú Vá đi vào Thủy điện Phìn Hồ 2 đã được triển khai. Đồng chí Trưởng ban Dân vận Huyện ủy cho biết: “Trực tiếp đi thực tế, tôi mới biết con đường này có thể làm được. Sau khi nghiên cứu kỹ địa hình, xây dựng phương án, tôi đã báo cáo, đề xuất với cấp trên hỗ trợ xi măng và người dân bỏ công sức để làm đường. Con đường này có thể thông sang tỉnh Sơn La, vì vậy từ khi hoàn thành, việc giao thương, buôn bán được thuận lợi, giá cả vật liệu xây dựng, đồ gia dụng phục vụ sinh hoạt cũng giảm hơn trước rất nhiều do ô tô vào được tận bản”.

Ông Sùng A Lừ, 70 tuổi, ở bản Pú Vá, cho biết: “Từ khi mô hình được thực hiện, cán bộ về bản đông và đều đặn. Bằng những việc làm thiết thực, mô hình đã đưa cán bộ đến gần dân hơn, qua đây người dân được trực tiếp trao đổi, góp ý với cán bộ để cán bộ hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Không những vậy, cán bộ còn chuyện trò, trao đổi để người dân làm thế nào cho đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên chúng tôi mừng lắm!”.

Không để mô hình sáo rỗng, hình thức

Chúng tôi đem thắc mắc: Thực tế ở nhiều nơi, cán bộ tham gia một số hoạt động dân vận chỉ làm cho có, làm chiếu lệ để quay phim, chụp ảnh đưa lên báo chí. Khi làm xong, chính quyền địa phương còn phải tổ chức ăn uống tốn kém. Đồng chí Đào Thị Thu Thủy, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải chia sẻ: “Vấn đề đặt ra cho cán bộ là khi xuống với đồng bào, cán bộ có làm được những công việc mà đồng bào mong muốn hay không. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện, cán bộ của chúng tôi đều tự nguyện tham gia nên không có tình trạng hình thức, sáo rỗng, làm cho có. Khi xuống với đồng bào, có những việc phải làm cả ngày, buổi trưa chúng tôi tự túc ăn uống và không để địa phương mời ăn cơm. Lâu dần thành nếp, thành thói quen”.

Cán bộ và nhân dân xã Chế Tạo giúp xây mới Điểm trường Tà Dông (Trường Mầm non xã Chế Tạo). Ảnh: NGUYỄN HUYỀN

Cán bộ và nhân dân xã Chế Tạo giúp xây mới Điểm trường Tà Dông (Trường Mầm non xã Chế Tạo). Ảnh: NGUYỄN HUYỀN

Hình ảnh đồng chí Vũ Đình Lợi (khi đó là Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải) và nhiều cán bộ huyện tranh thủ buổi trưa ngồi ở suối ăn cơm nắm tự chuẩn bị để tiếp tục công việc láng nền cho một số hộ dân trong bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt vào ngày cuối tuần năm 2021 khiến nhiều người dân cảm động. Đồng chí Chang Thế Sửu, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khắt cho biết: “Có những hôm phải làm việc cả ngày, chúng tôi cũng đề nghị để cơ sở chuẩn bị cơm đơn giản, ăn để chiều làm việc tiếp, tuy nhiên tất cả mọi người đều nhất quyết từ chối. Ai cũng nói, bỏ chút công sức và thời gian ngày cuối tuần để giúp dân, xong lại tổ chức ăn uống rình rang, thật sự rất lãng phí trong khi đồng bào còn khó khăn. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, các ban, phòng và chính quyền sở tại đã được huyện quan tâm, chỉ đạo sát sao nên rất hiệu quả”.

“Quá trình thực hiện mô hình, điều chúng tôi lo lắng nhất là tâm lý ỷ lại, trông chờ cán bộ của đồng bào. Người dân chờ có cán bộ xuống địa bàn mới làm, nếu không thì thôi, mặc dù những công việc ấy phục vụ trực tiếp sinh hoạt hằng ngày của họ. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn có suy nghĩ bằng lòng với cuộc sống hiện tại, phát triển kinh tế gia đình chủ yếu là tự cung, tự cấp, chưa tạo ra sản phẩm thành hàng hóa để bán ra thị trường. Chính vì vậy, chúng tôi đã liên tục điều chỉnh cách thức thực hiện để khắc phục những tồn tại, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào; tập trung khơi dậy tinh thần tự giác trong lao động sản xuất để xóa đói, giảm nghèo tiến tới làm giàu chính đáng của người dân”, đồng chí Giàng A Vừ, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mù Cang Chải chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Giàng A Lềnh, Bí thư Đảng ủy xã Chế Tạo cho biết: “Đối với đồng bào dân tộc Mông, cán bộ phải cầm tay chỉ việc. Đơn giản nhất là từ việc vệ sinh nơi ở, chuồng trại, nếu làm không khéo, người dân chỉ chờ đến cuối tuần, có cán bộ xuống dọn dẹp, vệ sinh nơi ở giúp. Xác định phải kiên trì, trong những ngày cuối tuần hỗ trợ các gia đình làm vệ sinh, cán bộ đã lồng ghép tuyên truyền lợi ích của việc ăn ở sạch sẽ, lâu dần tạo thói quen cho đồng bào. Đến nay, người dân đã thay đổi rất nhiều, nhà cửa, chuồng trại, thôn bản luôn sạch sẽ. Bà con cũng không chờ đợi cán bộ xuống mới làm nữa”.

Nhân rộng mô hình nhiều ý nghĩa

Có thể thấy, mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” ở Mù Cang Chải được triển khai với nội dung công việc phong phú, đa dạng, thiết thực trên nhiều lĩnh vực khác nhau và đạt kết quả tích cực. Chương trình này đã từng bước giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất lương thực cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Những công trình, phần việc “Ngày cuối tuần cùng dân” do các cơ quan, đơn vị thực hiện đã mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội của huyện.

Được biết, ngay từ khi Huyện ủy Mù Cang Chải báo cáo với Tỉnh ủy Yên Bái về việc xây dựng kế hoạch để triển khai mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”, nhận thấy đây là mô hình dân vận thiết thực nên Tỉnh ủy đã thống nhất để Huyện ủy Mù Cang Chải làm đơn vị tiên phong, sau đó rút kinh nghiệm. Sáu tháng sau khi Mù Cang Chải triển khai thực hiện mô hình mang lại hiệu quả tích cực, tỉnh Yên Bái quyết định nhân rộng mô hình. Đồng chí Đào Thị Thu Thủy cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái thực hiện theo Kế hoạch số 48-KH/TU của Tỉnh ủy Yên Bái để triển khai mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” giai đoạn 2021-2025”.

Sự lan tỏa của mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” ở Mù Cang Chải nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức trong việc chăm lo đời sống nhân dân. Mô hình hiệu quả không chỉ với sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương mà còn tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện, xây dựng mối quan hệ gắn bó với người dân, kịp thời nắm bắt, giải quyết kiến nghị chính đáng của nhân dân.

HỒNG ANH - ĐỨC THỊNH - HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/doi-thay-tu-mo-hinh-ngay-cuoi-tuan-cung-dan-o-huyen-mu-cang-chai-bai-3-ren-luyen-can-bo-chuyen-bien-nhan-thuc-cua-nguoi-dan-tiep-theo-va-het-728922